Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc kháng virus molnupiravir có những tác dụng phụ nào?

Các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, tăng men gan... Ngoài ra, nhiều nhóm chống chỉ định dùng thuốc.

Molnupiravir cùng với favipiravir, remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Molnupiravir được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, diện cấp phát, không bán trên thị trường. Bộ Y tế đã phân bổ tổng cộng hơn 400.000 liều thuốc molnupiravir cho chương trình này. Chương trình được triển khai tại TP HCM từ giữa tháng 8 và hiện mở rộng 53 địa phương có dịch. Kết quả thử nghiệm molnupiravir ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết molnupiravir là tên hóa học của hoạt chất vốn ban đầu được bào chế để chữa bệnh cúm, đưa vào cơ thể theo dạng viên uống. Đây là thuốc có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Thuốc molnupiravir được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ, được xem là vũ khí quan trọng trong điều trị F0 tại nhà, do tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

Molnupiravir có khá nhiều tác dụng phụ, chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ. Trong phiên họp hôm 8/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế cũng khuyến cáo không dùng thuốc molnupiravir cho phụ nữ có thai, dưới 18 tuổi sẽ ảnh hưởng xương, nam giới ảnh hưởng tinh trùng.

Theo bác sĩ Phúc, molnupiravir chống chỉ định với trẻ em vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Thuốc cũng không được dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú vì có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nam giới dùng thuốc được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng, vì tác động lên tinh trùng vẫn chưa được hiểu rõ. Người dưới 18 tuổi, người bị suy gan nặng, suy thận nặng mắc Covid-19 cũng không sử dụng thuốc này.

Bên cạnh đó, các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, tăng men gan... Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ trong dự án mới được bác sĩ kê sử dụng thuốc kháng virus dạng uống, trong đó có molnupiravir để điều trị. Liều dùng molnupiravir 200 mg, uống 2 lần một ngày, mỗi lần 4 viên, một liệu trình điều trị kéo dài 5 ngày. Sau khi sử dụng, người bệnh được theo dõi chặt chẽ.

Thuốc molnupiravir chưa được cấp phép tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trôi nổi, bừa bãi, tiềm ẩn thuốc giả, nhiều nguy hại sức khỏe, thậm chí làm trầm trọng tình trạng bệnh.

Thuốc kháng virus molnupiravir được cấp cho F0 tại nhà.

(Ảnh: Bộ Y tế)

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt molnupiravir hôm 4/11. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA) cho biết các thử nghiệm của họ cho thấy thuốc "an toàn và có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở ca Covid-19 từ nhẹ đến trung bình, những người có nguy cơ phát triển triệu chứng nặng".

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tối 23/12 phê duyệt khẩn cấp molnupiravir để điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19. FDA công nhận thuốc không gây các tác dụng phụ đáng lo ngại, đồng thời chỉ ra rằng đây là phương pháp điều trị có nguy cơ gây đột biến thấp. Song, FDA khuyến cáo không kê đơn molnupiravir cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, cũng chưa phê duyệt molnupiravir ở người đang nằm viện hoặc dưới 18 tuổi.

Trong khi đó, một số chuyên gia y tế thế giới lo ngại molnupiravir có thể gây ra những đột biến trong tế bào, làm tổn hại cơ thể người dùng. Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) chưa cập nhật molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ bởi quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gene, tổn hại đến cơ và xương, có thể dẫn tới các nguy cơ cho quá trình mang thai và cho trẻ em.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: FDA cho phép sử dụng bổ sung thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19 ở một số người trưởng thành.

Thúy Quỳnh - Theo vnexpress.net
Bình luận
Tin mới
  • 29/04/2024

    5 sự thật bạn cần biết về chứng ù tai

    Ù tai hoặc có tiếng kêu lạ trong tai như tiếng ve kêu, ong kêu, dế kêu là vấn đề nhiều người gặp phải. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh.

  • 29/04/2024

    4 loại gia vị có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

    Các chuyên gia y tế chia sẻ 4 loại gia vị quen thuộc đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

  • 29/04/2024

    Đau họng:Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

    Viêm họng, hay đau họng, là tình trạng viêm ở phía sau cuống họng (còn gọi là họng). Viêm họng có thể gây đau khi nuốt và đau nhức, khó chịu, đau hoặc ngứa ngáy ở cổ họng.

  • 29/04/2024

    Xuất huyết não nguy hiểm ra sao?

    Trong 2 dạng đột quỵ não, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn. Người sống sót qua cơn đột quỵ xuất huyết não cần làm gì để phòng bệnh tái phát?

  • 29/04/2024

    Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng và điều trị

    Nấm Candida là một loại nấm men có thể sống trên cơ thể con người. Nó thường bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

  • 28/04/2024

    Gợi ý chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trước mùa thi

    Không chỉ chế độ dinh dưỡng đảm bảo mà việc nghỉ ngơi của các thí sinh cũng rất quan trọng để đảm bảo tinh thần được tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

  • 28/04/2024

    Chế độ ăn giúp trẻ bị rôm sảy mau khỏi

    Trẻ bị rôm sảy cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh da thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhanh khỏi.

  • 28/04/2024

    Cách đối phó với làn da bong tróc do vẩy nến

    Bệnh vẩy nến là một bệnh về da gây phát ban ngứa, có vảy. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là da bị bong tróc. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Xem thêm