Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tại sao nước tiểu của bạn lại có bọt?

Bạn đã bao giờ quan sát thấy có bọt trong nước tiểu của mình chưa? Hầu hết các trường hợp thì đó không có gì bất thường nhưng đôi khi lại là dấu hiệu những bệnh lí cần điều trị.

Nước tiểu thường có màu vàng nhạt cho đến màu hổ phách đậm. Có rất nhiều yếu tố khác nhau, chế độ ăn, thuốc và bệnh tật, có thể làm thay đổi màu sắc cũng như thành phần các chất trong nước tiểu.

Nếu nước tiểu của bạn có bọt, đó có thể là do bàng quang đầy và nước điểu chảy xuống bồn cầu với tốc độ nhanh đủ để khuấy động nước. Tuy nhiên, nếu thường xuyên như thế, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt.

Triệu chứng

Nước tiểu có thể sủi bọt trong thời gian rất ngắn mỗi lần đi tiểu. Nó thường do tốc độ của dòng nước tiểu. Nước tiểu có bọt nhiều khả năng là dấu hiệu của một bệnh lý nếu nó xảy ra thường xuyên và xấu đi theo thời gian.

Nếu nước tiểu của bạn có bọt, bạn cũng nên tìm kiếm các triệu chứng khác. Những triệu chứng đi kèm có thể chỉ ra một vấn đề y tế như:

  • Phù tay, chân, mặt và bụng, có thể là một dấu hiệu của ứ dịch do tổn thương thận
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Khó ngủ
  • Thay đổi số lượng nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu sẫm màu

Nam giới có thể có cực khoái khô hoặc chỉ xuất tinh rất ít, không xuất tinh khi đạt được cực khoái; dẫn đến vô sinh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân rõ ràng nhất gây nước tiểu có bọt là do tốc độ đi tiểu. Khi đó, bọt chỉ xuất hiện khi dòng chảy nhanh va đập vào bồn cầu, và cũng sẽ biến mất nhanh chóng.

Đôi khi, nước tiểu cũng có thể có bọt khi bị cô đặc. Nước tiểu của bạn sẽ đặc hơn nếu bạn không uống đủ nước hoặc bị mất nước.

Nước tiểu có bọt cũng có thể chỉ ra tình trạng có quá nhiều protein trong nước tiểu, ví dụ như albumin. Thông thường, thận lọc nước dư thừa và các chất cặn bã từ máu vào nước tiểu. Protein và những thành phần quan trọng khác mà cơ thể cần có kích thước quá lớn so với lỗ lọc ở cầu thận, do vậy chúng vẫn được giữ lại trong máu. Khi thận bị tổn thương sẽ không còn đảm bảo được chức năng hợp lí. Tổn thương thận có thể khiến quá nhiều protein bị rò rỉ ra nước tiểu, và dẫn đến protein niệu. Đây là một dấu hiệu của bệnh thận mạn tính hoặc bệnh thận giai đoạn cuối.

Nguyên nhân ít gặp hơn của nước tiểu có bọt là xuất tinh ngược dòng, là một bệnh lý xảy ra khi tinh dịch của nam giới chảy ngược vào bàng quang thay vì được giải phóng qua dương vật. Uống thuốc phenazopyridine (Pyridium, Azo-Standard, Uristat, AZO) để điều trị viêm đường tiết niệu cũng là những nguyên nhân ít gặp khác gây ra nước tiểu có bọt.

Yếu tố nguy cơ

Bàng quang đầy có thể khiến dòng nước tiểu của bạn nhanh và mạnh hơn, tạo ra bọt. Nước tiểu cũng có thể xuất hiện bọt nếu nó cô đặc hơn, xảy ra khi bạn mất nước hoặc mang thai.

Protein trong nước tiểu là nguyên nhân khác, và đây thường do bệnh lý thận. Bạn cũng có nhiều khả năng bị bệnh thận nếu bạn bị:

  • Tiểu đường
  • Tiền sử gia đình bị bệnh thận
  • Cao huyết áp

Nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng bao gồm:

  • Tiểu đường
  • Các thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến, các rối loạn tâm thần
  • Tổn thương thần kinh do chấn thương cột sống, tiểu đường hoặc đa xơ cứng
  • Phẫu thuật tiền liệt tuyến hoặc niệu đạo

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh thận hoặc xuất tinh ngược dòng, hoặc nếu bạn tiếp tục nhìn thấy bọt trong nước tiểu một thời gian dài.

Đôi khi vấn đề là do bồn cầu của bạn có chất tẩy rửa khiến nước tiểu trông như có bọt. Nếu đó là nguyên nhân gây ra vấn đề của bạn thì bọt sẽ nhanh chóng biến mất ngay khi bạn xả sạch chất tẩy rửa khỏi bồn cầu.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu của bạn để kiểm tra nồng độ protein và các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận của bạn.

Nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân khiến nước tiểu của bạn có bọt là do xuất tinh ngược dòng, bạn sẽ được xét nghiệm tìm tinh trùng trong nước tiểu.

Điều trị

Việc điều trị nước tiểu có bọt là tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu nước tiểu của bạn bị cô đặc, bạn nên uống nhiều nước hơn.

Điều trị tiểu đường và cao huyết áp

Khi nước tiểu có bọt do tổn thương thận, bạn sẽ cần điều trị nguyên nhân. Thông thường, tiểu đường và cao huyết áp gây ra bệnh thận. Bạn có thể làm giảm tiến triển của tổn thương thận bằng cách kiểm soát tốt những bệnh lí này.

Bác sĩ sẽ khuyên bạn có một chế độ ăn cân bằng và tăng cường luyện tập để điều trị tiểu đường. Bạn cũng cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để đảm bảo nó trong giới hạn bình thường. Đường máu cao có thể làm tổn thương thận. Bạn cũng có thể cần uống thuốc để làm giảm đường máu.

Với bệnh cao huyết áp, bạn cũng cần kiểm soát chế độ ăn và duy trì tập luyện. Hạn chế muối và protein trong khẩu phần có thể giúp bạn giảm huyết áp và phòng ngừa thận phải làm việc quá sức. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chẹn beta, chẹn kênh calci, lợi tiểu hoặc các thuốc khác để hạ áp. Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể là hai thuốc được sử dụng để hạ áp và ngăn ngừa thận bị tổn thương thêm.

Điều trị xuất tinh ngược dòng

Xuất tinh ngược không cần điều trị trừ khi bạn muốn có con hoặc cực khoái khô khiến bạn khó chịu. Bác sĩ có thể điều trị tình trạng này bằng những thuốc được dùng để điều trị bệnh lý khác nhưng cũng giúp đóng kín cổ bàng quang để tinh dịch không thể chảy vào trong bàng quang. Các thuốc sử dụng ngoài hướng dẫn có thể giúp điều trị vấn đề này:

  • Brompheniramine
  • Chlorpheniramine ephedrine
  • Imipramine (Tofranil)
  • Phenylephrine
  • Pseudoephedrine

“Thuốc sử dụng ngoài hướng dẫn có nghĩa là thuốc được công nhận bởi Cục quản lí Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) với một mục đích nhưng được sử dụng cho mục đích khác không được công nhận. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể sử dụng thuốc cho mục đích này. Đó là bởi vì FDA phụ trách kiểm tra và chứng nhận thuốc nhưng không kiểm soát cách sử dụng của bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân của họ. Vì vậy, bác sĩ có thể kê một thuốc mà họ nghĩ là tốt nhất cho bệnh của bạn.”

Tiên lượng

Nước tiểu có bọt có thể không phải là vấn đề nếu nó xảy ra chốc lát trong mỗi lần bạn đi tiểu. Nhưng nếu nó vẫn tiếp tục tái diễn thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có tổn thương thận. Nó thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh thận, vì vậy bạn cần được điều trị ngay lập tức. Ít gặp hơn, nó có thể là dấu hiệu của xuất tinh ngược dòng nếu bạn là nam giới, hoặc do ảnh hưởng của các thuốc mà bạn đang sử dụng. Điều trị rối loạn này hoặc dừng thuốc nghi ngờ có thể chấm dứt tình trạng nước tiểu có bọt.

Hầu hết các trường hợp thì nước tiểu có bọt không có gì đáng lo lắng. Bạn có thể giảm thiểu nó bằng cách đơn giản là uống nhiều nước.

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Nước tiểu có bọt không mất đi sau một vài ngày
  • Bạn có các triệu chứng khác đi kèm như phù, buồn nôn, nôn, chán ăn và mệt mỏi
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Nếu bạn là nam, ở giai đoạn cực khoái ít hoặc không có tinh dịch hoặc nếu bạn cố gắng có con trong vòng một năm trở lên nhưng không thành công.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nước tiểu và sức khỏe con người

Bs.Thanh Thanh- Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

  • 22/04/2024

    Cách giảm lượng đường trong máu ngay lập tức

    Cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu là dùng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

  • 22/04/2024

    Thực phẩm giàu biotin nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng

    Biotin hay vitamin B7 là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Cách tốt nhất để bổ sung biotin là nhờ chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vi chất này.

Xem thêm