Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sàng lọc virus varicella-zoster khi mang thai

Virus varicella-zoster (VZV) là một loại virus thuộc họ herpes, có thể gây bệnh thủy đậu và zona. VZV không thể sống, sinh sôi và gây bệnh ở bất cứ đâu trừ cơ thể người. Phụ nữ có thai bị nhiễm thủy đậu có thể gây nhiều biến chứng phức tạp. Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Virus varicella-zoster (VZV) có khả năng lây nhiễm cao từ người này sang người khác. Virus có thể lây truyền trực tiếp từ người bị bệnh sang người lành qua chất tiết đường hô hấp như các giọt bắn nhỏ khi người bệnh ho, hắt hơi.

Những phụ nữ mang thai đã bị bệnh hoặc nhiễm virus hoặc tiêm phòng trước đó sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, những người chưa bao giờ nhiễm bệnh hay tiêm phòng sẽ không có miễn dịch với virus, do vậy sẽ có nguy cơ cao bị các biến chứng nếu nhiễm VZV trong thời kỳ mang thai.

Virus này có thể gây ra nhiều dị tật bẩm sinh, vì vậy, các bác sĩ thường chỉ định làm các xét nghiệm máu để sàng lọc nhiễm VZV ở những phụ nữ mang thai nghi ngờ mắc bệnh hoặc chưa có miễn dịch với virus. Các xét nghiệm này thường được thực hiện trước khi mang thai hoặc giai đoạn đầu của thai kì. Việc xét nghiệm sàng lọc được thực hiện sớm sẽ giúp điều trị kịp thời, hạn chế mức độ nặng và biến chứng của bệnh.

Một virus nhưng gây ra 2 loại nhiễm trùng

VZV có thể gây ra thủy đậu và zona.

Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ nhỏ, gây ngứa, ban đỏ dạng mụn nước trên da. Bạn có thể chỉ bị thủy đậu một lần do cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại virus. 

Tuy nhiên, sau lần bị thủy đậu, những virus này có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể và tái hoạt động một số lần sau đó, gây ra bệnh zona. Bệnh zona thường gây đau và nổi mụn nước nhưng ít nghiêm trọng cho bản thân người đó so với thủy đậu, bởi cơ thể đã có các kháng thể chống lại virus. Nhưng nếu một ai đó chưa từng bị thủy đậu mà tiếp xúc với dịch tiết ở các nốt bọng nước zona, họ có thể bị thủy đậu thay vì bị zona.

Triệu chứng

Biểu hiện của bệnh Thủy đậu

Thời kì ủ bệnh của VZV từ 10-14 ngày.

Triệu chứng thường gặp là xuất hiện các chấm nhỏ, màu đỏ. Các chấm này lớn dần lên và chứa đầy dịch, lúc đầu dịch thường có màu trong, sau đó chuyển sang đục (nếu bị nhiễm trùng) hoặc có máu (nếu có xuất huyết), sau đó vỡ ra và để lại vảy cứng. Mụn nước thường bắt đầu trên mặt hoặc thân mình và nhanh chóng lan đến cánh tay và chân. 

Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm sốt, mệt mỏi, và đau đầu.

Những người bị thủy đậu bắt đầu có khả năng lây nhiễm cho người khác khoảng 1-2 ngày trước khi mụn nước xuất hiện và kéo dài cho đến khi tất cả các mụn nước đã được hình thành và đóng vảy.

Có thể mất 2 tuần hoặc lâu hơn cho những vết loét biến mất.

Biểu hiện của Zona

Nếu virus tái hoạt động thì có thể gây ra zona. Bệnh biểu hiện bằng các mụn nước đỏ và đau, mọc thành chùm ở một bên thân mình. Mụn nước thường xuất hiện sau khi phát ban 1-5 ngày. Bạn có thể cảm thấy ngứa, tê bì, đau rát và rất nhạy cảm ở vùng tổn thương.

Những triệu chứng khác của zona bao gồm:

  • Sốt
  • Cảm giác khó chịu, bứt rứt
  • Đau cơ
  • Đau đầu
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Nôn nao, khó chịu ở dạ dày

Nguy cơ của nhiễm VZV khi mang thai

Phụ nữ từng bị nhiễm thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được tiêm phòng bệnh thủy đậu sẽ có kháng thể chống lại VRV, do vậy có miễn dịch với bệnh . Vì vậy khi mang thai, những phụ nữ này sẽ không lo ngại về biến chứng của bệnh với bản thân họ và thai nhi.
Những phụ nữ mang thai chưa có kháng thể chống VZV trong người (chưa bao giờ mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu) sẽ có nguy cơ bị biến chứng khi nhiễm thủy đậu. Khoảng 10-20% các trường hợp thai phụ nhiễm thủy đậu sẽ bị viêm phổi và nguy cơ tử vong ở những người này lên tới 40%, theo một số nghiên cứu. Một tỉ lệ nhỏ thai phụ nhiễm thủy đậu có thể bị viêm não. 

Phụ nữ có thai nếu nhiễm thủy đậu nguyên phát khi mang thai (chưa bao giờ mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu) có thể lây truyền thủy đậu cho con của họ qua nhau thai. Nguy cơ của đứa trẻ tùy thuộc vào thời gian nhiễm bệnh của người mẹ:

  • Nếu mẹ bị nhiễm virus trong 12 tuần đầu tiên của thai kì, đặc biệt là trong tuần 8  đến 12, khoảng 0,5 - 1,0% trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp gọi là hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là: sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
  • Nếu mẹ bị nhiễm virus trong 3 tháng giữa của thai kỳ, đặc biệt là tuần thai từ 13 đến 20, tỉ lệ trẻ sinh ra bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh tăng lên mức 2%.
  • Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu bẩm sinh do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này có thể lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm. 

Bởi vì những nguy cơ trên, việc hạn chế tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng VZV khi mang thai là hết sức cần thiết. Bạn có thể cần được sàng lọc VZV khi mang thai.

Nếu bạn phơi nhiễm với virus khi mang thai và chưa có miễn dịch trước đó, bạn cần đến bác sĩ ngay lập tức. Bác sỹ có thể tiêm cho bạn globulin miễn dịch với VZV  là VZIG trong đó chứa kháng thể chống lại virus. Nếu bạn được tiêm trong vòng 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm, bạn có thể phòng được thủy đậu hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng cho cả bạn và thai nhi.

Tuy nhiên bạn cần nhớ VZIG KHÔNG phòng ngừa được nhiễm trùng bào thai, hội chứng thủy đậu bẩm sinh và cả bệnh thủy đậu bẩm sinh. Đối với trẻ sơ sinh, để dự phòng biến chứng cần phải tiêm VZIG cho trẻ sơ sinh khi bị mắc thủy đậu bẩm sinh.

Cách xử trí khi thai phụ bệnh thủy đậu

Thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm. 

Đối với thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu diễn tiến nặng có nguy cơ viêm phổi nên được điều trị kịp thời trong bệnh viện và có thể được dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai. Acyclovir có vai trò ức chế sự phát triển của virus nên ức chế sự phát triển của bệnh.

Phòng bệnh

Hãy hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc xin phòng thủy đậu nếu bạn có ý định mang thai mà chưa từng bị thủy đậu hay chưa tiêm chủng trước đó.

Tuân thủ theo đứng hướng dẫn của bác sỹ về thời gian tiêm phòng thủy đậu. Phải đảm bảo chắc chắn mũi vắc xin thứ hai phải được tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.

Nếu bạn không chắc chắn mình đã có miễn dịch với thủy đậu chưa, hãy nói với bác sỹ để bác sỹ có thể cho bạn làm xét nghiệm máu để xác định lượng kháng thể của bạn với virus.

Điều quan trọng khi bạn dự định có thai hoặc đang mang thai là cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với những người đang bị thủy đậu. Nếu bạn sống trong vùng đang có dịch thủy đậu, hãy hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người, đặc biệt là ở nhà trẻ hoặc trường học, nơi có nhiều trẻ em mắc bệnh.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sàng lọc trước sinh
Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 11/04/2025

    Những gì cần biết về thức uống “proffee”

    Gần đây, một xu hướng mới mang tên "proffee" đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Tuy nhiên, liệu thức uống proffee có thật sự mang lại những lợi ích như nhiều người vẫn tin tưởng hay không?

  • 11/04/2025

    Sử dụng thuốc mỡ tra mắt đúng cách

    Cùng với thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về mắt. Vì thuốc mỡ đi thẳng vào mắt nên có thể bắt đầu có tác dụng nhanh hơn nhiều so với thuốc uống.

  • 10/04/2025

    Sữa chua có thật sự là 'siêu thực phẩm' ngừa loãng xương?

    Các nhà khoa học đang nghiên cứu về các sản phẩm sữa lên men như sữa chua và men vi sinh có thể giúp ngăn ngừa loãng xương hay không. Liệu chúng có phải là chìa khóa giúp xương chắc khỏe hơn không?

  • 10/04/2025

    Ngày nào cũng ăn chuối có được không?

    Nhiều người thích ăn chuối hàng ngày nhưng lo lắng hàm lượng đường trong loại quả này ảnh hưởng đến sức khỏe. Tham khảo những thông tin dinh dưỡng của chuối để có thêm lựa chọn cho chế độ ăn.

  • 10/04/2025

    Chơi game nhiều có thể dẫn đến tính cách ưa bạo lực?

    Mặc dù đứng trước những cáo buộc từ báo chí và cộng đồng mạng về việc chơi game có thể thúc đẩy các bạn trẻ, thanh niên dẫn đến bạo lực, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mối liên hệ giữa chơi game và bạo lực. Tuy vậy WHO đã xếp chứng nghiện game là một dạng rối loạn tâm thần từ năm 2019. Vậy chúng ta có nên ngăn con cái chơi game không

  • 09/04/2025

    7 lý do để phụ nữ ăn dứa mỗi ngày

    Dứa là một loại cây nhiệt đới với hương vị tươi ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Các chất dinh dưỡng trong dứa có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ

  • 08/04/2025

    Thực phẩm nào có thể gây bệnh ngộ độc thịt do Botulinum cực nguy hiểm?

    Bệnh ngộ độc thịt là một tình trạng nghiêm trọng do vi khuẩn Clostridium botulinum tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể, bệnh có thể gây tử vong.

  • 08/04/2025

    Cân bằng công việc và cuộc sống: Giữ gìn sức khỏe tinh thần cho người trưởng thành

    Áp lực công việc và cuộc sống ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào? Các dấu hiệu cảnh báo kiệt sức, stress là gì? Các phương pháp giúp người trưởng thành cân bằng công việc và cuộc sống, duy trì sức khỏe tinh thần: quản lý thời gian, thư giãn, rèn luyện thể chất...

Xem thêm