Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những sự thật về hoa mắt chóng mặt - Phần 2

Chắc chắn rằng bạn đã từng bị hoa mắt chóng mặt một lần nào đó trong đời. Với một số người, thậm chí còn thường xuyên hoa mắt, chóng mặt kèm theo buồn nôn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem vì sao bạn lại bị thế và liệu có nguy hiểm không?

Những sự thật về hoa mắt chóng mặt - Phần 2

Đau nửa đầu có thể gây ra tình trạng quay cuồng

Chóng mặt thường có liên quan đến đau nửa đầu, và/hoặc đau đầu. Các triệu chứng khác của tình trạng quay cuồng liên quan đến đau nửa đầu bao gồm: nhạy cảm với chuyển động, ánh sáng và âm thanh, mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn và nôn. Khoảng 40% những người bị đau nửa đầu sẽ bị chóng mặt hoặc quay cuồng tương đối nặng và kéo dài thậm chí là vài giờ.

Chóng mặt có thể là do lo âu

Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ khoảng 20 tuổi thường xuyên bị chóng mặt và họ cũng là những người thường xuyên lo âu. So sánh với những người không bị lo âu, những người mắc các rối loạn lo âu thường sẽ bị chóng mặt nhiều hơn trong môi trường chuyển động. Những người này đặc biệt nhạy cảm với sự chuyển động của môi trường xung quanh vì tình trạng chóng mặt của họ sẽ tăng lên khi họ nhìn/xem các vật thể chuyện động hoặc đi lại.

Lái thuyền hoặc du lịch trên thuyền có thể sẽ gây chóng mặt

Việc bị chóng mặt trong ngày đầu tiên sau chuyến đi thuyền là vô cùng phổ biến. Với một vài người, tình trạng này thậm chí có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm. 75% tổng số thủy thủ có thể cảm nhận được tình trạng này. Máy bay, ô tô, tàu hỏa cũng có thể gây ra cảm giác tương tự. Thậm chí nằm đệm nước cũng có thể sẽ gây chóng mặt ở một số người.

Tác dụng phụ của thuốc

Có rất nhiều thuốc có thể gây chóng mặt. Sử dụng thuốc hạ huyết áp liều cao có thể gây chóng mặt, đặc biệt ở người lớn tuổi và những người sử dụng liều quá cao.

Hãy hỏi bác sỹ xem có loại thuốc nào bạn đang dùng có tác dụng phụ là chóng mặt, quay cuồng hay mất thăng bằng nếu bạn đang dùng thuốc và có tình trạng chóng mặt, quay cuồng xảy ra. Bác sỹ sẽ xem xét thật kỹ đơn thuốc và hạ liều thuốc nếu cần thiết và đôi khi sẽ làm giảm đáng kể tình trạng chóng mặt. Bạn không nên vì tác dụng phụ của thuốc mà tự ý ngừng uống một loại thuốc nào cả, trừ khi có chỉ định của bác sỹ.

Chế độ ăn hoặc tình trạng mất nước có thể gây chóng mặt

Thậm chí kể cả tình trạng thiếu nước nhẹ cũng sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc hơi hoa mắt. Mất nước có thể sẽ khiến huyết áp của bạn tụt xuống, dẫn đến chóng mặt. Ăn kiêng cũng có thể dẫn đến chóng mặt vì một số chế độ ăn kiêng sẽ khiến cơ thể bị mất nước. Mất nước nhẹ là tình trạng mất từ 1-2% trong lượng cơ thể, và có thể gây chóng mặt.

Những nguyên nhân ít phổ biến hơn

Hãy lưu ý đến tình trạng chóng mặt của bạn bởi cùng với những triệu chứng khác, chóng mặt có thể là dấu hiệu cho thấy một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hãy đến gặp bác sỹ nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt hoặc quay cuồng. Mặc dù hiếm gặp, (dưới 1%) nhưng chóng mặt có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ hoặc khối u não.

Một tình trạng hiếm gặp khác là hội chứng Ménière. Nếu bạn bị chóng mặt quay cuồng cùng với các vấn đề về nghe ở một bên tai thì có thể bạn đã mắc phải căn bệnh hiếm gặp này. Bệnh Ménière chỉ ảnh hưởng khoảng 0,2% dân số và thường chỉ gặp ở người từ 40-60 tuổi. Tuy vậy, có thể điều trị và chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm.

Hãy nhớ, đừng bỏ qua các triệu chứng chóng mặt, quay cuồng, nhất là khi biểu hiện đó lặp lại một vài lần. Đi khám sớm ngay khi có thể sẽ thật sự có ích cho bạn!

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cải thiện chứng chóng mặt ở người cao tuổi

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm