Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những tác dụng phụ của xạ trị có thể gặp khi điều trị ung thư

Người mắc ung thư được chỉ định xạ trị thường lo lắng không biết có thể gặp những vấn đề sức khỏe gì không. Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể gặp trong và sau xạ trị.

Do xạ trị là một phương pháp điều trị tại chỗ tại vùng nên tác dụng phụ cũng thường giới hạn ở những khu vực được xạ. Những biến chứng sớm của tia xạ có thể xuất hiện trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi bắt đầu điều trị và có thể tiếp tục trong 5, 6 tuần sau khi kết thúc điều trị. Những tác dụng phụ khác có thể không xuất hiện cho đến vài tháng, hoặc thậm chí vài năm sau đó. Sau đây là những tác dụng phụ xạ trị thường gặp và cách hạn chế.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, xạ trị chữa ung thư nhưng nguyên nhân chính xác của nó thì vẫn chưa được biết. Đôi khi, các khối u làm cho hệ miễn dịch tạo ra những chất gây mệt mỏi. Mệt mỏi có thể do thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu), suy dinh dưỡng, đau, tác dụng phụ của những thuốc như corticoid, hóa trị, trầm cảm và stress gây ra.

Mệt mỏi là một tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, xạ trị.

Không có cách điều trị đơn độc cho triệu chứng này nhưng nếu như có thể tìm ra được nguyên nhân thì nên điều trị nó. Chẳng hạn như mệt mỏi một phần được gây ra bởi tình trạng thiếu máu, nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy khá hơn sau khi được truyền máu, hoặc được cho những loại thuốc kích thích cơ thể tạo ra nhiều hồng cầu hơn.

Những bài tập thể dục từ nhẹ đến vừa kèm với giai đoạn nghỉ ngơi thường xuyên có thể là một phần trong chương trình làm giảm mệt mỏi. Hãy trao đổi với bác sĩ về điều này và những các điều trị khác có thể hữu ích cho bạn.

Da

Những tiến bộ trong các phương pháp xạ trị chữa ung thư hiện đại ngày nay có thể ít gây tổn thương da hơn những phương pháp xạ trị cổ điển trước đây do hầu hết liều xạ trị được đưa vào dưới bề mặt da.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cảm thấy da bị đáp ứng sớm với điều trị. Trong vòng 2 tuần đầu điều trị, bạn có thể cảm thấy da đỏ nhẹ. Da có thể trở nên mềm và nhạy cảm. Triệu chứng khô da, viêm da, đỏ da, bong da có thể xuất hiện trong 3, 4 tuần sau. Sau đó, da của bệnh nhân sau điều trị có thể trở nên sạm hơn. Điều này là do tác dụng của phóng xạ trên các tế bào sản xuất sắc tố của da.

Những tiến bộ trong các phương pháp xạ trị hiện đại ngày nay có thể ít gây tổn thương da hơn.

Da có thể trở nên khô và ngứa. Làm ẩm da bằng dầu lô hội, lanolin hoặc vitamin E có thể hữu ích. Trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào trên da trong khi điều trị, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xạ trị xem chúng có an toàn không.

Một số mỹ phẩm có thể dùng tốt sau khi kết thúc điều trị nhưng lại làm tình trạng xấu đi nếu dùng trong khi điều trị. Tránh dùng nước hoa, chất khử mùi và thuốc bôi trên da có chứa cồn hoặc nước hoa.

Ngoài ra cũng nên tránh bột phấn trừ khi đã được bác sĩ đồng ý. Tránh xa ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt. Nếu bạn cần phải đi ra ngoài, hãy đội mũ và mặc quần áo có thể bảo vệ da được. Khoảng một tháng sau điều trị, một số bệnh nhân xạ trị có thể cảm thấy bị bong da, lột da và chảy nước ở khu vực điều trị. Hãy thông báo với bác sĩ nếu gặp những hiện tượng này.

Những hậu quả của xạ trị xuất hiện trễ hơn có thể là làm mỏng da. Da có thể cảm thấy cứng, đặc biệt là nếu như bệnh nhân đã được phẫu thuật trên cùng một vị trí. Một số bệnh nhân gặp rắc rối với quá trình lành vết thương ở khu vực được điều trị.

Rụng tóc

Lông và tóc có thể bị rụng ở vùng bị tia xạ. Hầu hết tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị. Khi mọc trở lại, tóc của bạn có thể mỏng hơn hoặc có kết cấu khác so với trước đây. Hãy trao đổi với bác sĩ ung thư của bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc mối quan tâm về rụng tóc.

Hầu hết tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị.

Nếu bạn bị rụng tóc, da đầu của bạn có thể bị mềm và bạn có thể muốn che đầu của bạn. Đội mũ hoặc quàng khăn để bảo vệ đầu khi ra nắng. Nếu bạn muốn đội tóc giả, hãy chắc chắn rằng lớp lót không kích ứng da đầu của bạn.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Cách đối phó với tác dụng phụ khi điều trị ung thư vú di căn.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm