Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tới 47%

Nếu như tình trạng khó ngủ mãi cho tới nửa đêm không thể đe dọa bạn thì hãy coi chừng. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những vấn đề về giấc ngủ của bạn có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa chứng ngưng thở lúc ngủ, mất ngủ và thậm chí thói quen làm việc ban đêm với sự gia tăng nguy cơ tiểu đường, nhưng nghiên cứu mới này còn nhấn mạnh rằng ngay cả tình trạng khó rơi vào giấc ngủ (mà chúng ta vẫn coi như là bình thường) cũng có thể làm gia tăng nguy cơ tiến triển bệnh tiểu đường tới 45%.

Theo giáo sư Frank B.Hu thuộc Đại học y tế công cộng T.H. Chan, sau khi xem xét tất cả những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường, như huyết áp cao và chỉ số khối cơ thể, kết quả cho thấy những phụ nữ gặp phải tình trạng khó ngủ này sẽ tăng khoảng 22% nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường. Tính cho tới nay, đây là nghiên cứu trên quy mô lớn nhất đánh giá mối liên hệ giữa tình trạng mất ngủ và căn bệnh tiểu đường type 2, dựa trên các số liệu từ 2 nghiên cứu Nurse’s Health Study. Hu và cộng sự đã phân tích dữ liệu về giấc ngủ của hơn 133,000 phụ nữ từ năm 2000 đến 2011.

Theo giáo sư Hu, khó ngủ bản thân nó là một ảnh hưởng có tính sinh học, cũng giống như tăng nồng độ hormon stress, và điều này có liên quan đến sự gia tăng tình trạng đề kháng với insulin. Hay tình trạng khó ngủ có thể liên quan tới stress, và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.

Những phụ nữ gặp phải tình trạng khó ngủ, cũng như có 3 vấn đề khác như chứng ngáy, ngưng thở lúc ngủ hay phải làm việc ca đêm thường ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm – những đối tượng này cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng tới 400%. Những người gặp phải một trong những vấn đề này sẽ có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường cao hơn 47% so với những phụ nữ không gặp phải bất cứ vấn đề nào về giấc ngủ.

Theo GS. Hu, vấn đề quan trọng cần rút ra là cả chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ đều đóng vai trò rất quan trọng để phòng bệnh.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn là đã hoàn toàn tồi tệ. Đối với những người mới gặp phải tình trạng này, chỉ khoảng một vài đêm không ngủ đủ giấc cũng không gây hại cho sức khỏe quá nhiều. Chỉ khi tình trạng ngủ dưới 6 tiếng một đêm kéo dài mới khiến bạn trở thành đối tượng có nguy cơ cao.

Cũng theo một nghiên cứu khác, bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ cho bản thân nếu khắc phục kịp thời tình trạng mất ngủ. Một nghiên cứu nhỏ tiến hành đánh giá về giấc ngủ trên 19 nam giới khỏe mạnh chỉ ngủ khoảng 4.5 tiếng trong vòng 4 đêm liên tiếp. Kết quả cho thấy tính nhạy cảm với insulin của họ giảm và nguy cơ mắc tiểu đường tăng lên. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày được ngủ tới hơn 9.5 tiếng/đêm, các giá trị trên đã trở lại bình thường. Các nhà khoa học cảnh báo rằng đây chỉ là mô hình được tiến hành trong phòng thí nghiệm, và vẫn cần tiến hành thêm những nghiên cứu khác để xem liệu nỗ lực hồi phục giấc ngủ có đem lại hiệu quả tích cực trên thực tế hay không.

Các chuyên gia khuyên rằng bạn cũng đừng quên những nguyên tắc cần thực hiện để có được một giấc ngủ ngon: Tắt các thiết bị điện tử từ 60-90 phút trước khi đi ngủ và thay bằng những thói quen lành mạnh khác như ngồi thiền hay nghe nhạc, đọc sách – tất cả những biện pháp này đều giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

Nếu bạn đã thực hiện theo tất cả những nguyên tắc kể trên mà vẫn không thể có được một giấc ngủ ngon thì tốt nhất là nên đi khám bác sỹ. Theo các chuyên gia, hiện đã có đầy đủ các bằng chứng để chứng minh rằng giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng và cần phải được quan tâm như những yếu tố khác. Các bác sỹ sẽ hỏi xem liệu bạn có bất cứ vấn đề nào về giấc ngủ hay không, ngủ quá nhiều hay không đủ, có ngáy khi ngủ hay gặp khó khăn để chìm vào giấc ngủ và duy trì nó hay không. Tất cả những câu hỏi này đều rất hữu ích để giúp các bác sỹ đưa ra được lời khuyên chính xác cho từng bệnh nhân, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc béo phì và tiểu đường.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm