Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tìm hiểu về chứng rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải là tình trạng mất cân bằng của các chất khoáng trong cơ thể. Nguyên nhân rối loạn điện giải thường do tiêu chảy, nôn mửa hay mắc một số căn bệnh như bệnh thận, bệnh tuyến giáp…

Tìm hiểu về chứng rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải là tình trạng mất cân bằng của các chất khoáng trong cơ thể. Để cơ thể có thể hoạt động bình thường, một số khoáng chất cần được duy trì ở một nồng độ nhất định và đảm bảo cân bằng giữa các chất. Nếu không, các cơ quan giữ các chức năng sống còn của cơ thể như tim và não sẽ bị rối loạn.

Chất điện giải bao gồm các khoáng chất như canxi, clo, magie, phosphate, kali và natri. Chúng hiện diện trong máu, dịch thể và nước tiểu. Chúng có mặt và cũng được tiêu hóa kèm theo thức ăn, đồ uống, thuốc và các loại thực phẩm chức năng.

Phân loại rối loạn điện giải

  • Canxi: tăng và hạ canxi huyết
  • Clo: tăng và hạ clo huyết
  • Magie: tăng và hạ magie huyết
  • Phosphat: tăng và hạ phosphate huyết
  • Kali: tăng và hạ kali huyết
  • Natri: tăng và hạ natri huyết

Nguyên nhân gây rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến nhất là do sử dụng thuốc. Ngoài ra, tình trạng chấn thương do bỏng hay gẫy xương cũng gây mất cân bằng điện giải. Một số căn bệnh như ung thư và rối loạn tuyến giáp đôi khi cũng là nguyên nhân của tình trạng này.

Rối loạn canxi

  • Tăng canxi huyết: Nguyên nhân bao gồm mắc bệnh cường giáp, ung thư, bệnh thận, uống quá nhiều canxi và các thuốc kháng acid. Một căn bệnh rối loạn về gen di truyền có tên là tăng canxi máu hạ canxi niệu có tính chất gia đình cũng là nguyên nhân gây tăng canxi trong máu.
  • Hạ canxi huyết: Nguyên nhân gồm có suy thận, rối loạn tuyến giáp, thiếu vitamin D hoặc sử dụng các thuốc như heparin.

Rối loạn clo

  • Tăng clo huyết: Nguyên nhân do mất nước nặng, suy thận, thẩm phân máu
  • Hạ clo huyết: Thường đi kèm với rối loạn các chất điện giải khác, nhất là hạ natri và hạ kali máu.

Rối loạn magie

  • Tăng magie huyết: Rối loạn hiếm gặp này thường xảy ra ở những người mắc bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát, các triệu chứng chính bao gồm mệt, yếu cơ, sút cân, tụt huyết áp, đôi khi có xạm da vùng tiếp xúc với ánh sáng và cả vùng không tiếp xúc với ánh sáng) và giai đoạn cuối của bệnh thận.
  • Hạ magie huyết: Do nghiện rượu mạn tính, suy dinh dưỡng, gặp các vấn đề về hấp thu, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mạn tính, vã mồ hôi quá nhiều, sử dụng các thuốc như thuốc lợi tiểu và cyclosporine và một số kháng sinh.

Rối loạn phosphat

  • Tăng phosphat huyết: Nguyên nhân chủ yếu do gẫy xương, bệnh thận, tắc ruột, suy cận giáp.
  • Hạ phosphat huyết: Do hạ magie máu, hạ kali máu, bỏng nặng, chấn thương, nghiên rượu mãn tính, bệnh thận, suy giáp, suy dinh dưỡng, sử dụng thuốc lợi tiểu kéo dài.

Rối loạn kali

  • Tăng kali huyết: Đây là tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm cơn đau tim, suy thận, nhịn đói, xuất huyết tại ruột, sử dụng các thuốc như lithium, thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu.
  • Hạ kali huyết: Do rối loạn ăn uống, nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng, bệnh thận, các vấn đề về tuyến thượng thận, mất nước nghiêm trọng, sử dụng các thuốc nhuận tràng, lợi tiểu và penicillin. Giống như tăng kali huyết, tình trạng hạ kali huyết cũng có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Rối loạn natri

  • Tăng natri huyết: Nguyên nhân do nạp quá nhiều natri qua thực phẩm, lượng nước cung cấp không phù hợp với cơ thể; mất nước; mất quá nhiều dịch thể (do nôn mửa, tiêu chảy, bỏng nặng), sử dụng một số thuốc như corticosteroid và thuốc hạ huyết áp.
  • Hạ natri huyết: Do vã mồ hôi quá nhiều, nước uống bị nhiễm độc, mắc bệnh thận, sử dụng thuốc lợi tiểu.

Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn điện giải

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Một số đối tượng có nguy cơ cao hơn do tiền sử mắc một số bệnh. Ví dụ những người mắc bệnh thận có thể bị mất cân bằng một số điện giải, nguyên nhân là do thận của họ không còn khả năng lọc các chất khoáng như thận khỏe mạnh.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn điện giải bao gồm:

  • Nghiện rượu nặng và mắc bệnh xơ gan
  • Bị suy tim xung huyết
  • Rối loạn ăn uống
  • Mắc bệnh thận
  • Chấn thương (bỏng nặng hay gãy xương)
  • Bệnh tuyến giáp và cận giáp

Triệu chứng của rối loạn điện giải

Mất cân bằng điện giải ở mức độ nhẹ có thể không biểu hiện triệu chứng gì. Rối loạn này nhiều khi không được phát hiện cho tới khi bệnh nhân tình cờ đi xét nghiệm máu định kỳ. Trường hợp rối loạn điện giải chuyển sang mức độ nặng hơn, các triệu chứng có thể biểu hiện ra bên ngoài. Mất cân bằng mỗi loại chất điện giải có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, một số triệu chứng chung phổ biến nhất bao gồm:

  • Nước tiểu sẫm màu (dấu hiệu mất nước)
  • Loạn nhịp tim
  • Mệt mỏi
  • Thờ ờ
  • Co giật
  • Buồn nôn và/hoặc nôn
  • Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón)
  • Đau bụng
  • Yếu cơ
  • Đau cơ
  • Thay đổi tâm trạng (dễ bị kích thích, lú lẫn, trầm cảm)
  • Đau đầu

Chẩn đoán rối loạn điện giải

Xét nghiệm máu có thể đo chính xác mức nồng độ của các chất điện giải trong máu. Ngoài ra, bác sỹ có thể thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng thể và chỉ định những xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán.

Ví dụ, tình trạng tăng natri máu có thể gây mất độ đàn hồi của da. Bác sỹ sẽ thực hiện pinch test để kiểm tra độ đàn hồi của da. Ngoài ra, xét nghiệm thử phản xạ cũng thường được thực hiện đối với các trường hợp rối loạn điện giải.

Xử trí khi bị rối loạn điện giải

Việc điều trị phụ thuộc vào loại rối loạn điện giải mà bệnh nhân đang gặp phải và nguyên nhân chính gây nên tình trạng đó. Điều trị chủ yếu để lập lại cân bằng điện giải cho cơ thể. Các phương pháp có thể bao gồm:

  • Truyền điện giải qua đường tĩnh mạch. Thường được áp dụng trong trường hợp mất nước nặng do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Có thể truyền tĩnh mạch các loại thuốc để giúp đẩy các chất điện giải dư thừa khỏi máu và dịch thể.
  • Các loại thuốc đường uống được dùng để loại bỏ các khoáng chất thừa khỏi cơ thể nhanh chóng.
  • Chạy thận nhân tạo có thể loại bỏ các chất cặn bã và độc hại khỏi cơ thể. Biện pháp này thường được áp dụng trong trường hợp rối loạn điện giải do mắc bệnh thận hay tổn thương thận.
  • Các loại thực phẩm chức năng giúp bổ sung các khoáng chất cơ thể thiếu hụt trong một thời gian ngắn.

Sau khi tình trạng rối loạn điện giải đã được xử trí, bác sỹ sẽ tiếp tục điều trị nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên để phòng tránh nguy cơ mất cân bằng điện giải về sau.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những thực phẩm bổ sung chất điện giải cho cơ thể

Bình luận
Tin mới
Xem thêm