Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về bệnh viêm xoang ở trẻ em

Không chỉ người lớn mới mắc viêm xoang, trẻ em cũng có nguy cơ bị bệnh, nhất là trong mùa lạnh, khi thay đổi thời tiết, hoặc sau một đợt viêm đường hô hấp trên.

Viêm xoang ở trẻ nhỏ cần được chăm sóc, chữa bệnh triệt để vì biến chứng của viêm xoang thường nặng nề hơn nhiều so với người lớn.

Nếu con bạn bị cảm lạnh mà mãi không khỏi, trẻ có thể đã bị viêm xoang. Trẻ em bị dị ứng tại đường hô hấp cũng có thể dẫn tới viêm xoang.

Bạn cũng có thể nhận thấy trẻ có khả năng bị viêm xoang nếu trẻ có một số triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi kéo dài trên 10 ngày
  • Tiết dịch mũi đặc, màu trắng đục hoặc màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi
  • Ho nhiều vào ban ngày và trở nên nặng hơn vào buổi tối (do chảy dịch mũi xuống họng)
  • Sưng nề ở mũi và mắt
  • Đau ở hàm hoặc đau nhức đầu phía bên trong trán hoặc mũi
  • Sốt nhẹ hoặc vừa kéo dài
  • Có thể khó thở, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc ngủ gà

Cảm lạnh và dị ứng có thể chuyển thành viêm xoang 

Xoang là các khoang rỗng chứa khí nằm trong xương sọ ở hai bên mũi, trán, phía trên hoặc phía dưới của mắt. Do xoang là các khoang tối, ấm và ẩm ướt nên đây là một môi trường vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn. Khi vi khuẩn xâm nhập vào xoang do cảm lạnh, nhiễm khuẩn hô hấp trên..., chúng sẽ sinh sôi và phát triển mạnh trong xoang, dẫn đến viêm xoang.

Khi trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng, hoặc nhiễm khuẩn sau viêm nhiễm đường hô hấp trên, lớp niêm mạc mỏng lót trong xoang sẽ bị sưng lên, tăng tiết dịch nhầy hoặc mủ gây nên tình trạng viêm xoang. Nếu tình trạng sưng, viêm và tiết dịch nhầy làm bít tắc các đường thông khí giữa các xoang và mũi, các triệu chứng của viêm xoang sẽ trở nên tồi tệ hơn như gia tăng tình trạng nghẹt, tắc mũi, khó thở, đau đầu, đau mũi, đau hàm.

Điều trị viêm xoang

Trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu kéo dài trong khoảng 2 – 3 tuần. Nếu các triệu chứng không hết đi hoặc chỉ thuyên giảm trong một thời gian ngắn rồi lại tái phát, bác sỹ có thể phải đổi loại kháng sinh sử dụng.

Điều trị viêm xoang tái phát

Ở một số trẻ, viêm xoang có thể diễn biến dai dẳng, tái phát nhiều lần và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn như bệnh viêm tai – và tất nhiên rất khó điều trị.

Nếu trẻ bị viêm xoang mãn tính, rất có thể là do trẻ bị ảnh hưởng của một số yếu tố như:

  • Dị ứng
  • Các vấn đề về cấu tạo giải phẫu của mũi hạn chế khả năng tiết dịch mũi, như dị hình vách ngăn mũi
  • Viêm hạch hạnh nhân mãn tính (hạch hạnh nhân phía sau mũi) làm các vi khuẩn lây nhiễm sang các xoang

Trong trường hợp này, trẻ cần được đưa đến các bác sỹ chuyên khoa tai-mũi-họng để điều trị.

Phòng tránh viêm xoang ở trẻ em

Hơi nước ẩm sẽ giúp làm dịu lớp lót niêm mạc xoang và làm lỏng dịch tiết đường hô hấp. Do vậy, khi trẻ bị cảm lạnh, hãy giữ cho không khí trong nhà trở nên ẩm hơn và đảm bảo cho trẻ uống thật nhiều nước.

Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị cảm lạnh, hãy trao đổi với bác sỹ về các phương pháp điều trị, cả việc thay đổi môi trường sinh sống lẫn sử dụng thuốc.

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên hoặc viêm mũi họng hãy cho trẻ đi khám bác sỹ để điều trị kịp thời, triệt để, tránh các biến chứng như viêm xoang.

Hạn chế các tác nhân gây dị ứng như khói thuốc lá, lông vật nuôi và mạt bụi tồn tại trong nhà. Tất cả những yếu tố trên có thể gây kích ứng các đường dẫn khí và dẫn tới viêm xoang.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Liệu dị ứng có dẫn đến viêm xoang?

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Babycenter
Bình luận
Tin mới
Xem thêm