Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ù tai có thể là biểu hiện tổn thương nghiêm trọng

Ù tai thường là hậu quả của tình trạng mất thính lực, trong một số trường hợp còn là biểu hiện của những tổn thương nghiêm trọng như mạch máu hoặc u thần kinh, theo bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai.

Ù tai là hiện tượng người bệnh tự nghe thấy âm thanh vô nghĩa ở một hoặc hai bên tai, trong khi âm thanh đó không đến từ môi trường bên ngoài. Ù tai khác với ảo thính là hiện tượng nghe thấy tiếng nói, tiếng nhạc… gặp trong các bệnh lý tâm thần.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính ù tai chiếm khoảng 15% dân số, đặc biệt là ở người cao tuổi. Đây không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Ù tai thường là hậu quả của tình trạng mất thính lực, trong một số trường hợp còn là biểu hiện của những tổn thương nghiêm trọng như mạch máu hoặc u thần kinh.

Ù tai có thể dẫn đến trầm cảm 

Theo ThS Trần Hà Linh, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai, ù tai có thể liên tục hoặc từng lúc, một bên hoặc cả hai tai với biểu hiện đa dạng như: Nghe thấy tiếng ù ù, tiếng vo ve, tiếng sóng biển, tiếng chuông, tiếng gió thổi, tiếng gầm, tiếng lách cách, nhịp đập. 

"Tiếng ù thường nghe rõ và gây khó chịu nhiều hơn trong môi trường yên tĩnh, lúc đi ngủ. Trong một số trường hợp, tiếng ù có thể to đến mức làm bệnh nhân mất tập trung, cản trở giao tiếp, thậm chí dẫn đến trầm cảm" - ThS Linh cho hay.

Ù tai có thể có biểu hiện đơn độc nhưng cũng có thể đi kèm các triệu chứng khác như: nghe kém, đau tai, chóng mặt.

Ù tai được chia thành hai nhóm là chủ quan (tiếng ù chỉ người bệnh nghe được) và ù tai khách quan (tiếng ù có thể được bác sĩ thăm khám phát hiện được).
Vì sao lại ù tai?

Theo BS Linh, có nhiều nguyên nhân gây ù tai. Đơn cử, với tai ngoài, ù tai có thể do bít tắc ống tai ngoài do nút ráy, dị vật, viêm ống tai ngoài.

Trong khi đó, với tai giữa, bệnh nhân ù tai có thể do viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa mạn tính.

Rối loạn chức năng vòi nhĩ (tắc vòi nhĩ, doãng rộng vòi nhĩ); tai giữa có khối u (u cuộn nhĩ, u cuộn cảnh, u màng não...); xốp xơ tai hay co thắt cơ (cơ bàn đạp, cơ búa) cũng gây ù tai. 

Những tổn thương tế bào giác quan ốc tai (tiếng ồn, lão hoá, nhiễm độc thuốc như một số kháng sinh, chống viêm không steroids, thuốc lợi tiểu, điều trị ung thư, …)... cũng gây ù tai, theo BS Linh. 

Ngoài ra, bệnh nhân có tổn thương thần kinh trung ương như: chấn thương sọ não, migraine, tăng huyết áp, dị dạng mạch máu, xơ vữa mạch máu, u góc cầu tiểu não, … cũng là các yếu tố gây nên tình trạng ù tai.

Các bệnh lý của khớp thái dương hàm hay bệnh mạn tính (tiểu đường, tuyến giáp, thiếu máu, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống…) được các bác sĩ "kê" vào danh sách nguyên nhân gây ù tai.

Những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn: búa máy, cưa, nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài, … là đối tượng nguy cơ bị ù tai. Bên cạnh đó, tuổi càng cao nguy cơ ù tai càng nhiều do thoái hoá các sợi thần kinh thính giác.

Đặc biệt, ù tai thường gặp ở nam hơn nữ, đặc biệt là khi có sử dụng rượu bia, hút thuốc lá. Các bệnh lý béo phì, tim mạch, tăng huyết áp, tiền sử chấn thương sọ não, … làm tăng nguy cơ ù tai. 

Đi khám ù tai được tiến hành những bước nào?

Khi bệnh nhân bị ù tai cần đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng. Tại đây, bác sĩ sẽ hỏi bệnh để xác định có đúng bệnh nhân bị ù tai không, một bên hay hai bên, thời gian xuất hiện, đặc điểm tiếng ù, mức độ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và giấc ngủ.

Bác sĩ cũng hỏi bệnh nhân về các triệu chứng kèm theo như nghe kém, chóng mặt, đau đầu; Tiền sử mắc các bệnh nội khoa, chấn thương sọ não, sử dụng rượu bia, thuốc lá, nghề nghiệp tiếp xúc với tiếng ồn.

Bệnh nhân cũng được khám lâm sàng như nội soi tai mũi họng, khám vùng đầu cổ, khám tiền đình và phát hiện các dấu hiệu thần kinh khu trú.

Các bác sĩ, kỹ thuật viên cũng tiến hành đo thính lực đơn âm, thính lực lời cho bệnh nhân để xác định có nghe kém không, loại và mức độ nghe kém.

Đo nhĩ lượng và chức năng vòi nhĩ, ù đồ. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thăm dò khác như chẩn đoán hình ảnh (siêu âm doppler mạch, chụp mạch, chụp cộng hưởng từ sọ não), xét nghiệm máu (phát hiện thiếu máu, rối loạn hormon tuyến giáp, …). 

Để điều trị ù tai, các bác sĩ sẽ đi từ việc điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng này, như lấy ráy tai, vá màng nhĩ, xử lí các tổn thương của tai giữa, tai trong, điều trị các bệnh lý tim mạch, …

Với ù tai, BS Linh cho biết hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ù tai, tuy nhiên một số thuốc có thể giúp giảm mức độ khó chịu thông qua làm tăng tuần hoàn tai trong và hệ thần kinh trung ương, an thần, …

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được đeo máy trợ thính giúp nâng cao sức nghe đồng thời làm giảm mức độ ảnh hưởng của tiếng ù, đặc biệt ở những người ù tai liên quan đến nghe kém do tiếng ồn hoặc lão thính. Ngoài ra, các liệu pháp âm thanh như sử dụng các thiết bị tạo ra âm thanh che lấp tiếng ù cũng có thể được áp dụng. 

Để ngăn ngừa khả năng bị ù tai, BS Linh khuyến cáo người dân hạn chế, tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Trong trường hợp tiếp xúc với tiếng ồn là một trong những yêu cầu của công việc (công nhân trong các công xưởng, …), cần đeo các thiết bị bảo vệ như chụp tai.

Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, cà phê, tránh thuốc lá; Luyện tập nâng cao thể trạng, có chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh béo phì và các bệnh tim mạch.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Lo lắng và ù tai - Những điều cần biết.

T.Nguyên - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm