Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Biến chứng của HIV

Cách tốt nhất để phòng tránh những biến chứng của HIV là bắt đầu điều trị sớm và tuân thủ điều trị. Cùng với đó là sống lối sống khỏe mạnh: ăn uống khoa học, luyện tập thể thao và cai thuốc lá.

Biến chứng của HIV

Từ khi có những tiến bộ vượt bậc trong việc điều trị HIV, những người nhiễm HIV đã có thể sống lâu hơn rất nhiều so với trước đây. Nhưng sống lâu hơn (và sống khỏe mạnh) nghĩa là cần phải kiểm soát được một số loại biến chứng đi kèm với HIV.

Một số biến chứng của HIV cũng giống như ở những người cùng tuổi không có HIV mắc phải. Các biến chứng khác thường liên quan đến việc suy giảm miễn dịch, kể cả khi virus HIV đã được kiểm soát. Và một số vấn đề sức khỏe có thể sẽ là hậu quả của lối sống không lành mạnh, như uống rượu và hút thuốc hoặc là tác dụng không mong muốn của việc dùng thuốc.

Những loại thuốc điều trị HIV mới có ít độc tính hơn so với các loại cũ, nhưng những bệnh nhân may mắn sống được sau khi nhiễm bệnh vài chục năm, sẽ phải đối mặt với các tác dụng không mong muốn của thuốc mang lại. 

Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe phổ biến và các giải pháp để giảm thiểu chúng.

Mệt mỏi: Cảm thấy kiệt sức và không có năng lượng rất phổ biến ở những người bị HIV và mệt mỏi có thể là hậu quả của việc nhiễm virus hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tin tốt là gì? Một lối sống khỏe mạnh có thể giúp bạn có thêm năng lượng. Việc ăn uống lành mạnh, cân đối, thường xuyên luyện tập thể thao và ngủ đủ giấc là rất quan trọng. Điều trị các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là điều trị HIV có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Ung thư: Những người nhiễm HIV có nguy cơ phát triển một số loại ung thư cao hơn, ví dụ như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung và ung thư máu (dạng non – Hodgkin và u lympho Hodgkin), theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI). Đó là lý do vì sao bạn nên thường xuyên đi khám sức khỏe và khám sàng lọc ung thư, cùng với đó là hình thành các thói quen bảo vệ sức khỏe. Cai thuốc lá là việc tốt nhất bạn có thể làm để phòng tránh ung thư phổi.

Phụ nữ bị nhiễm HIV nên được sàng lọc ung thư cổ tử cung và theo NCI, bác sỹ nên khuyên nam giới bị HIV, đặc biệt là nhóm nam đồng tính (MSM) thường xuyên được khám sàng lọc ung thư hậu môn.

Nhiễm nấm: Hệ miễn dịch yếu có thể khiến bạn có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn, theo CDC. Một số giải pháp dự phòng nhiễm nấm: tránh đào đất trong vườn, nhưng nếu bắt buộc phải làm, hãy đeo găng tay, mặc quần áo dài. Tránh các hoạt động tại những nơi dễ tiếp xúc với phân chim hoặc phân dơi. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm nấm, hãy trao đổi với bác sỹ. Việc điều trị nhiễm nấm nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Bệnh zona và các bệnh ngoài da: Những người nhiễm HIV sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn. Zona là bệnh do virus gây bệnh thủy đậu gây ra, đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyến cáo rằng nên tiêm vaccine phòng zona. Ngày nay, các bệnh về da  liễu ngày càng phổ biến ở những bệnh nhân HIV, nên nếu người bệnh thấy có mẩn đỏ trên da thì nên đi khám bác sỹ ngay lập tức.

Lao: Lao là một tình trạng nhiễm vi khuẩn nghiêm trọng và thường ảnh hưởng đến phổi. Mặc dù lao không phổ biến ở Mỹ, nhưng lao là một trong số những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV trên toàn thế giới. Đó là lý do vì sao CDC khuyến cáo, tất cả những người nhiễm HIV nên được xét nghiệm lao. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lao bao gồm: sinh sống ở khu vực thường mắc các bệnh nhiễm trùng, có thời gian đã từng ở trong tù, đã từng vô gia cư hoặc từng tiêm chích ma túy. Nếu bạn đã từng phơi nhiễm với vi khuẩn lao nhưng không mắc bệnh, thì việc dùng thuốc có thể ngăn chặn được việc phát triển bệnh.

Các bệnh tim mạch: Nam giới nhiễm HIV có nguy cơ xơ vữa động mạch cao hơn, theo một nghiên cứu xuất bản trên Annals of Internal Medicine vào tháng 4 năm 2014. Một số loại thuốc điều trị HIV cũng làm tăng lượng cholesterol trong máu. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe trái tim, nên thường xuyên luyện tập thể thao, ăn uống khỏe mạnh, thường xuyên kiểm tra lượng cholesterol trong máu và không hút thuốc lá.

Tiểu đường: Một số loại thuốc điều trị HIV sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Bác sỹ có thể sẽ kiểm tra lượng đường huyết trước khi bắt đầu cho bạn dùng thuốc, và nếu đường huyết của bạn cao, bạn có thể sẽ được kê một loại thuốc khác. Vì nguy cơ mắc tiểu đường cũng sẽ tăng theo tuổi, nên bạn có thể làm giảm nguy cơ cho bản thân mình bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập và ăn uống khỏe mạnh, tập trung ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, thịt nạc và sữa, hạn chế ăn chất béo và đường.

Mất trí: HIV có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Cách tốt nhất để dự phòng việc này là dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn.  Tự ý bỏ thuốc sẽ không giúp ích gì cho bạn cả.

Bệnh thận: Gần một phần ba số bệnh nhân HIV có chức năng thận không bình thường, theo AIDS.gov. Bạn có thể sẽ có nguy cơ tổn thương thận cao hơn nếu bạn vừa nhiễm HIV vừa mắc viêm gan C, theo NIH.  Mắc một bệnh khác, ví dụ như tiểu đường hoặc tăng huyết áp cũng có thể sẽ dẫn đến tổn thương thận.

Thường xuyên xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ giúp bệnh nhân nhiễm HIV kiểm soát tốt hơn bất kỳ tổn thương nào xuất hiện ở thận. Trao đổi với bác sỹ về việc tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tổn thương thận.

HIV tiến triển thành AIDS như thế nào?

Nếu các triệu chứng và biến chứng của bạn diễn biến nặng hơn, HIV có thể sẽ dẫn đến AIDS (giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV). Bạn sẽ được coi là bị AIDS nếu bạn có nhiều hơn một bệnh nhiễm trùng cơ hội (là nhiễm trùng sẽ phát triển khi hệ miễn dịch của bạn suy yếu). Theo NCI, AIDS cũng thường được chẩn đoán khi người bệnh phát triển bất cứ loại ung thư nào trong số 3 loại ung thư dưới đây: U Kaposi sarcoma (có thể ảnh hưởng đến da và các cơ quan khác), u lympho dạng non – Hodgkin hoặc ung thư cổ tử cung.

Nhưng, nên nhớ rằng, bằng việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tuân thủ đúng kế hoạch điều trị và có thói quen sống lành mạnh, bạn có thể sống được lâu hơn và có thể tránh được rất nhiều biến chứng của HIV. Trao đổi với bác sỹ nếu bạn lo ngại về bất kỳ triệu chứng nào mới xuất hiện hoặc mới tiến triển và để biết thêm nhiều cách để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xem thêm