Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Điều trị viêm phổi tại nhà và những lưu ý giúp sớm phục hồi sức khỏe

Bệnh viêm phổi nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hại đến tính mạng người bệnh. Việc điều trị viêm phổi tùy thuộc vào chứng bệnh mắc phải. Dưới đây là các biện pháp điều...

Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong quá trình điều trị viêm phổi, bệnh nhân cần thực hiện đúng phác đồ và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Viêm phổi có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, từ người lớn đến trẻ em. Những đối tượng cao tuổi, viêm phổi thường có xu hướng tiến triển nghiêm trọng hơn. Bệnh dễ xảy ra trong điều kiện thời tiết lạnh, thời điểm giao mùa, thay đổi thất thường do vi khuẩn, virus, nấm… gây ra.

Những trường hợp phát hiện sớm và được điều trị bệnh đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể bình phục trở lại và không để lại di chứng gì. Ngược lại, những trường hợp phát hiện bệnh muộn, không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Phù phổi cấp, nhiễm trùng máu, viêm màng não, tràn mủ màng phổi...

Bài viết dưới đây chỉ các biện pháp điều trị giúp người bệnh viêm phổi sớm hồi phục sức khỏe.

Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến.

1. Điều trị viêm phổi tại nhà

Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn: Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm tùy thuộc vào loại viêm phổi. Người bệnh nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và hết phác đồ điều trị, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện.

Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt: Người bị viêm phổi cần nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian chống lại tình trạng nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe. Tránh không làm việc quá sức và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi.

Uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy (đờm) trong cơ thể, giúp dễ dàng tống ra ngoài khi ho.

Súc miệng bằng nước muối ấm: Súc miệng nhiều lần trong ngày có thể giúp rửa trôi một số chất nhầy trong cổ họng và làm giảm đau họng.

Dùng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm là cách điều trị viêm phổi khá hữu hiệu tại nhà. Phương pháp này giúp giữ cho đường thở ẩm ướt, ngừa cúm và loại bỏ đờm.

Xông hơi: Giúp giảm sự tắc nghẽn và cũng có thể giết chết vi khuẩn gây bệnh. Biện pháp này cũng sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng ho. Có thể xông hơi bằng khác loại thảo dược hay tinh dầu như bạch đàn, sả, quế...

Nước chanh ấm: Nước chanh có đầy đủ vitamin C sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chống lại nhiễm trùng. Nó cũng sẽ giúp loại bỏ đờm ra khỏi phổi và giảm viêm.

Trà quế + lá húng quế: Húng quế giúp loại bỏ đờm từ ống phế quản và giảm viêm. Quế chống virus và giảm nhiễm trùng. Loại trà này sẽ làm dịu các triệu chứng viêm phổi ở người bệnh.

Ăn đầy đủ chất: Việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh chóng hồi phục.

Hít thở sâu: Phương pháp này sẽ làm tăng lượng oxy cung cấp cho phổi, do đó tăng tuần hoàn. Nó cũng giúp không khí đi qua phổi và loại bỏ các chất nhầy.

Sử dụng thuốc điều trị viêm phổi do bác sĩ kê đơn.

2. Sử dụng thuốc trị viêm phổi

2.1. Thuốc điều trị viêm phổi kê đơn

• Thuốc kháng sinh: Nếu bị viêm phổi do vi khuẩn hoặc viêm phổi hít, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh.

Với bệnh viêm phổi nhẹ, bác sĩ có thể sẽ kê azithromycin, clarithromycin hoặc erythromycin. Người bệnh có thể cần thuốc kháng sinh mạnh hơn nếu có kèm một số bệnh nội khoa như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận.

• Thuốc điều trị đường thở: Bác sĩ có thể kê toa thuốc hít hoặc xông khí dung để làm lỏng chất nhầy trong phổi và giúp người bệnh dễ thở hơn. Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng thường là Ventolin, ProAir hoặc Proventil (albuterol).

• Thuốc kháng virus: Nếu bị viêm phổi do virus, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus, đặc biệt là viêm phổi do cúm hoặc herpes. Các loại thuốc kháng virus có thể được kê đơn bao gồm oseltamivir, zanamivir, peramivir, peramivir…

• Thuốc kháng nấm: Nếu bị viêm phổi do nấm, hệ thống miễn dịch bị ức chế hoặc mắc phải các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có liên quan khác, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc chống nấm. Những loại thuốc này bao gồm fluconazole, itraconazole, voriconazole…

2.2. Thuốc trị viêm phổi không kê đơn

• Expectorant: Thuốc Bena Expectorant giúp làm giảm chứng khó thở và ho có đờm dày, làm sạch đường dẫn mũi, làm thông thoáng khí quản và làm dịu chứng ho nặng.

• Thuốc hạ sốt, giảm đau: Acetaminophen, ibuprofen, naproxen hoặc aspirin là nhóm thuốc giúp giảm bớt triệu chứng sốt, đau do viêm phổi.

Lưu ý: Không cho trẻ em uống aspirin do thuốc làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye – chứng bệnh hiếm gặp có khả năng đe dọa đến tính mạng.

3. Điều trị viêm phổi tại bệnh viện

Khi các triệu chứng viêm phổi trở nên trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng viêm phổi người bệnh nên nhập viện để có hướng điều trị phù hợp.

Khi gặp các triệu chứng như:

Thở nhanh bất thường. Chức năng thận suy giảm nặng. Nhịp tim nhanh chậm thất thường. Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường. Không thể tự chăm sóc bản thân ở nhà. Loại kháng sinh đang dùng không mang lại hiệu quả. Mắc bệnh tiểu đường, COPD hoặc bệnh tim. Nồng độ oxy trong máu thấp. Xuất hiện triệu chứng khó thở, mất nước. Trẻ hôn mê hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.

Nếu gặp các triệu chứng này, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán mức độ bệnh ra sao, từ đó sẽ lên phác đồ điều trị viêm phổi phù hợp cho từng bệnh nhân. Các bác sĩ có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc điều trị hô hấp để cải thiện khả năng hô hấp, giảm ho và kích thích bổ sung oxy, có thể bằng máy thở.

Trường hợp bệnh nhân mắc viêm phổi nặng cần đưa đến bệnh viện để điều trị.

4. Điều trị các chứng viêm phổi

4.1. Viêm phổi do vi khuẩn

Viêm phổi vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, điều trị hô hấp, thuốc không kê đơn. Trường hợp bệnh nhân bị bệnh nhẹ có thể uống thuốc kháng sinh và thường cảm thấy khỏe hơn từ 2-3 ngày. Phần lớn người bệnh có thể hồi phục lại sau 7-10 ngày nhưng cần đảm bảo uống đủ liều điều trị ngay cả khi đã thấy khỏe hơn.

Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cần được nhập viện và tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy và dùng thuốc đặc trị để làm sạch đờm. Bệnh nhân có thể cần được lọc máu, chạy máy thở và điều trị ở khu vực chăm sóc đặc biệt.

Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện từ 1 – 3 ngày sau khi dùng kháng sinh, nhưng sẽ mất ít nhất 1 tuần hoặc lâu hơn để cơ thể hồi phục…

4.2. Viêm phổi do virus

Điều trị viêm phổi do virus sẽ không sử dụng kháng sinh để điều trị. Tùy mức độ và nguyên nhân gây ra viêm phổi, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định sử dụng thuốc kháng virus. Hầu hết viêm phổi do virus tự biến mất sau 1 – 3 tuần.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh do virus cúm có thể được chỉ định thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), hay peramivir (Rapivab).

Nếu bệnh nhân bị nhiễm virus hợp bào đường hô hấp (RSV), bác sĩ có thể chỉ định ribavirin (Virazol).

Trong trường hợp viêm phổi do virus nặng, bệnh nhân cần nhập viện để được hỗ trợ thêm các can thiệp điều trị cần thiết. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tăng cường nghỉ ngơi và uống đủ nước.

4.3. Viêm phổi do Mycoplasma

Viêm phổi do Mycoplasma thường không nghiêm trọng như viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus, tình trạng này thường được gọi là viêm phổi không điển hình.

Viêm phổi do mycoplasma thường tự khỏi mà không cần điều trị, trong một số trường hợp nặng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, giữ cơ thể đủ nước và uống thuốc không kê đơn giảm triệu chứng để phục hồi nhanh hơn.

4.4. Viêm phổi hít

Viêm phổi hít còn được gọi là viêm phổi do rối loạn nuốt, viêm phổi kỵ khí, viêm phổi hoại tử… do hít phải dị vật như nước bọt, mẩu thức ăn, dịch đờm, dịch vị trào ngược từ miệng hay dạ dày. Các dị vật này gây viêm và tổn thương trong phổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, chúng thường mang theo vi khuẩn nên sau đó bệnh nhân sẽ có nhiễm trùng phổi.

Việc điều trị sẽ bao gồm hút dịch mũi họng, khí quản, hỗ trợ hô hấp và sử dụng kháng sinh. Nếu viêm phổi hít xuất hiện tại nhà và tình trạng viêm phổi hít ở mức độ nhẹ, không cần nhập viên. Tuy nhiên, nếu mức độ nặng hoặc không đáp ứng với điều trị cần nhập viện.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: 8 cách chữa viêm phổi tại nhà.

L.Vũ (t/h) - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm