Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ốc tai điện tử và những điều cần biết

Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử nhỏ giúp hỗ trợ thính giác để người đeo nó có thể nghe được. Thiết bị này có thể được sử dụng cho những người bị điếc hoặc gặp khó khăn trong vấn đề về nghe. Cùng tìm hiểu xem thiết bị này hoạt động như thế nào nhé.

Ốc tai điện tử là gì?

Ốc tai điện tử không giống như máy trợ thính. Nó được cấy ghép bằng cách sử dụng phẫu thuật và hoạt động theo một cách khác máy trợ thính.

Có nhiều loại ốc tai điện tử khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường được tạo thành từ một số bộ phận giống nhau.

-Một phần của thiết bị được phẫu thuật cấy ghép vào xương xung quanh tai (xương thái dương). Phần này được tạo thành từ một bộ kích thích thu, tiếp nhận, giải mã và sau đó gửi tín hiệu điện đến não.

-Phần thứ hai của ốc tai điện tử là một thiết bị đặt bên ngoài. Thiết bị này được tạo thành từ micrô/bộ thu, bộ xử lý giọng nói và ăng-ten. Phần cấy ghép này nhận âm thanh, chuyển âm thanh thành tín hiệu điện và gửi đến phần bên trong của ốc tai điện tử.

Người nào cần dùng ốc tai điện tử?

Cấy ghép ốc tai điện tử cho phép người khiếm thính tiếp nhận và xử lý âm thanh và lời nói. Tuy nhiên, các thiết bị này không khôi phục lại khả năng nghe bình thường. Chúng chỉ là công cụ cho phép xử lý âm thanh, lời nói và gửi đến não.

Cấy ốc tai điện tử không phù hợp với tất cả mọi người.Cả trẻ em và người lớn đều có thể là đối tượng cho việc cấy ghép ốc tai điện tử. Những người này có thể đã bị điếc bẩm sinh hoặc bị điếc sau khi học nói. Trẻ em dưới 1 tuổi hiện là ứng cử viên cho loại phẫu thuật này. Mặc dù các tiêu chí hơi khác nhau đối với người lớn và trẻ em nhưng chúng đều dựa trên các nguyên tắc tương tự như:

-Những người bị điếc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn ở cả hai tai và dùng máy trợ thính hầu như không cải thiện được. Bất kỳ ai có thể nghe đủ tốt với máy trợ thính đều không phải là đối tượng ưu tiên cho việc cấy ghép ốc tai điện tử.

-Những người cần phải có động lực cao vì sau khi đặt ốc tai điện tử, họ phải học cách sử dụng thiết bị đúng cách.

-Những người cần có những kỳ vọng hợp lý về những gì sẽ xảy ra sau khi phẫu thuật. Đó là thiết bị này không có khả năng khôi phục hoặc tạo ra thính giác "bình thường".

-Trẻ em cần được tham gia vào các chương trình giúp chúng học cách xử lý âm thanh.

Để xác định một người có phải là ứng cử viên cho việc cấy ghép ốc tai điện tử hay không, người đó phải được thăm khám bởi bác sĩ tai mũi họng và cũng sẽ cần các loại kiểm tra thính lực cụ thể được thực hiện với máy trợ thính chuyên dụng, bao gồm chụp CT hoặc chụp MRI não và tai giữa và tai trong.

Mọi người (đặc biệt là trẻ em) có thể cần được đánh giá bởi một nhà tâm lý học để xác định xem họ có phải là đối tượng tốt hay không.

Ốc tai điện tử hoạt động như thế nào?

Âm thanh được truyền qua không khí. Trong một tai bình thường, sóng âm thanh làm cho màng nhĩ rung và sau đó là các xương tai giữa rung động. Sự rung động này gửi một làn sóng rung động vào tai trong (ốc tai). Những sóng này sau đó được ốc tai chuyển đổi thành tín hiệu điện và được gửi dọc theo dây thần kinh thính giác đến não.

Người điếc không có tai trong (ốc tai) hoạt động. Ốc tai điện tử cố gắng thay thế chức năng của tai trong bằng cách biến âm thanh thành năng lượng điện. Năng lượng này sau đó có thể được sử dụng để kích thích dây thần kinh ốc tai (dây thần kinh nghe), gửi tín hiệu "âm thanh" đến não.

-Âm thanh được thu bởi một micrô đeo gần tai. Âm thanh này được gửi đến bộ xử lý giọng nói, bộ xử lý này thường được kết nối với micrô và đeo sau tai.

-Âm thanh được phân tích và chuyển đổi thành tín hiệu điện, được gửi đến một thiết bị thu được phẫu thuật cấy ghép phía sau tai. Máy thu này gửi tín hiệu qua một dây dẫn vào tai trong.

-Từ đó, các xung điện được gửi đến não.

Cách đặt ốc tai điện tử vào tai

Để tiến hành phẫu thuật:

-Bạn sẽ được gây mê toàn thân để ngủ yên và không bị đau.

-Một vết cắt được thực hiện sau tai, đôi khi cần cạo một phần tóc sau tai trước khi cắt.

-Kính hiển vi và máy khoan xương được sử dụng để mở xương sau tai (xương chũm) và cho phép đưa phần bên trong của mô cấy vào.

-Dãy điện cực được đưa vào tai trong (ốc tai).

-Máy thu được đặt vào một túi được tạo ra sau tai. Túi giúp giữ cố định và đảm bảo nó đủ gần với da để cho phép gửi thông tin điện từ thiết bị. Một giếng có thể được khoan vào xương sau tai để thiết bị cấy ghép ít có khả năng di chuyển dưới da hơn.

Sau khi phẫu thuật:

-Sẽ có một vài mũi khâu sau tai.

-Bạn có thể cảm thấy như một vết sưng sau tai.

- Phần tóc đã cạo sẽ mọc lại.

-Phần bên ngoài của thiết bị sẽ được đặt từ 1 đến 4 tuần sau khi phẫu thuật để có thời gian lành lại.

Rủi ro khi phẫu thuật

Cấy điện cực ốc tai là một phẫu thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, tất cả các cuộc phẫu thuật đều tiềm ẩn một số rủi ro. Hiện nay các rủi ro ít phổ biến hơn khi phẫu thuật được thực hiện thông qua một vết cắt nhỏ, nhưng vẫn có thể bao gồm:

-Các vấn đề về lành vết thương

-Da bị tổn thương trên thiết bị được cấy ghép

-Nhiễm trùng gần vị trí cấy ghép

Các biến chứng ít gặp hơn bao gồm:

-Tổn thương dây thần kinh cử động mặt bên khi phẫu thuật

-Rò rỉ chất lỏng xung quanh não (dịch não tủy)

-Nhiễm trùng chất lỏng xung quanh não (viêm màng não)

-Chóng mặt tạm thời

-Thiết bị không hoạt động

-Cảm thấy có mùi vị bất thường

Phục hồi sau phẫu thuật

Bạn có thể nhập viện qua đêm để theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh viện đã cho phép người cấy ghép về nhà trong ngày phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc giảm đau và đôi khi là thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhiều bác sĩ phẫu thuật đặt một miếng băng lớn lên tai đã phẫu thuật. Băng này sẽ được lấy ra vào ngày sau phẫu thuật.

Một tuần trở lên sau khi phẫu thuật, phần bên ngoài của ốc tai điện tử được gắn chặt vào thiết bị kích thích thu được cấy sau tai. Lúc này, bạn sẽ có thể sử dụng thiết bị.

Khi vị trí phẫu thuật đã lành hẳn và thiết bị cấy ghép được gắn vào bộ xử lý bên ngoài, bạn sẽ bắt đầu làm việc với các chuyên gia để học cách "nghe" và xử lý âm thanh bằng cách sử dụng ốc tai điện tử. Các chuyên gia này có thể bao gồm:

-Chuyên gia thính học

-Nhà trị liệu ngôn ngữ

-Bác sĩ tai mũi họng

Đây là một phần rất quan trọng của quy trình. Bạn sẽ cần phải làm việc chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia của mình để có được lợi ích cao nhất từ việc cấy ghép.

Tổng kết

Kết quả của việc cấy ghép ốc tai điện tử rất khác nhau. Bạn làm tốt như thế nào phụ thuộc vào:

-Tình trạng của dây thần kinh thính giác trước khi phẫu thuật

-Khả năng tinh thần của bạn

-Thiết bị đang được sử dụng

-Khoảng thời gian bạn bị điếc

-Kết quả của cuộc phẫu thuật

Một số người có thể học cách giao tiếp qua điện thoại. Những người khác chỉ có thể nhận ra âm thanh. Để đạt được kết quả tối đa có thể mất đến vài năm và bạn cần phải có động lực to lớn. Nhiều người cũng đã đăng ký vào các chương trình phục hồi chức năng nghe và nói để có được kết quả tốt hơn.

Sống với thiết bị cấy ghép

Một khi bạn đã chữa lành hoàn toàn sau phẫu thuật, những hạn chế bạn có thể gặp phải là rất ít. Hầu hết các hoạt động đều được phép diễn ra. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh các môn thể thao tiếp xúc gần để giảm nguy cơ chấn thương cho thiết bị được cấy ghép.

Hầu hết những người được cấy ghép ốc tai điện tử không thể chụp MRI vì thiết bị cấy ghép được làm bằng kim loại.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đeo tai nghe thường xuyên có ảnh hưởng đến thính giác không

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (theo MedicinePlus) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm