Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những thắc mắc thường gặp về phát triển ngực ở tuổi dậy thì

Ngực của người phụ nữ có rất nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Không có một tiêu chuẩn nào cho hình dáng và kích thước bầu ngực, ngực bình thường có thể to hoặc nhỏ, mịn màng hay có u cục, sáng màu hoặc tối màu. Đây là những thông tin mà Viện Y học ứng dụng Việt Nam muốn chia sẻ cùng chị em.

Những thắc mắc thường gặp về phát triển ngực ở tuổi dậy thì

Ngực của bé gái sẽ bắt đầu phát triển khi bước vào tuổi dậy thì. Trong suốt quá trình dậy thì, lượng hormone trong cơ thể sẽ thay đổi, khiến ngực bạn gái phát triển hơn và bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc khi nào bạn gái bắt đầu dậy thì và phát triển ngực, bao gồm cả các yếu tố di truyền, cân nặng, mức độ luyện tập thể thao, chế độ dinh dưỡng, căng thẳng và các bệnh mạn tính.

Ngực phát triển như thế nào?

Ngực được cấu tạo từ các mô mỡ và các tuyến tạo sữa, được gọi là tuyến vú. Vùng sẫm màu của ngực, nằm xung quanh núm vú được gọi là quầng vú. Vào giai đoạn dậy thì, ngực bé gái bắt đầu phát triển bằng việc xuất hiện một khối nhỏ nổi gồ lên bên dưới núm vú và quầng vú, đó được gọi là chồi vú. Khi chồi vú lớn hơn và tròn hơn, sẽ là lúc ngực bắt đầu phát triển và bạn sẽ nhìn thấy ngực bé gái khum khum như hình chũm cau.

Khi ngực bạn càng phát triển, quầng vú sẽ trở nên rộng hơn và sẫm màu hơn. Màu của quầng vú có thể nâu nhạt hoặc nâu thẫm, núm vú có thể có màu từ nhạt (hồng nhạt) cho đến màu đỏ tía hoặc đỏ tươi tùy thuộc vào màu da của bạn.

Khi nào ngực sẽ bắt đầu phát triển?

Ngực sẽ bắt đầu phát triển khi bạn bước vào tuổi dậy thì và lượng hormone trong cơ thể bạn thay đổi. Các yếu tố về di truyền, dinh dưỡng, luyện tập, lối sống hoặc các bệnh mạn tính sẽ quyết định khi nào bạn bắt đầu dậy thì và phát triển ngực. Đa số các bé gái sẽ bắt đầu phát triển ngực khi 9 hoặc 10 tuổi, nhưng một số bé gái khác có thể sẽ phát triển ngực sớm hơn hoặc muộn hơn độ tuổi này.

Mất bao lâu để có ngực hoàn chỉnh?

Với mỗi người thì khoảng thời gian để ngực phát triển hoàn chỉnh sẽ khác nhau, trung bình là từ 3 – 5 năm. Tuổi bắt đầu phát triển ngực sẽ không quyết định được kích thước ngực của bạn. Nếu bạn phát triển ngực sớm hơn so với bạn bè, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ có bộ ngực to hơn.

Mọi người có phát triển ngực vào cùng một khoảng thời gian không?

Câu trả lời là: Không. Mỗi bé gái đều có một “chiếc đồng hồ” riêng cho quá trình dậy thì nói chung và phát triển ngực nói riêng.

Mặc dù đa số các bé gái sẽ phát triển ngực khi khoảng 11-12 tuổi, nhưng một số lại bắt đầu phát triển ngực khi mới 7-8 tuổi và một vài bạn gái đến tận 15 tuổi mới phát triển ngực. Nhìn chung đó vẫn là các thời điểm phát triển ngực hoàn toàn bình thường. Một số bé gái thường xuyên tập thể dục, nhảy múa hoặc luyện tập thể thao nhiều có thể sẽ dậy thì muộn hơn một chút. Và chủng tộc cũng có thể ảnh hưởng đến dậy thì và phát triển ngực, người châu Á có thể dậy thì sớm hơn người châu Âu và các vùng lạnh giá.

Và cho dù là người đầu tiên hay là người cuối cùng trong lớp phát triển ngực thì đó cũng là một giai đoạn khó khăn với các bé gái. Đừng tự tìm cách một mình che giấu sự phát triển của ngực như mặc quần áo rộng, mặc nhiều áo...Và cũng đừng tự ti về việc dường như mình phát triển ngực sớm hơn các bạn khác vì nếu bạn phát triển sớm hơn một chút thì các bạn gái khác sẽ nhanh chóng “đuổi kịp” bạn thôi.

Hãy bỏ qua ngượng ngùng để nói chuyện với bố mẹ hoặc người lớn mà bạn tin tưởng( chị gái, bạn gái, cô giáo...) và nói với họ về cảm nhận của bạn. Họ sẽ trợ giúp cho bạn nhiều hơn là bạn nghĩ đấy.

Tuy nhiên, nếu bạn đã 13- 14 tuổi mà vẫn chưa phát triển ngực chút ít nào thì bạn nên nói với cha mẹ để được đi khám bác sỹ.

Có thể làm gì để tăng kích thước vòng 1?

Yếu tố di truyền là yếu tố quan trọng nhất quyết định hình dáng và kích thước ngực của bạn. Không cần bôi kem, không cần luyện tập đặc biệt hay một loại quần áo nào có thể thay đổi, làm lớn lên hoặc nhỏ đi số đo vòng 1 của bạn cả.

Ngực của bạn có thể sẽ thay đổi nếu bạn tăng/giảm cân, sau khi mang thai, sinh con và nuôi con. Nhưng đa phần, khi bạn kết thúc tuổi dậy thì kích thước ngực của bạn sẽ gần như giữ nguyên cho đến cuối đời.

Và, kích thước ngực cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến việc liệu một người phụ nữ có thể cho con bú bằng sữa mẹ hay không. 

Khi nào và làm cách nào ngực sản xuất ra sữa?

Bên trong ngực của mỗi người phụ nữ có những túi rất nhỏ, gọi là các nang sữa. Sau khi sinh con, hormone được tiết ra từ cơ thể bạn sẽ phát tín hiệu cho các nang này để sản xuất ra sữa.

Sữa mẹ được tạo ra nhờ phản xạ tiết sữa hay còn gọi là phản xạ Prolactin: khi em bé mút núm vú của mẹ, hành động mút sẽ kích thích bài tiết Prolactin từ tuyến yên trên não bộ, Prolactin sẽ "điều khiển" nang sữa tạo ra sữa, đi qua các ống dẫn sữa đến núm vú. Đồng thời, phản xạ xuống sữa hay phản xạ Oxytocin (1 loại hormon của tuyến yên) cũng diễn ra để thúc đẩy sữa từ các nang sữa về núm vú, hay còn gọi là sự xuống sữa.

Càng cho em bé bú nhiều, Prolactin và Oxytocin càng được sinh ra nhiều và từ đó kích thích tạo ra sữa cho nhu cầu của em bé. Vì vậy, hãy luôn tin tưởng rằng cơ thể bà mẹ sẽ sản xuất đủ lượng sữa cần thiết cho em bé bú.

Khi người phụ nữ ngừng cho con bú, các hormone Prolactin và Oxytocin sẽ giảm dần do vậy các nang sẽ dần dần ngưng việc sản xuất sữa và cuối cùng là hết hẳn sữa.

Hai bên ngực phát triển không đều nhau có phải là bất thường không?

Trong giai đoạn phát triển, việc 2 bên ngực phát triển không đều nhau là rất bình thường. Thông thường, chúng sẽ trông đều nhau khi giai đoạn phát triển kết thúc. Nhưng vẫn có nhiều phụ nữ có 2 bên ngực không đều nhau. Nếu hai bên ngực của bạn không đều nhau và điều này làm phiền bạn, bạn có thể sử dụng các miếng lót phù hợp với áo ngực hoặc đồ tắm của bạn.

Sẽ mất từ 3-5 năm để kết thúc việc phát triển ngực và nếu khi đó kích thước hai bên ngực có thể khác nhau một cách quá rõ ràng và bạn cảm thấy không hài lòng về sự khác biệt này, bạn có thể nói chuyện với bác sỹ về việc phẫu thuật thẩm mỹ để tạo cân bằng cho 2 bên ngực. Bạn nên cân nhắc thật kỹ càng trước khi phẫu thuật về lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật.

Ngực của tôi rất to và điều này làm lưng của tôi bị đau vì ngực quá nặng. Ngực to cũng làm việc luyện tập thể thao trở nên khó khăn hơn. Phải làm gì?

Một số em gái thấy rằng ngực của mình quá to. Thông thường, các em không lo lắng về vẻ bề ngoài của mình mà thường cảm thấy rất phiền vì bị đau ngực, đau lưng, đau vai, những vết lằn ở trên vai do dây áo ngực, phát ban, các vấn đề về da ở phía dưới ngực hoặc những khó khăn khi luyện tập thể thao. Các em cũng có thể sẽ cảm thấy tự ti vì có nhiều người trêu chọc về bộ ngực của mình.

Nếu ngực của bạn quá to, thì bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Đầu tiên, tìm một chiếc áo ngực phù hợp, có thể hỗ trợ tốt nhất cho ngực của bạn. Hãy mua những chiếc áo ngực có vai áo rộng và có hỗ trợ ở phần bầu ngực
  • Nếu bạn bị thừa cân, hãy áp dụng các biện pháp để có cân nặng hợp lý
  • Lựa chọn cuối cùng là phẫu thuật. Loại phẫu thuật này sẽ loại bỏ một số mô ngực thừa. Quyết định phẫu thuật là một quyết định vô cùng quan trọng. Do vậy, bạn nên trao đổi với bác sỹ để được cung cấp thông tin một cách đầy đủ nhất.
Việc có lông xung quanh núm vú có bình thường không?

Một số bạn gái sẽ có lông phát triển quanh núm vú. Điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu những sợi lông này làm phiền bạn, tốt nhất, bạn nên dùng một chiếc kéo nhỏ và cắt ngắn chúng đi. Cạo hoặc nhổ lông có thể sẽ gây nhiễm trùng.

Núm vú bị tụt vào trong có bình thường không?

Nếu núm vú của bạn tụt vào trong, rất có thể bạn đã bị “đảo ngược núm vú”. Khoảng 10-20% số bạn gái sẽ bị đảo ngược núm vú ở ít nhất một bên ngực. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Nếu núm vú tụt vào trong, việc vệ sinh vú sẽ vô cùng quan trọng để tránh nhiễm trùng ở những nếp gấp xung quanh núm vú.

Tuy nhiên, bạn cần hỏi kinh nghiệm của mẹ, chị gái, hoặc bác sỹ để khắc phục điều này bằng những biện pháp đơn giản như kéo, nắn, xoa bóp.. để núm vú của bạn ra ngoài như bình thường. Vì điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nhưng việc núm vú ngắn hoặc tụt vào bên trong sẽ cản trở việc bạn nuôi con bằng sữa mẹ sau này

Nếu núm vú của bạn đang bình thường lại bỗng nhiên bị tụt vào trong, thì bạn nên đến gặp bác sỹ ngay.

Mẩn đỏ quanh núm vú và ở ngực có phải là dấu hiệu bị nhiễm trùng không?

Thông thường, là có. Mẩn đỏ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, đặc biệt là nếu ngực sưng và căng tức, chảy dịch hoặc bạn bị sốt. Bạn có thể cũng sẽ bị mẩn đỏ ở phía dưới ngực, thường là do nóng trong hoặc nhiễm nấm. Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào ở trên, hãy liên lạc với bác sỹ ngay. Đôi khi, lỗ chân lông quanh núm vú cũng có thể bị nhiễm trùng. Khi việc này xảy ra, sẽ có một hoặc nhiều vết phồng rộp màu đỏ xuất hiện, gọi là viêm nang lông.

Bất cứ khi nào phát hiện thấy những mẩn đỏ, nhiễm trùng, đau tức, hãy đừng ngần ngại đi đến gặp bác sỹ.

Đau ngực hoặc căng tức ngực có bình thường không?

Bạn có thể sẽ cảm thấy ngứa râm ran hoặc đau ở ngực khi chồi vú bắt đầu phát triển. Sau khi bạn bắt đầu có kinh, bạn sẽ nhận thấy ngực sưng lên hoặc căng tức trong vài ngày trước khi chu kỳ đến hàng tháng nhưng không phải tất cả phụ nữ đều bị sưng đau ngực.

Nếu ngực của bạn căng tức, bạn có thể đến gặp bác sỹ. Bác sỹ có thể sẽ kê đơn thuốc (ví dụ như ibuprofen) để làm giảm triệu chứng này. Một số bạn gái khác sẽ thấy triệu chứng giảm đi nếu uống viên tránh thai hàng ngày với liều thấp. Loại bỏ caffeine không được chứng minh khoa học là có tác dụng, nhưng một số bạn gái sẽ thấy đỡ đau hơn sau khi ngưng sử dụng caffeine.

Có dịch chảy ra từ núm vú?

Dịch chảy ra từ một (hoặc hai bên) núm vú có nghĩa là ngực của bạn bị viêm, hay cũng có thể là do bạn bị mất cân bằng hormone.

Khi sữa chảy ra từ ngực của một người phụ nữ không nuôi con thì sẽ được gọi là chảy sữa. Tình trạng này có thể là do sử dụng một số loại thuốc, ví dụ như thuốc tránh thai hoặc thuốc chống trầm cảm, do đang mang thai hoặc gần đây có mang thai, do lượng hormone tuyến giáp thấp, tổn thương ngực hoặc u tuyến yên lành tính.

Nếu cơ thể sản xuất ra quá nhiều prolactin, 1 hormon có tác dụng kích thích tuyến sữa và tiết sữa - thì cũng sẽ xuất hiện hiện tượng dịch trắng chảy ra từ núm vú.

Dịch màu nâu hoặc có máu có thể là do các ống dẫn sữa bị giãn hoặc do polyp nhỏ ở ống dẫn sữa hoặc ở tuyến dưới quầng vú. Một chút dịch màu vàng cũng có thể sẽ chảy ra khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn nên đến khám bác sỹ nếu bạn bị chảy dịch từ vú và/hoặc đau tức ngực, sưng đỏ và/hoặc sốt.

Thông tin thêm trong bài viết: Những thắc mắc về vùng kín ở tuổi dậy thì

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Youngwomenshealth
Bình luận
Tin mới
  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

Xem thêm