Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Liệt nửa người do tai biến mạch máu não hồi phục ra sao?

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng rối loạn khu trú chức năng não tiến triển nhanh trên lâm sàng thường do mạch máu nuôi dưỡng một vùng não bị tắc hoặc vỡ làm vùng não đó bị tổn thương, hậu quả là phần cơ thể do vùng não đó chi phối bị rối loạn hoạt động thường gặp là liệt nửa người.

Bệnh thường xảy ra ở người trên 45 tuổi trong đó 2/3 xảy ra ở tuổi trên 65. Bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau các bệnh tim mạch. Trường hợp qua cơn hiểm nghèo thì cũng để lại nhiều di chứng ở các mức độ khác nhau và dẫn đến tàn tật nhiều nhất.

Cảnh giác với các nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ: tuổi, giới, tiền sử gia đình, tăng huyết áp, các bệnh lý tim, rối loạn lipit máu, béo phì, đái tháo đường, nghiện thuốc lá, uống rượu, uống thuốc ngừa thai, tăng axit uric máu...

Dấu hiệu lâm sàng

Khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh, có các dấu hiệu thần kinh khu trú kéo dài quá 24 giờ bao gồm rối loạn vận động, cảm giác, tri giác, nhận thức, ngôn ngữ, giác quan (thị lực, thị trường...).

Chẩn đoán xác định bằng: Chụp CT hoặc MRI sọ não; siêu âm mạch cảnh; chụp động mạch não. Chúng ta nên biết giờ vàng để cấp cứu tai biến mạch não là trong 3 giờ đầu từ khi có biểu hiện của tai biến. Sau quá trình điều trị tích cực thì giai đoạn phục hồi các di chứng rất quan trọng.

Thầy thuốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An giúp người bệnh hồi phục sau tai biến.

Sau đây là các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

Giai đoạn đầu (liệt mềm)

Các kỹ thuật vị thế: Đặt tư thế đúng trên giường (nằm ngửa, nằm nghiêng sang bên lành, nằm nghiêng sang bên liệt), tư thế đúng khi ngồi trên giường, trên ghế  hoặc xe lăn...

Vận động trị liệu: Tập vận động thụ động các khớp bên liệt; Khớp vai: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài; Khớp khuỷu: Gấp, duỗi khuỷu, quay sấp, xoay ngửa cẳng tay; Khớp cổ tay: Gấp, duỗi, nghiêng trong, nghiêng ngoài khớp cổ tay; Các ngón tay: Gấp, duỗi, dạng, khép các ngón tay; Khớp háng: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài; Khớp gối: Gấp, duỗi; Khớp cổ chân: Gấp, duỗi; Các ngón chân: Gấp, duỗi, dạng, khép; Ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu: Có thể can thiệp sớm kết hợp tâm lý trị liệu.

Giai đoạn sau (liệt cứng)

Vận động trị liệu; Tập theo tầm vận động: tập vận động có trợ giúp, vận động chủ động;  Tập vận động ở các tư thế: nằm, ngồi, đứng, đi; Tập dáng đi; Tập thăng bằng (các tư thế); Tập vận động với các dụng cụ trợ giúp; Hoạt động trị liệu: Tập thực hiện các hoạt động tự chăm sóc, tập bắt buộc sử dụng tay liệt, gương trị liệu; Ngôn ngữ trị liệu: Tập nói, giao tiếp (với những bệnh nhân thất ngôn), tập nuốt..; Vật lý trị liệu: Cung cấp dụng cụ chỉnh trực (máng, nẹp...) và dụng cụ trợ giúp (khung tập đi, nạng, gậy...) kết hợp tâm lý trị liệu.

Hồi phục tại nhà

Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình: phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.

Cải tạo nhà ở và môi trường xung quanh cho phù hợp với bệnh nhân.

Các dụng cụ trợ giúp cần thiết cho giai đoạn này: trợ giúp đi lại, trợ giúp sinh hoạt, trợ giúp làm việc. Tham gia các hoạt động hòa nhập cộng đồng: nhóm trợ giúp, hội người tàn tật, tiếp cận các dịch vụ công cộng, các hoạt động của cộng đồng.

Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình về tâm lý sau tai biến: Chấp nhận những chức năng không thể phục hồi, người bệnh trở thành người khuyết tật.

Việc làm và thu nhập: Khả năng tiếp tục nghề cũ, hoặc bệnh nhân phải học một nghề mới hoặc có những hoạt động tạo thu nhập.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phòng ngừa theo nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ, cụ thể là: Thay đổi lối sống; Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, không uống rượu; Ăn uống điều độ; Tăng cường vận động thể lực, thể dục thể thao; Sống vui vẻ tránh căng thẳng; Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp.

Sau khi ra viện, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và phục hồi chức năng tại nhà trong chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Bệnh nhân cần được khám lại ít nhất 06 tháng một lần tại các cơ sở phục hồi chức năng gần nhất; hoặc khi có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần đến cơ sở phục hồi chức năng để tiếp tục được khám và phục hồi chức năng.

Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm