Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch

Tĩnh mạch mạng nhện và suy giãn tĩnh mạch thực tế là một quá trình sinh lý bình thường. Khi chúng ta già đi, nhiều người trong chúng ta nhận thấy những đường tĩnh mạch chằng chịt màu tím hoặc những đường gân xanh lan rộng khắp đùi và bắp chân. Những mạch máu bị biến dạng này xảy ra ở 60% người trưởng thành

Tĩnh mạch mạng nhện là gì?

Tĩnh mạch mạng nhện là những mạch máu nhỏ, xoắn, có thể nhìn thấy qua da. Chúng có thể có màu đỏ, tím hoặc xanh và thường xuất hiện ở chân hoặc mặt, chằng chịt như mạng nhện nên được đặt tên theo hình dáng xuất hiện của bệnh.

Giãn tĩnh mạch là gì?

Giãn tĩnh mạch là các mạch máu lớn bị sưng phồng, màu xanh đậm và gồ lên trên da như những đường hầm nổi lên. Giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường hay gặp nhất ở chân và mắt cá chân.

Nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch mạng nhện

Các tĩnh mạch khỏe mạnh đưa máu đến tim thông qua một loạt các van một chiều. Những van này cho phép máu chảy đúng hướng từ tĩnh mạch nông đến tĩnh mạch sâu hơn và về tim. Các mạch máu được bao quanh bởi các cơ co bóp và giúp bơm máu về tim. Thông thường các tĩnh mạch có van một chiều để ngăn dòng chảy ngược. Tuy nhiên, các vấn đề về van, cơ hoặc mạch máu có thể khiến máu ứ đọng bên trong tĩnh mạch. Khi máu dồn vào tĩnh mạch, áp lực trong lòng mạch tăng lên và thành mạch yếu đi. Kết quả là điều này khiến tĩnh mạch có xu hướng phồng lên và xoắn lại gây ra tình trạng tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch.

Đọc thêm 10 hiểu lầm về bệnh giãn tĩnh mạch

Ai có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch?

Bất cứ ai cũng có thể bị giãn tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới. Vấn đề này cũng phổ biến hơn ở những người làm công việc đòi hỏi phải đứng nhiều giờ liên tục như y tá và giáo viên. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ giãn tĩnh mạch mạng nhện như lão hóa, béo phì, mang thai, chấn thương trước đó hoặc phẫu thuật ở chân và yếu tố di truyền.

Triệu chứng giãn tĩnh mạch mạng nhện

Đối với một số người, tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình. Đặc biệt chứng giãn tĩnh mạch có thể gây đau nhức hoặc chuột rút ở chân. Vùng bị ảnh hưởng có thể đau nhói, bỏng rát, ngứa ran hoặc cảm giác nặng ở vùng chi. Các tĩnh mạch bị viêm nặng có thể bị đau khi chạm vào và có thể làm giảm lưu thông, dẫn đến ngứa và sưng mắt cá chân. Giãn tĩnh mạch cũng có thể gây ra những thay đổi mãn tính về da và mô như đổi màu và loét da.

Biến chứng giãn tĩnh mạch mạng nhện 

Tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và gây khó chịu nhưng tình trạng này hiếm khi gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe. Đôi khi, chúng có thể góp phần hình thành các vết loét - vết loét lớn trên da - đặc biệt là gần mắt cá chân. Giãn tĩnh mạch cũng có thể hình thành cục máu đông gây đau đớn.

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch mạng nhện

Giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch rất dễ chẩn đoán. Bác sĩ chỉ cần nhìn vào các hình dạng trên chân, bàn chân hoặc các vùng bị ảnh hưởng khác. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng sưng tấy, đau nhức, loét và thay đổi màu da tại vùng bị tổn thương. Hầu hết tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch không cần phải điều trị, trừ khi chúng gây loét, chảy máu và viêm tĩnh mạch hoặc vì bạn muốn loại bỏ chúng vì lý do thẩm mỹ. Nếu tĩnh mạch gây đau, nhức, mỏi cơ hoặc chuột rút, bạn có thể thực hiện các bước tại nhà để giảm triệu chứng.

Mang vớ hỗ trợ

Cách điều trị đơn giản nhất cho tình trạng giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch là mang một đôi tất hỗ trợ. Đeo tất giúp cải thiện tuần hoàn, giảm đau và giảm khó chịu ở chân. Bạn có thể tìm thấy nhiều loại tất với kiểu dáng cao đến đầu gối hoặc quần tất ở các cửa hàng bán đồ chuyên dụng.

Thay đổi lối sống

Giảm cân và đi bộ thường xuyên có thể làm giảm các triệu chứng của giãn tĩnh mạch mạng nhện và chứng giãn tĩnh mạch. Nếu sưng tấy là vấn đề, bạn hãy thử chế độ ăn ít muối để giảm nguy cơ bị cơ thể bị giữ nước. Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy kê chân bằng gối hoặc ghế tựa để chân ở tư thế ngang hoặc cao hơn tim bạn.

Liệu pháp xơ hoá

Để điều trị chứng giãn tĩnh mạch, bác sĩ có thể tiêm cho vào các tĩnh mạch bị giãn một chất gây xơ cứng gây kích ứng lớp lót của tĩnh mạch và sau đó chúng sẽ bị phá hủy. Nguồn cung cấp máu sẽ tự nhiên chuyển đến khu vực bị ảnh hưởng để bù đắp. Hầu hết bệnh nhân đều đáp ứng tốt với liệu pháp xơ hóa với ước tính khoảng 50 đến 80% tĩnh mạch được tiêm sẽ được loại bỏ sau mỗi lần điều trị. Với tĩnh mạch mạng nhện, bạn sẽ thấy kết quả sau 3 đến 6 tuần điều trị và các tĩnh mạch lớn hơn sẽ có thể cải thiện sau 3 đến 4 tháng.

Liệu pháp laser và xung ánh sáng

Liệu pháp laser và xung ánh sáng cường độ cao phá hủy các tĩnh mạch mạng nhện nhỏ và giãn tĩnh mạch nhỏ bằng nhiệt. Nhiệt làm cho mô sẹo hình thành, cuối cùng làm tắc tĩnh mạch. Đối với một số bệnh nhân, đây là một giải pháp thay thế cho việc tiêm. Tác dụng phụ của liệu pháp laser và xung ánh sáng có thể gặp như khó chịu nhẹ ở vùng điều trị, đổi màu da và hình thành mụn nước. Liệu pháp laser là một lựa chọn phổ biến để điều trị giãn mao mạch nhỏ ở mặt. Tia laser nhắm vào các tế bào hồng cầu bên trong mạch máu để làm nóng bên trong tĩnh mạch và tiêu diệt chúng. Bạn thường sẽ cần ba lần điều trị trở lên để mang lại hiệu quả.

Phẫu thuật tĩnh mạch

Chứng giãn tĩnh mạch không chỉ đáp ứng với liệu pháp xơ cứng hoặc điều trị bằng laser mà phẫu thuật cũng là một lựa chọn. Quy trình phổ biến là thắt bỏ nhánh tĩnh mạch và loại bỏ đoạn có vấn đề. Điều này có thể được thực hiện bằng gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Nếu tĩnh mạch nằm gần bề mặt da, có thể loại bỏ nó thông qua một vết mổ nhỏ không cần khâu.

Thắt và loại bỏ tĩnh mạch thành công ở hầu hết mọi người. Phẫu thuật này không yêu cầu người bệnh phải nằm viện và hầu hết bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau vài ngày. Ngoài ra, hiện nay có những kỹ thuật ít xâm lấn hơn để loại bỏ chứng giãn tĩnh mạch lớn.

Laser nội tĩnh mạch

Laser nội tĩnh mạch là một giải pháp thay thế mới cho các tĩnh mạch trước đây chỉ có thể điều trị được bằng phẫu thuật. Một sợi laser nhỏ được đặt bên trong tĩnh mạch, áp lực được đặt lên tĩnh mạch và tia laser sẽ phát ra các xung ánh sáng laser. Điều này làm cho tĩnh mạch bị xẹp. Các nghiên cứu cho thấy laser nội tĩnh mạch có hiệu quả 98%. Bệnh nhân cũng cho biết ít đau hơn và hồi phục nhanh hơn so với thắt và cắt bỏ tĩnh mạch bằng phẫu thuật.

Điều trị bằng sóng cao tần RFA

Điều trị bằng song cao tần RFA là một lựa chọn khác cho chứng giãn tĩnh mạch lớn. Nguyên lý hoạt động tương tự như laser nội tĩnh mạch. Một ống thông nhỏ đưa năng lượng song cao tần thay vì năng lượng laser trực tiếp vào thành tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị giãn nóng lên và xẹp xuống. Sau khoảng một năm, tĩnh mạch biến mất. Kết quả có thể so sánh với phẫu thuật tĩnh mạch nhưng ít rủi ro và đau đớn hơn.

Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch mạng nhện hay giãn tĩnh mạch

Tập thể dục nhiều là cách tốt nhất để tránh giãn tĩnh mạch mạng nhện và chứng giãn tĩnh mạch. Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và cơ chân săn chắc, nhờ đó máu sẽ lưu thông dễ dàng. Nếu công việc khiến bạn phải đứng, hãy thường xuyên giãn cơ chân để tăng tuần hoàn. Và nếu bạn đang mang thai, hãy cố gắng ngủ nghiêng bên trái thay vì nằm ngửa.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
Xem thêm