Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

3 điều cầu lưu ý trong bệnh trào ngược họng thanh quản

Trào ngược họng - thanh quản là sự di chuyển ngược dòng của các chất trong dạ dày (axit, các enzym như pepsin) vào thanh quản, dẫn đến các triệu chứng có thể xảy ra ở thanh quản/hạ họng. Đây là tình trạng bệnh lý khá phổ biến tuy nhiên hiểu biết về bệnh này còn nhiều hạn chế.

Trào ngược họng thanh quản là gì? trào ngược họng thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản có giống nhau? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này thông qua cuộc trao đổi giữa PV và bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng - ThS. BS Nguyễn Xuân Đạt.

(Trào ngược họng thanh quản)

Trào ngược họng thanh quản không phải là trào ngược dạ dày thực quản

PV:

Thưa bác sỹ trào ngược họng thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản có phải cùng là một loại bệnh?

ThS. BS Nguyễn Xuân Đạt:

- Trào ngược họng thanh quản (LPR) : Là sự di chuyển ngược dòng của các chất trong dạ dày (axit và các enzym như pepsin) vào thanh quản, dẫn đến các triệu chứng có thể xảy ra ở thanh quản/hạ họng.

- Mặc dù tình trạng trào ngược axit là chung cho cả trào ngược họng thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên về mặt triệu chứng và cơ chế gây bệnh có nhiều điểm khác biệt nên hai bệnh này được coi là hai tình trạng bệnh lý khác nhau.

Ho kéo dài là một trong các gợi ý liên quan đến bệnh trào ngược họng thanh quản

PV:

Bác sỹ có thể cho biết những dấu hiệu gợi ý bệnh trào ngược họng thanh quản là gì? khi gặp các dấu hiệu như vậy thì nên thăm khám như thế nào cho phù hợp?

ThS. BS Nguyễn Xuân Đạt:

- Trào ngược họng thanh quản có thể gây ra các triệu chứng như: Giọng nói bị thay đổi (rối loạn giọng nói)/khàn tiếng, gặp khó khăn khi nuốt, cảm giác bị nghẹn khi nuốt, ho mạn tính…ngoài ra người bệnh có thể có triệu chứng tắc nghẽn mũi.

- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị trào ngược họng thanh quản việc thăm khám chuyên khoa tai mũi họng là cần thiết. U hạt dây thanh, polyp dây thanh, co thắt thanh quản...là các tổn thương thuộc dây thanh được phát hiện khá thường gặp trên bệnh nhân bị trào ngược họng thanh quản sau khi thăm khám.

(Dây thanh quản là bộ phận thuộc thanh quản có nhiệm vụ tạo ra âm thanh).

- Việc thăm khám chuyên khoa tai mũi họng cũng giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý như chảy dịch cửa mũi sau, viêm mũi, nhiễm trùng hô hấp trên, sử dụng giọng nói quá mức... đây là các tình trạng bệnh lý có những triệu chứng tương đồng với triệu chứng khi bị trào ngược họng thanh quản.

ThS. BS Nguyễn Xuân Đạt chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Điều trị bằng thuốc không phải là ưu tiên hàng đầu trong điều trị trào ngược họng thanh quản

PV:

Trào ngược họng thanh quản được điều trị như thế nào thưa bác sỹ?

ThS. BS Nguyễn Xuân Đạt:

- Trào ngược họng thanh quản (LPR) ban đầu được điều trị bằng sự kết hợp của thay đổi chế độ ăn uống và điều chỉnh hành vi (thói quen), sau cùng mới cân nhắc tới việc sử dụng thuốc.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống:

 + Các loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine (cà phê, trà, nước ngọt, v.v.), đồ uống có cồn có ga, socola, bạc hà kích thích tăng sản xuất axit làm suy yếu các cơ thắt thực quản (đây là nhóm cơ có chức năng giữ không cho chất trong dạ dày trào ngược vào thực quản) nên được hạn chế.

 + Các loại thức ăn chua và cay (mù tạc, ớt, hạt tiêu…); các loại thực phẩm có tính axit cao (pH <4,6) bao gồm hầu hết các loại trái cây (đặc biệt là cam, quýt), cà chua, mứt, thạch, nước xốt thịt nướng, nước xốt salad…gây kích thích niêm mạc có thể dẫn đến viêm và làm trầm trọng hơn bệnh lý trào ngược họng thanh quản. Vậy nên cần lựa chọn các loại thực phẩm thay thế ít tính axit hơn.

(Các thực phẩm có tính axit thấp có thể kể đến đó là: thịt, gia cầm, hải sản, sữa và rau tươi...).

- Điều chỉnh hành vi:

 + Dạ dày khi căng phồng làm tăng nguy cơ các chất trong dạ dày trào ngược vào thực quản vì vậy không nên ăn quá no hay uống quá nhiều chất lỏng cùng một thời điểm; nên ăn nhiều bữa nhỏ, chia nhiều lần uống nước trong ngày.

Nên tránh:

+ Hút thuốc lá bởi nicotin kích thích tăng tạo ra axit.

+ Vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau khi ăn.

+ Ăn (hoặc uống) trong 3 giờ trước khi đi ngủ.

- Điều trị bằng thuốc:

 + Khi đã áp dụng đồng thời 2 biện pháp trên mà tình trạng trào ngược họng thanh quản không cải thiện các bác sỹ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để điều trị, các loại thuốc được lựa chọn nhằm mục đích làm giảm axit dạ dày.

 + Đối với những bệnh nhân có các triệu chứng không thuyên giảm sau khi điều trị bằng thuốc giảm axit dạ dày, thuốc điều hòa thần kinh có thể là một lựa chọn được bác sỹ sử dụng tiếp theo.

PV:

Xin chân thành cảm ơn bác sỹ!

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Ngừa bệnh viêm họng, viêm thanh quản mùa hè.

PV - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm