Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mùa hè cảnh giác với chốc lở ngoài da ở trẻ em

Mùa hè khí hậu nóng ẩm mưa nhiều là cơ hội cho các bệnh về da phát triển, trong đó có bệnh chốc lở ngoài da. Bệnh thường hay xuất hiện ở trẻ em do trẻ có làn da mỏng và nhạy cảm hơn người lớn.

Chốc lở dễ "tấn công" trẻ dưới 5 tuổi

Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu trực tiếp tại vùng da lành hoặc do nhiễm trùng các vết trầy xước trên da như bị côn trùng cắn, xây xước do ngứa gãi…

Bệnh thường tiến triển vào mùa hè và rôm sảy là một nguyên nhân để khuẩn liên cầu dễ xâm nhập vào trẻ. Trẻ bị rôm sảy thường ngứa ngáy, nhưng bị chốc lở thì có dấu hiệu đau nhiều hơn. Chốc lở có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng, nhưng trẻ dưới 5 tuổi dễ bị "tấn công" nhất do hệ miễn dịch kém nên dễ nhiễm trùng.

Mùa hè khí hậu nóng ẩm là cơ hội cho các bệnh về da phát triển, trong đó có bệnh chốc lở ngoài da.

Dấu hiệu nhận biết chốc lở ở trẻ

Chốc thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái, bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da. Chính vì vậy, khi mắc thường có triệu chứng hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn. Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch.

Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: Chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước.

Chốc thể có bọng nước điển hình thương tổn là dát đỏ kích thước từ 0,5 - 1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Khi các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong. Vị trí thường gặp là ở mặt, vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại.

Bệnh nhân có thể ngứa - gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.

Chốc thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái.

Chốc thể không có bọng nước điển hình thương tổn là các mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. 

Vị trí hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi. Thể chốc này thường gặp trên những trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc.

Bệnh thường khỏi sau 2 - 3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài.

Chốc lở dễ nhầm lẫn với bệnh nào?

Khi mắc bệnh chốc lở với những nốt mẩn đỏ, ngứa ngoài da rất dễ nhầm với một số loại viêm da khác như rôm sảy, biểu hiện dị ứng ngoài da của hội chứng Steven Johnsons hay dấu hiệu của chàm da. Chính vì những hiểu lầm này nên nhiều cha mẹ chủ quan chỉ cố gắng dùng cách hạ nhiệt cho trẻ (cho ăn đồ mát, tắm nước lá) khiến bệnh đơn giản có thể gây biến chứng.

Các biến chứng có thể gặp do khuẩn liên cầu có thể tấn công sâu vào máu gây bệnh nhiễm trùng máu rất khó điều trị. Khuẩn liên cầu tồn tại trong cơ thể lâu cũng khiến trẻ bị sốt và tấn công thận gây ra viêm cầu thận cấp.

Vì ngứa và đau nên trẻ thường đưa tay lên gãi rồi lại chạm tay vào những vùng khác khiến cho bệnh lây lan trên nhiều vùng cơ thể, nếu cọ vào mắt thì gây ra viêm nhiễm sinh ghèn, ngứa và có thể làm mù mắt.

Bệnh không được điều trị có thể kéo dài đến vài tuần, gây nhiều biến chứng khiến trẻ mệt mỏi biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng. Việc cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn cho trẻ tắm nước lá, bôi thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng cũng lại tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn.

Cho trẻ tắm nước lá, bôi thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Cần điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ

Cũng như bệnh ngoài da khác, các bước điều trị tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhi, mức độ tổn thương, bội nhiễm… Nguyên tắc điều trị chung là rửa thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết. Sau đó dùng các thuốc sát trùng hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ. Che phủ vùng da thương tổn. Nếu chốc lan rộng có thể sử dụng kháng sinh toàn thân theo đúng phác đồ.

Chăm sóc đúng cách trẻ bị chốc lở tại nhà

Nếu muốn bệnh chốc lở ở trẻ em nhanh lành và phòng ngừa lây lan nhiễm trùng, bên cạnh việc tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, các bậc phụ huynh cần thực hiện nghiêm túc đúng cách việc chăm sóc trẻ bị chốc tại nhà bằng cách che vết chốc lở trên da trẻ lại để không làm vỡ bóng nước lây lan vi khuẩn sang các phần khác của cơ thể và người tiếp xúc với trẻ.

Cha mẹ cần chú ý lựa chọn quần áo thoải mái, thoáng mát cho trẻ mặc. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng nếu trẻ gãi, đồng thời hạn chế tổn thương da và gây vỡ bóng nước. Không mặc tã nếu trẻ nhỏ bị chốc lở.

Ngoài ra, cần rửa tay cho trẻ thường xuyên để phòng ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu. Cần vệ sinh vết chốc lở hằng ngày với nước ấm. Giặt riêng đồ của trẻ bị chốc lở và hạn chế cho trẻ ra ngoài cho tới khi khỏi bệnh.

Thời tiết nóng ẩm, môi trường ô nhiễm là những yếu tố gia tăng bệnh, vì vậy nên giữ vệ sinh không gian sống: Nhà ở phải thông thoáng, quần áo, mũ của trẻ phải sạch và thoát mồ hôi; giặt giũ sạch sẽ quần áo của trẻ, hạn chế tình trạng trẻ bị côn trùng cắn. Khi thấy con có những nốt mẩn đỏ, mưng mủ trên da (đặc biệt hay xảy ra trên đầu, mặt) thì nên cho đi khám ngay. Việc điều trị bằng kháng sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt, dù thấy các vết mưng mủ đã khô thì vẫn cần cho con uống hết liều kháng sinh theo chỉ định để giảm thiếu tái phát.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị chốc lở tại nhà hiệu quả.

BS. Trần Thị Huyền - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm