Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

7 nguyên nhân gây lo âu

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc bồn chồn thì có thể là do bạn đang mắc chứng rối loạn lo âu. Cùng tìm hiểu 7 nguyên nhân gây lo âu tại bài viết dưới đây.

Các bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu tổng quát khi bệnh nhân thường xuyên có các triệu chứng lo âu trong hơn 6 tháng. Các triệu chứng có thể bao gồm: lo lắng dữ dội, khó kiểm soát và ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: khó chịu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, căng cơ, khó tập trung và bồn chồn.

Ví dụ về các rối loạn lo âu khác bao gồm:

  • Chứng sợ đám đông
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn lo âu chia ly
  • Rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội)
  • Nỗi ám ảnh cụ thể

Theo Mayo Clinic, bạn có thể mắc nhiều hơn một chứng rối loạn lo âu. Nghiên cứu cho thấy rằng sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường và di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu. Giống như nhiều tình trạng sức khỏe khác, rối loạn lo âu dường như có tính chất gia đình.

Rối loạn lo âu có thể do căng thẳng gây ra, dù là từ một sự kiện lớn trong đời hay do tác động tích lũy của những tác nhân gây căng thẳng nhỏ nhặt hàng ngày. Lo lắng cũng có thể đi kèm với các tình trạng bệnh lý cần được điều trị, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn hoặc rối loạn tuyến giáp.

Có mối liên hệ rõ ràng giữa caffeine và sự lo lắng, cũng như rượu và rối loạn lo âu. Và một số loại thuốc có thể gây lo âu. Trong trường hợp này, tránh dùng caffeine và rượu hoặc thay đổi thuốc có thể làm giảm lo âu. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù tất cả những yếu tố này (thuốc, chất gây nghiện, căng thẳng) có thể gây ra cảm giác lo âu, nhưng chúng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác.

Đọc thêm thông tin tại: Những câu hỏi thường gặp về thuốc chống trầm cảm

Thỉnh thoảng lo lắng là bình thường, nhưng nếu bạn bị lo lắng nghiêm trọng hoặc lo lắng quá nhiều, điều quan trọng là phải nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần về các triệu chứng của bạn.

Các nhà tâm lý học tập trung nhiều hơn vào tâm lý trị liệu và không phải là bác sĩ y khoa. Bác sĩ tâm thần là bác sĩ y khoa chuyên điều trị sức khỏe tâm thần. Cả nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đều có thể chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý, và bác sĩ tâm thần cũng có thể kê đơn thuốc. Ngoài ra, nếu bạn lo lắng với ý nghĩ tự tử, hãy tìm cách điều trị y tế khẩn cấp.

Có điều nào sau đây có thể khiến bạn lo lắng không?

1. Vấn đề về tim có thể gây lo lắng

Có thể bạn đã từng lên cơn hoảng loạn, quen với việc tay mình lạnh buốt,  không thể thở được và tim bạn như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Mặc dù cơn hoảng loạn không phải là cơn đau tim nhưng vẫn có mối liên hệ giữa các vấn đề về tim và lo âu. Thật vậy, theo nghiên cứu từ năm 2016, khoảng 5% người Mỹ trưởng thành mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát, nhưng tỷ lệ này cao hơn ở những người được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành (11%) hoặc suy tim (13%). 

Mối liên hệ dường như đi theo cả hai hướng: Những người bị lo âu lâu dài có thể bị tăng nhịp tim và huyết áp, giảm lưu lượng máu đến tim và tăng nồng độ hormone căng thẳng cortisol theo thời gian, tất cả những điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tim.

2. Rối loạn lo âu có liên quan đến rượu và ma túy

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa rượu và sự lo âu. Nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn lo âu có nguy cơ gặp vấn đề với ma túy và rượu ở một thời điểm nào đó trong đời cao gấp 2 - 3 lần so với dân số nói chung. Nhưng đó không phải là tất cả: Rượu và ma túy thường có thể gây ra các cơn hoảng loạn, theo Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA).

Đặc biệt, những người mắc chứng lo âu xã hội có thể tìm đến rượu để giảm bớt các triệu chứng của họ, nhưng rượu thực sự có thể làm cho chứng lo âu trở nên tồi tệ hơn. Khoảng 20% những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội cũng mắc chứng rối loạn lạm dụng rượu hoặc chất kích thích. Dù cho bất kể vấn đề nào đến trước thì sự kết hợp giữa ma túy, rượu và lo lắng đều có thể trở thành một vòng luẩn quẩn.

Đọc thêm bài viết: Bị trầm cảm nên ăn gì và tránh gì?

3. Caffeine khiến bạn cảm thấy bồn chồn 

Caffeine là một chất kích thích và đó có thể là tin xấu đối với những người mắc chứng lo âu. Hiệu ứng bồn chồn của caffein đối với cơ thể bạn tương tự như hiệu ứng của một sự kiện đáng sợ. Đó là bởi vì caffeine kích thích phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của bạn, theo một nghiên cứu năm 2006 và nghiên cứu từ năm 2018 đã chỉ ra rằng điều này có thể khiến tình trạng lo lắng trở nên tồi tệ hơn và thậm chí có thể gây ra cơn lo âu.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng trong khi caffeine có thể làm tăng sự tỉnh táo, sự chú ý và chức năng nhận thức thì việc lạm dụng nó có thể làm tăng sự lo lắng, đặc biệt ở những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu xã hội. Và cũng giống như các triệu chứng lo âu, uống quá nhiều rượu có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và ủ rũ, đồng thời có thể khiến bạn trằn trọc vào ban đêm.

4. Thuốc có thể kích hoạt cơn lo âu

Một số loại thuốc có tác dụng phụ xấu và có thể gây ra các triệu chứng lo âu hoặc cơn lo âu. Các loại thuốc kê đơn cần chú ý bao gồm thuốc tuyến giáp và thuốc hen suyễn, trong khi thuốc thông mũi không kê đơn được biết là gây ra các triệu chứng lo lắng ở một số người. Nếu bạn đột nhiên ngừng dùng một số loại thuốc để điều trị chứng lo âu, chẳng hạn như thuốc benzodiazepin thì việc cai thuốc có thể gây thêm lo lắng.

5. Thực phẩm bổ sung giảm cân có thể có tác dụng phụ gây lo âu

Nhiều chất bổ sung giảm cân không kê đơn có tác dụng phụ gây lo lắng. Việc sử dụng cây ban âu có thể dẫn đến chứng mất ngủ và chiết xuất trà xanh (được cho là có tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn) có chứa nhiều caffeine. Guarana - một thành phần trong một số sản phẩm ăn kiêng không kê đơn, có thể chứa lượng caffeine cao gấp 4 lần so với hạt cà phê. Và hãy cẩn thận với bất kỳ sản phẩm nào có chứa cây ma hoàng vì nó có thể làm tăng nhịp tim và lo lắng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm bán thực phẩm bổ sung có chứa cây ma hoàng vào năm 2004.

6. Các triệu chứng lo âu có liên quan đến tuyến giáp của bạn không?

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm ở phía trước cổ, sản xuất hormone tuyến giáp. Những hormone này rất quan trọng để điều chỉnh mức độ trao đổi chất và năng lượng. Nhưng nếu tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều thì nó có thể gây ra các triệu chứng lo lắng, chẳng hạn như căng thẳng, khó chịu, tim đập nhanh và mất ngủ. Suy giáp (trong đó tuyến giáp của bạn sản xuất quá ít hormone cần thiết) cũng có liên quan đến rối loạn lo âu. Nếu bạn có các triệu chứng lo lắng cùng với sưng cổ, sụt cân, suy nhược, mệt mỏi hoặc không chịu được nhiệt, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra tuyến giáp của bạn.

7. Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu

Căng thẳng và lo lắng thường đi đôi với nhau, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng lo âu và lo lắng có thể làm cho căng thẳng trở nên tồi tệ hơn. Khi quá căng thẳng, bạn cũng có thể chuyển sang những hành vi khác khiến tình trạng lo lắng trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như: hút thuốc, lạm dụng ma túy hoặc lạm dụng rượu. Hãy nhớ rằng căng thẳng và lo lắng thường đi kèm với các triệu chứng thể chất, chẳng hạn như: đau bụng, nhức đầu, khô miệng, chóng mặt và đổ mồ hôi.

Nếu bạn có các triệu chứng lo lắng không giải thích được, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bạn nên nhớ rằng rối loạn lo âu có thể điều trị được.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

Hồng Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm