Trải qua cảm giác muốn tự tử không có nghĩa là bạn bị điên hay quá yếu đuối, mà cảm giác đó cho thấy bạn đang phải trải qua nỗi đau hoặc nỗi buồn lớn hơn mức bạn có thể đối mặt. Vào thời điểm đó, bạn sẽ nghĩ rằng cảm giác bất hạnh sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Tuy nhiên, hãy lưu ý một điều vô cùng quan trọng: bạn hoàn toàn có thể vượt qua được cảm giác muốn tự tử ấy.
Đối phó với suy nghĩ tự tử
Hãy luôn nhớ rằng, vấn đề của bạn chỉ là tạm thời, nhưng tự tử sẽ là mãi mãi. Từ bỏ cuộc sống không bao giờ là một giải pháp tốt cho bất kỳ một thử thách nào bạn gặp. Hãy cho bản thân bạn thời gian để thay đổi tình thế và để vơi bớt nỗi đau.
Loại bỏ tất cả những công cụ có thể tiến hành tự tử
Vứt bỏ hết súng, dao, các phương tiện hoặc các loại thuốc nguy hiểm mà bạn có thể dùng để tự tử.
Uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ
Một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ có thể làm tăng nguy cơ có các suy nghĩ muốn tự tử, đặc biệt là khi bạn mới uống. Bạn không nên ngưng uống thuốc hoặc thay đổi liều thuốc trừ khi có sự chỉ định của bác sỹ. Cảm giác muốn tự tử sẽ trở nên tệ hơn nếu bạn đột ngột dừng thuốc.
Bạn có thể cũng sẽ trải qua các tác dụng phụ của thuốc. Nếu bạn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tác dụng không mong muốn của thuốc bạn mới uống gần đây, hãy nói với bác sỹ để lựa chọn một loại thuốc khác.
Tránh uống rượu bia và các chất kích thích
Trong những khoảng thời gian khó khăn, bạn sẽ rất dễ có xu hướng sử dụng rượu bia và các loại thuốc gây nghiện. Tuy nhiên, những việc này chỉ làm cho suy nghĩ muốn tự tử trở nên tồi tệ hơn. Bạn cần phải tránh xa rượu bia và chất gây nghiện khi bạn cảm thấy tuyệt vọng hoặc khi bạn có suy nghĩ muốn tự tử. Điều này vô cùng quan trọng!
Luôn giữ hy vọng
Không cần biết vấn đề của bạn nghiêm trọng tới mức nào, bạn nên nhớ một điều rằng, luôn có cách giải quyết cho các vấn đề đang phải đối mặt. Rất nhiều người đã trải qua suy nghĩ muốn tự tử và rồi vượt qua được giai đoạn đó chỉ nhờ có một bức thư cảm ơn gửi đến họ. Luôn luôn có cơ hội dành cho bạn nếu bạn vượt qua được những cảm giác tiêu cực này. Cho bản thân bạn thời gian và đừng cố đối mặt với mọi vấn đề một mình.
Trò chuyện với ai đó
Bạn không nên tự đối mặt với các suy nghĩ tự tử một mình. Sự giúp đỡ từ các chuyên gia và sự ủng hộ từ người thân yêu có thể giúp bạn vượt qua mọi chuyện dễ dàng hơn. Có rất nhiều tổ chức và nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn đối phó với suy nghĩ muốn tự tử. Họ sẽ giúp bạn nhận ra rằng tự tử không phải là cách đúng để đối phó với các căng thẳng trong cuộc sống.
Trao đổi với bác sỹ hoặc các chuyên gia trị liệu để biết về các nguyên nhân có thể dẫn đến suy nghĩ muốn tự tử. Việc này có thể giúp bạn nhận ra dấu hiệu nguy hiểm sớm hơn và giúp bạn đưa ra quyết định về các bước tiếp theo phải làm. Trao đổi với người thân và bạn bè về các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng rất hữu ích để người thân và bạn bè có thể giúp đỡ bạn.
Nguy cơ của việc tự tử
Theo thống kê, tự tử là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ, cướp đi sinh mạng của khoảng 38.000 người Mỹ mỗi năm.
Không có một lý do đơn thuần nào lý giải cho việc tại sao một người lại muốn tự cướp đi mạng sống của mình. Tuy nhiên, một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ muốn tự tử. Một số người có nguy cơ tự tử cao hơn nếu họ có các rối loạn về tâm lý. Trên thực tế, hơn 90% người tự tử có các bệnh về tâm lý vào thời điểm đó. Trầm cảm là yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng những rối loạn khác về tâm lý cũng có thể dẫn đến tự tử, bao gồm rối loạn lưỡng cực và bệnh tâm thần phân liệt.
Bên cạnh các rối loạn tâm lý, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể dẫn đến suy nghĩ muốn tự tử. Các yếu tố này bao gồm:
- Lạm dụng các loại thuốc, lạm dụng chất gây nghiện
- Bị tống giam vào tù
- Tiền sử gia đình có người tự tử
- Không hài lòng với công việc hiện tại hoặc công việc hiện tại không bảo đảm cho cuộc sống
- Đã từng bị lạm dụng hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh lạm dụng
- Bị chẩn đoán mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư hoặc HIV
- Bị xã hội cô lập hoặc là nạn nhân của bạo lực
- Bị tiếp xúc với các hành vi tự tử
Những người có nguy cơ tự tử cao là những người:
- Nam giới
- Trên 45 tuổi
Các nguyên nhân có thể của tự tử
Các nhà nghiên cứu không biết chính xác tại sao một người lại có suy nghĩ muốn tự tử. Họ cũng nghi ngờ rằng gen có một vai trò nhất định trong chuyện này. Tỷ lệ xuất hiện suy nghĩ muốn tự tử sẽ cao hơn ở nhóm người mà gia đình có người từng tự tử. Nhưng các nghiên cứu chưa chứng minh được mối liên quan giữa tự tử và gen.
Bên cạnh yếu tố về gen, các thử thách trong cuộc sống có thể làm cho một người muốn tự tử. Trải qua việc ly hôn, mất đi người thân hoặc gặp vấn đề về tiền bạc có thể dẫn đến giai đoạn trầm cảm. Việc này sẽ khiến người ta nghĩ đến việc tìm ra một “lối thoát” cho các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Một nguyên nhân phổ biến khác của việc tự tử là cảm giác bị bỏ rơi hoặc không được người khác chấp nhận. Cảm giác bị cô lập có thể là do xu hướng giới tính, đức tin, tín ngưỡng hoặc xu hướng tình dục. Những cảm xúc này sẽ thường trở nên tệ hơn khi không có sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức hoặc bạn bè.
Ảnh hưởng của tự tử với những người thân yêu
Tự tử có tác động rất lớn lên cuộc sống của mọi người, có thể để lại một cú sốc cho người thân trong rất nhiều năm sau đó. Cảm giác tội lỗi và cảm thấy tức giận là những cảm xúc rất phổ biến, bởi người thân sẽ thường tự trách mình là đã không giúp được gì cho nạn nhân. Và những cảm giác này có thể sẽ theo họ trong suốt phần đời còn lại.
Kể cả khi bạn nghĩ rằng mình rất cô đơn trong lúc này, bạn nên biết rằng có rất nhiều người ở xung quanh có thể ủng hộ cho bạn, giúp đỡ bạn trong khoảng thời gian khó khăn này. Người đó có thể là bất cứ ai mà bạn tin tưởng: một người bạn thân, một thành viên trong gia đình, hoặc một bác sỹ. Họ sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe bạn với lòng nhân ái và khoan dung.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Khi bạn đến gặp bác sỹ về các vấn đề của bạn, bạn sẽ tìm thấy một người có lòng khoan dung và thực sự muốn giúp đỡ bạn. Bác sỹ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật của bạn và gia đình, họ cũng có thể sẽ hỏi về các suy nghĩ muốn tự tử và tần suất bạn có các suy nghĩ này. Câu trả lời của bạn có thể giúp các bác sỹ xác định được nguyên nhân của cảm giác muốn tự tử của bạn.
Bác sỹ cũng sẽ tiến hành một vài xét nghiệm nếu họ nghi ngờ bạn có các rối loạn về tâm lý hoặc mắc một số bệnh gây ra suy nghĩ muốn tự tử. Những xét nghiệm này sẽ giúp họ chỉ ra được chính xác nguyên nhân và xác định được đúng cách điều trị cho bạn.
Nếu suy nghĩ tự tử của bạn không thể giải thích bằng các vấn đề bệnh lý, bác sỹ có thể sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia trị liệu về tâm lý. Gặp gỡ các chuyên gia này thường xuyên sẽ giúp bạn mở lòng hơn và có thể trao đổi về các vấn đề bạn đang gặp phải. Không giống với bạn bè hay người thân, chuyên gia trị liệu về tâm lý là những người được đào tạo về các chiến lược để giúp bạn đối phó với các suy nghĩ muốn tự tử. Và cũng bởi bạn không quen biết họ, nên bạn có thể hoàn toàn thành thật để bày tỏ những cảm xúc của mình mà không lo sợ sẽ làm ai đó buồn lòng cả.
Kết luận
Nếu bạn có các suy nghĩ muốn tự tử, việc đầu tiên quan trọng mà bạn phải làm là tự hứa với bản thân sẽ không làm bất cứ điều gì có hại cho đến khi tìm thấy sự giúp đỡ. Đảm bảo rằng bạn đã nói chuyện, trao đổi với ai đó nếu bạn đang gặp vấn đề và đang phải đối mặt với suy nghĩ muốn tự tử. Bằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không cô đơn một mình và bạn có thể vượt qua được giai đoạn này. Việc trao đổi với bác sỹ cũng rất quan trọng nếu bạn nghi ngờ mình bị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác có thể dẫn đến cảm giác muốn tự tử. Thông qua trị liệu và dùng thuốc, rất nhiều người (cả nam và nữ) đã từng nghĩ đến việc tự tử có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đó và sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trở lại.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tình bạn: làm phong phú cuộc sống và cải thiện sức khỏe của bạn
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.