Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đại dịch COVID-19 làm tăng số người sa sút trí tuệ

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí tạp chí JAMA Neurology, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học tập là phổ biến sau khi mắc COVID-19 trầm trọng.

Sa sút trí tuệ có liên quan đến mắc COVID-19

Trong nghiên cứu so sánh tỷ lệ sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức nhẹ (biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ) ở những người hồi phục sau mắc COVID-19 với những người không mắc COVID-19, nhóm nghiên cứu đã phân tích gần 1.500 người từ 60 tuổi trở lên nhập viện vì COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Trong số này, 260 người bị bệnh nặng và được theo dõi 6 tháng và 1 năm sau để đánh giá về chức năng nhận thức.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá chức năng nhận thức của hơn 400 người được lựa chọn ngẫu nhiên từ những bệnh nhân nhập viện nhưng không bị mắc COVID-19, đây chính là nhóm dùng để so sánh trong nghiên cứu.

Kết quả cho thấy, trước khi bị mắc COVID-19, không ai trong số những đối tượng nghiên cứu có vấn đề về nhận thức, rối loạn thần kinh hoặc tiền sử gia đình bị sa sút trí tuệ, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận nặng hoặc ung thư. Tuy nhiên, 1 năm sau khi ra viện, 12,5% số bệnh nhân sống sót sau mắc COVID-19 đã gặp phải các vấn đề về nhận thức.

Kết quả cũng cho thấy, sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức nhẹ phổ biến hơn đáng kể ở những người mắc COVID-19 nặng so với những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không mắc COVID-19. Khoảng 15% số người bị COVID-19 nặng bị sa sút trí tuệ vào thời điểm 1 năm sau khi xuất viện, và khoảng 26% bị suy giảm nhận thức nhẹ.

Trong khi đó, chỉ có dưới 1% số người nhập viện trong tình trạng mắc COVID-19 không nghiêm trọng và những người không mắc COVID-19 bị sa sút trí tuệ sau đó và khoảng 5% số người trong mỗi nhóm này bị suy giảm nhận thức nhẹ.

COVID-19 có thể gây sa sút trí tuệ.

Gia tăng gánh nặng sa sút trí tuệ toàn cầu

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Yan-Jiang Wan, Giám đốc trung tâm khoa học thần kinh lâm sàng tại Bệnh viện Daping ở Trùng Khánh (Trung Quốc), cho biết: "Những tác động lâu dài này của COVID-19 có thể làm gia tăng đáng kể gánh nặng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới".

"Các vấn đề về nhận thức là khá thường gặp ở người mắc COVID-19. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần cho đến nay vẫn chưa được rõ ràng. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp thêm thông tin mới về những thay đổi trong nhận thức của những người sống sót sau mắc COVID-19" -Wan cho biết thêm.

Theo các nhà khoa học, với thực tế có khoảng 21% những người mắc COVID-19 trầm trọng bị suy giảm nhận thức tiến triển, đã cho thấy rằng COVID-19 có thể gây tổn hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần.

"Những kết quả nghiên cứu này chứng tỏ rằng đại dịch có thể góp phần đáng kể vào gánh nặng sa sút trí tuệ trên thế giới trong tương lai" – các nhà khoa học nhấn mạnh.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Sự khác nhau giữa chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer - Phần 2.

BS.Tài Văn - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm