Các triệu chứng của bệnh dị ứng
Nhiều triệu chứng của bệnh
dị ứng và cảm lạnh khá giống nhau khiến cho chúng ta khó phân biệt được khi chúng mới xuất hiện: sổ mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi và mệt mỏi. Tuy nhiên, một vài triệu chứng khác như đau, nhức hay viêm họng là dấu hiệu của cảm lạnh. Những triệu trứng khác như đau mắt lại là những dấu hiệu của các bệnh dị ứng.
Nếu con bạn bị mắc các bệnh dị ứng, hãy đọc các hướng dẫn dưới đây để biết được cách phòng tránh những tác nhân dị ứng và cách sử dụng các thuốc thông thường để điều trị cho trẻ. Trong những trường hợp các biện pháp trên không có tác dụng, hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ chuyên khoa miễn dịch.
Phòng tránh các tác nhân dị ứng thường gặp
Nguyên tắc đầu tiên của việc phòng chống bệnh dị ứng là tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích trong môi trường. Những tác nhân dị ứng có trong không khí bao gồm lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc và mạt bụi.
Lông vật nuôi
Việc khuyên trẻ từ bỏ việc chơi đùa với con vật cưng không phải là việc dễ dàng, đồng thời cũng không phải là biện pháp duy nhất để tránh tiếp xúc với lông thú nuôi. Bạn vẫn có thể nuôi vật nuôi trong nhà ngay cả khi con bạn bị dị ứng với lông của chúng.
Để loại bỏ lông của vật nuôi, hãy tắm cho chúng hàng tuần và ngăn chúng không tiếp xúc với đồ đạc trong nhà. Hút bụi thảm thường xuyên hay thay toàn bộ thảm bằng sàn nhà vật liệu lót sàn cứng. Bạn cũng có thể lắp đặt hệ thống lưới lọc trong nhà để lọc sạch không khí. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý làm sạch và thay tấm lọc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phấn hoa
Phấn hoa thường xuất hiện nhiều hơn tại những thời điểm nhất định như vào mùa xuân hay tại những thời điểm cố định trong ngày (buổi chiều). Theo các giáo sư tại đại học Harvard, lượng phấn hoa cỏ phấn hương là cao nhất vào thời điểm giữa trưa và phấn cỏ trở nên dày đặc hơn trong không khí vào buổi chiều muộn. Nếu con bạn bị dị ứng với các loại phấn hoa này thì điều quan trọng là hãy giữ trẻ ở trong nhà vào những thời điểm lượng phấn hoa là cao đỉnh điểm.
Nấm mốc
Nấm mốc phát triển trong môi trường ẩm ướt và những bào tử của chúng thường phát tán trong không khí. Hãy loại bỏ những nguồn ẩm mốc ở mọi ngóc ngách trong nhà bạn, chẳng hạn như làm sạch những khu vực mà nước thường xuyên đọng lại như máy điều hòa và khay hứng nước của tủ lạnh. Sử dụng một thiết bị chống ẩm và quạt thông khí khi sử dụng nhà tắm.
Mạt bụi
Mạt bụi là những côn trùng rất nhỏ sống trong đám bụi ở trong nhà và ăn những lớp da bong của vảy da người. Sử dụng máy hút bụi thường xuyên cũng như là giặt ga trải giường trong nước nóng hàng tuần sẽ làm giảm đáng kể số lượng mạt bụi. Bạn có thể mua những vỏ chăn và gối có khóa kéo và thay giặt hàng tuần để hạn chế mạt bụi.
Thuốc chống dị ứng
Khi việc phòng tránh là không đủ, việc sử dụng một số loại thuốc chống dị ứng có thể phù hợp với con bạn. Các thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn các phản ứng dị ứng và đã được Cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo là có thể sử dụng an toàn cho trẻ em. Một vài loại kháng histamine có thể khiến trẻ cảm thấy buồn ngủ, tuy nhiên hiện nay một thế hệ thuốc mới hơn mà không gây buồn ngủ đã có mặt trên thị trường với các biệt dược như Claritin (Loratadin), Allegra (Fexofenadin) và Zyrtec (Certirizin). Thuốc làm thông mũi được sử dụng để điều trị triệu chứng sổ mũi như Sudafed (Pseudoephedrine) có thể dùng theo đường uống. Các thuốc xịt mũi khác được dùng phổ biến bao gồm Afrin (Oxymetazoline) và Neo-Synephrine (Phenylephrine).
Cần lưu ý rằng cần thiết phải hỏi ý kiến bác sỹ trước khi cho trẻ sử dụng các thuốc điều trị dị ứng. Một số loại thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn và cần phải thận trọng tuân thủ theo liều lượng.
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên là biện pháp loại bỏ những tác nhân gây dị ứng
rất hiệu quả. Ảnh minh họa.
Đã đến lúc phải đưa trẻ đi khám bác sỹ chuyên khoa miễn dịch?
Bạn đã làm mọi cách để ngăn trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, trẻ cũng đã uống đủ các loại thuốc chống dị ứng thông thường. Nếu các triệu chứng vẫn không đỡ thì đã đến lúc đưa trẻ đến gặp chuyên gia tư vấn. Khi đưa trẻ đi khám, các bác sỹ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ bằng việc thực hiện các test trên da, test về máu. Khi đã xác định được chính xác tác nhân gây dị ứng ở trẻ, họ sẽ đưa ra các phương pháp phòng tránh và điều trị đặc hiệu cho con bạn, bao gồm cả việc tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào cơ thể trẻ. Những chất này sẽ giúp cơ thể học cách quen để không phản ứng lại với tác nhân này.
Nên đưa trẻ đi khám bác sỹ nếu các triệu chứng dị ứng không chấm dứt sau một vài ngày.
Ảnh minh họa.
Bạn có thể giúp trẻ cảm thấy khá hơn
Các triệu chứng dị ứng khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí trẻ phải nghỉ học hay lỡ việc tham dự các hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên bạn có thể giúp trẻ cảm thấy khá hơn bằng cách trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết về các bệnh này. Ngoài ra hãy hỏi và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia để ngăn chặn các triệu chứng dị ứng của trẻ.
Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam