Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những sai lầm về vệ sinh mà bạn thường xuyên mắc phải

Bạn có cần phải tắm hàng ngày hay không? Rửa tay với xà phòng và nước nóng có tốt hơn hay không? Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu.

Hiểu lầm số 1: Bạn cần sử dụng tăm bông để làm sạch tai của mình?

Tăm bông được sáng tạo ra vào năm 1923. Tuy nhiên, các chuyên gia về tai mũi họng đều đồng ý rằng, bạn không cần phải sử dụng tăm bông để làm sạch tai của mình, thậm chí việc này còn không an toàn đối với tai. Ống tai có cấu trúc có thể tự làm sạch. Mặc dù tai sẽ thường xuyên tạo ra ráy tai và các tế bào chết, nhưng ống tai có cấu trúc để những chất này có thể tự di chuyển ra ngoài mà không tích tụ lại bên trong tai. Ngoài ra, ráy tai còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn và giữ ẩm cho tai. Do vậy, việc sử dụng tăm bông là không cần thiết để làm sạch tai vì tăm bông có thể sẽ gây tổn thương cho tai. Vùng da ở trong tai rất mong, và rất dễ rách nên nếu tăm bông tạo ra các vết rách, dù là rất nhỏ trong tai cũng có thể dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng.

Hiểu lầm số 2: Thụt rửa sẽ giúp làm sạch âm đạo của bạn.

Cũng giống như tai, âm đạo có khả năng tự làm sạch. Nghe có vẻ khá ấn tượng, đúng không nào? Thụt rửa âm đạo xuất phát từ khoảng thế kỷ 19 với các mục đích như để tránh thai, tiêu diệt vi khuẩn hoặc để dự phòng nhiễm trùng. Tuy nhiên, chưa có bất cứ bằng chứng nào ủng hộ những tác dụng này của việc thụt rửa cả.

Trên thực tế, thụt rửa thường sẽ gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường tự nhiên ở âm đạo và làm thay đổi độ pH của âm đạo. Do vậy, đa phần cac bác sĩ không khuyến khích việc làm này. Thụt rửa sẽ làm tưang nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo, viêm vùng chậu và mang thai ngoài tử cung. Hành động này cũng không cần thiết và sẽ khiến bạn dễ mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục hơn. Ngoài ra, thụt rửa trong khi mang thai có thể gây chuyển dạ sớm.

Hiểu lầm số 3: Nên rửa tay với nước nóng?

Đúng là nước nóng/nước sôi sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc rửa tay với nước nóng là cần thiết cả. Rửa tay với nước ấm là đủ và có hiệu quả tương tự như với nước nóng. Ngoài vấn đề liên quan đến nhiệt độ, yếu tố quan trọng nhất là rửa tay với xà phòng. Chà xà phòng/dung dịch rửa tay lên bàn tay và sau đó xả sạch với nước để xà phòng có thể giúp rửa trôi toàn bộ bụi bẩn. Tất nhiên, bạn cũng nên lưu ý về yếu tố thời gian: rửa tay ít nhất 20 giây mỗi lần.

Hiểu lầm số 4: Quy tắc 5s khi đánh rơi đồ ăn?

Nhiều người cho rằng, nếu đồ ăn chẳng may rơi xuống đất và được nhặt lên ngay và thời gian tiếp xúc với đất không quá 5s thì đồ ăn đó vẫn an toàn. Tuy nhiên, khi đồ ăn đã rơi xuống đất, thì dù là chỉ 1s thôi cũng có thể gây nguy hiểm nếu ăn vào. Vi khuẩn có thể tấn công đồ ăn ngay khi đồ ăn vừa chạm xuống đất. Thời gian tiếp xúc với đất càng lâu, càng nhiều vi khuẩn có thể sẽ tấn công, do vậy không thể cho rằng dưới 5s thì đồ ăn sẽ không bị nhiễm bệnh được. Điều này đặc biệt đúng nếu bề mặt tiếp xúc không được vệ sinh hoặc làm sạch thường xuyên.

Hiểu lầm số 5: Bạn cần phải tắm rửa hàng ngày?

Nhiều người cho rằng, bạn không nhất thiết phải tắm rửa hàng ngày. Nếu bạn thấy phần nào trên cơ thể bị bẩn, bạn có thể tắm rửa, nhưng nếu không bị bẩn thì bạn không nhất thiết phải tắm. Một số vị trí cần được làm sạch thường xuyên bao gồm hậu môn, gót chân, vú/ngực. Quan điểm này thậm chí còn được nhiều người nổi tiếng ủng hộ. Một điều khá bất ngờ với nhiều người là nhiều chuyên gia, bác sĩ cũng ủng hộ quan điểm này. Tắm hàng ngày có thể sẽ khiến da bạn bị khô và xà phòng diệt khuẩn cũng có thể tiêu diệt hệ vi sinh tự nhiên có trên da. Đặc biệt, với những người mắc các vấn đề về da liễu như viêm da tiếp xúc thì càng không nên tắm rửa hàng ngày. Không tắm rửa hàng ngày cũng không gây ra vấn đề gì về sức khỏe cả. Không tắm rửa đủ có thể dẫn đến mùi cơ thể và nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn, tuy nhiên, không cần thiết phải tắm hàng ngày trừ khi người bạn rất bẩn. Tắm vài lần một tuần là đủ để đảm bảo và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tạo thói quen rửa tay cho trẻ
Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Theo everydayhealth) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm