Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đặt giới hạn khi uống rượu để đảm bảo sức khỏe

Có thể bạn muốn xã giao bằng một vại bia, tụ tập tại các quán rượu sau giờ làm việc hoặc uống một vài ly vào bữa tối. Các quán rượu ngày nay thường phục vụ những loại cocktail rất thú vị và sáng tạo được pha bằng rượu để thu hút những người đi làm và giới trẻ.

Bạn có biết?

Rượu chứa rất nhiều năng lượng. 1g rượu có thể cung cấp 7 calo, chỉ thấp hơn chất béo một chút. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên uống rượu thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn có một chiếc bụng bia.

Đồ uống có cồn Số lượng Năng lượng (kcal)
Bia 1 lon (330ml) 158
Rượu vang nửa ly (175ml) 140
Rượu mạnh 1 chén (35ml) 89

Thành phần hoạt động trong đồ uống có cồn là etanol - một chất hóa học có ảnh hưởng mạnh đến tâm thần. Etanol có khả năng gây say và gây nghiện.

Chỉ với một lượng nhỏ, nó đã có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc, giảm sự tự ti, khiến nó trở thành một công cụ để phá vỡ không khí ngại ngùng trong các hoạt động xã giao. Mọi người thường nói nhiều hơn và hòa nhập dễ dàng hơn sau một vài ly rượu. Với bất kì một lượng nào, rượu cũng có ảnh hưởng đến khả năng thể lực và trí óc, làm giảm tốc độ và sự chính xác của cơ thể. Hơn nữa, nó có thể dẫn đến các hành vi do say, tăng nguy cơ tai nạn xe cộ và chấn thương (ví dụ như liệt vĩnh viễn hoặc chết). Uống rượu quá nhiều sẽ phá vỡ cuộc sống gia đình bởi những hành động thiếu trách nhiệm và bạo lực. Vì những người say thường đòi hỏi một cách vô lý về tiền để phục vụ cho thói quen uống của họ và cũng thường không kiểm soát được cảm xúc trước những vấn đề nhỏ nhặt.

Việc uống rượu thường xuyên có liên quan đến béo phì, ung thư miệng, họng và cuống họng, xơ gan, tổn thương não bộ và mất trí nhớ, các vấn đề tình dục, đặc biệt là liệt dương ở nam giới.

Nếu bạn dưới 18 tuổi thì không nên uống rượu vì cơ thể bạn xử lý chúng chậm hơn. Vì vậy, các ảnh hưởng tiêu cực của rượu sẽ kéo dài hơn và mạnh hơn so với người lớn.

Những người đang ở trong độ tuổi có thể uống rượu thì cần nhận ra rằng thói quen uống của bạn có thể khiến bạn chuốc lấy cả những nguy cơ về sức khỏe và quan hệ xã hội. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn giảm thiểu tối đa các nguy cơ:

1. Tiết chế chính là chìa khóa

Hãy kiểm tra xem bạn có thể uống không

Trước khi bạn uống rượu, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể uống hay không. Những người có các điều kiện về sức khỏe như tiền sử gia đình có lượng triglyceride trong máu cao, viêm tụy, bệnh gan, các rối loạn về máu, suy tim và huyết áp cao không kiểm soát thì không nên uống.

Luôn uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và hỏi cụ thể rằng bạn có thể uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc không.

Không bao giờ được pha trộn thuốc với rượu vì nó gây nên những ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn.

Số lượng

Nếu bạn uống đồ uống có cồn thì hãy biết cách tiết chế. Đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị tiêu chuẩn mỗi ngày và phụ nữ thì không quá 1 đơn vị. 1 đơn vị tiêu chuẩn được tính là 1 lon bia bình thường (330ml), nửa ly rượu vang (175ml) và một chén rượu mạnh (35ml)

2. Ăn trước và trong khi uống

Việc ăn đồ nhậu hoặc ăn một bữa trước và trong khi uống sẽ giúp giảm tốc độ rượu hấp thụ vào cơ thể. Tránh đồ ăn mặn vì chúng sẽ làm bạn khát hơn khiến bạn uống nhiều rượu hơn để thỏa mãn cơn khát.

Trong bất kì lần uống rượu nào, hãy uống chậm, uống từng ngụm, thay thế chúng bằng những đồ uống không có cồn và ăn một thứ gì đó khi uống.

3. Không được uống rượu và lái xe

Đồ uống có cồn sẽ tác động đến khả năng phối hợp giữa mắt vào tay. Vì vậy, nếu bạn định uống thì hãy đi taxi đến địa điểm đó. Sau khi uống, hãy đi taxi về hoặc tiếp nhận dịch vụ đưa bạn về nhà từ những người phục vụ. Sau khi uống, không được tham gia các công việc đòi hỏi sự tập trung như vận hành máy móc, lặn, bơi hoặc lái thuyền.

Bạn có biết?

Nếu trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bạn sẽ bị phạt do điều khiển phương tiện trong khi say. Hơn nữa, ngay cả khi nồng độ cồn dưới mức cho phép, người lái xe vẫn có thể bị phạt nếu có bằng chứng cho thấy rằng họ không thể điều khiển phương tiện.

4. Cẩn thận với tình trạng lệ thuộc vào rượu

Vì rượu có khả năng gây nghiện, nên việc quan sát cách bạn kiểm soát nó là rất quan trọng. Hãy theo dõi liên tục mức độ thường xuyên và lượng rượu bạn uống. Chia sẻ kết quả theo dõi của bạn cho những thành viên gia đình hoặc những người bạn thân thiết để bạn có thể luôn luôn cảnh giác, đề phòng trường hợp bạn mắc thói quen uống quá nhiều.

5. Tìm sự trợ giúp nếu cần

Hãy thành thật và tìm kiếm sự trợ giúp nếu bạn cảm thấy có vấn đề với lượng rượu mà bạn uống vào. Có rất nhiều nơi cung cấp sự giúp đỡ để bạn vượt qua sự lệ thuộc vào rượu. Hãy tìm đến bất kì sự giúp đỡ nào và cố gắng tìm cho đến khi bạn nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

 

CTV Thu Hiền - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Health Hub)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm