Giải cứu bàn chân đái tháo đường
TS.BS.Trần Quang Nam - Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV. ĐHYD) cho biết biến chứng loét chân do đái tháo đường là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị đái tháo đường. Ước tính hàng năm có khoảng 1 - 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10 - 15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân. Tuy nhiên, tỉ lệ loét chân cao hơn ở những người có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, người bệnh kiểm soát đường huyết kém hoặc người bệnh có những biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.
Ca bệnh điển hình
BV. ĐHYD vừa tiếp nhận trường hợp bác N.T.L, 65 tuổi, quê ở Vĩnh Long, bị đái tháo đường týp 2 đến nay đã 18 năm. Ban đầu, người bệnh xuất hiện những triệu chứng mỏi chân, nặng chân, châm chích chân, đau bắp chân khi đi bộ khoảng 400m. Sau đó 2 tuần, ngón thứ 5 bàn chân phải của bác L. diễn biến hoại tử nặng và được chỉ định cắt bỏ khi nhập viện địa phương. Tuy nhiên, sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử chân của người bệnh không chấm dứt mà còn lan sang ngón chân 3 và 4. Bác L. được chuyển lên điều trị tại BV. ĐHYD. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch. Các bác sĩ BV. ĐHYD đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và ngón chân hoại tử. Sau 12 tuần chăm sóc và theo dõi, vết thương của bác L. đã lành hoàn toàn.
Người bệnh đái tháo đường bị loét chân
Quy trình phối hợp liên chuyên khoa
TS.BS. Trần Quang Nam nhận định trong trường hợp này, bác L. có biến chứng tắc mạch máu kèm theo vết loét, nhưng ban đầu tình trạng bệnh chưa được chẩn đoán đầy đủ và thiếu sự phối hợp điều trị từ các chuyên khoa nên việc cắt lọc ngón chân cũng không chấm dứt hoại tử. BV. ĐHYD đã triển khai quy trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa đối với vấn đề bàn chân đái tháo đường. Đây là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỉ lệ phải đoạn chi tới trên 50%. Cụ thể, xử trí vấn đề hẹp tắc mạch máu luôn cần phải xem xét đầu tiên trước khi thực hiện các phẫu thuật cắt lọc vết loét. Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu giúp vết thương lành nhanh hơn, tiếp theo bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc tạo hình có vai trò quan trọng để cắt lọc mô hoại tử, ghép da và chỉnh hình biến dạng bàn chân. Chuyên khoa nội tiết đái tháo đường giúp người bệnh điều trị ổn định đường huyết, dùng kháng sinh, chăm sóc vết loét trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, điều dưỡng sẽ tích cực thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn người bệnh tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc. Sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ và liên tục của các chuyên khoa trong phương pháp điều trị loét chân do đái tháo đường, cùng những tiến bộ y học cho ra đời nhiều loại kháng sinh thế hệ mới để kiểm soát nhiễm trùng đã giúp tỉ lệ cứu sống chi cao gấp 3 lần so với trước đây.
ThS.BS. Lê Thanh Phong - Khoa Lồng ngực Mạch máu BV. ĐHYD cho biết cứ 2 người bị loét bàn chân đái tháo đường thì có 1 người cần tái thông động mạch để làm lành vết loét. Có 2 cách tái thông bao gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật bắc cầu. Những người bệnh loét chân do đái tháo đường thường có nhiều bệnh nặng kèm theo, nên không phù hợp để phẫu thuật. Do đó, hiện nay can thiệp nội mạch là sự lựa chọn đầu tiên cho dạng bệnh này. Chỉ tê tại chỗ và qua một vết đâm kim qua da, không gây đau đớn và mất máu, kỹ thuật can thiệp nội mạch có thể giúp phục hồi đến 90% các động mạch bị tắc nghẽn, giúp làm lành nhanh chóng vết thương bàn chân đái tháo đường.
Có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết
ThS.BS. Nguyễn Phúc Thịnh - Khoa Chấn thương chỉnh hình BV. ĐHYD chia sẻ, cắt lọc đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các nhiễm trùng sâu của bàn chân đái tháo đường, giúp loại bỏ mô hoại tử, thoát lưu mủ, giảm thiểu nguy cơ lan rộng, giải phóng áp lực các khoang nhiễm trùng. Với các trường hợp nhiễm trùng sâu bàn chân, người bệnh cần được cắt lọc sớm.
Phòng tránh và chăm sóc bàn chân đái tháo đường
Các bác sĩ cũng khuyến cáo các biến chứng của đái tháo đường nói chung và biến chứng bàn chân nói riêng tuy rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ và không nên bỏ qua dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể. Bệnh nhân cần bỏ thuốc lá; chọn giày vớ thích hợp, mang giày và vớ ngay cả khi ở trong nhà; giữ chân sạch và ẩm: lau chân bằng nước ấm, không ngâm chân, giữ ẩm bằng vaselin - tránh thoa vào vòng kẽ ngón; cắt móng chân cẩn thận bằng kìm chuyên dụng mỗi tuần 1 lần, dũa tròn các góc và khóe móng; dùng đá bọt để mài vết chai và dùng thuốc tiêu sừng; tập vận động để tăng cường máu nuôi, kê chân cao khi ngồi và tránh bắt chéo chân lâu.
Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Phương pháp điều trị bàn chân đái tháo đường mới hiện nay có sự phối hợp nhiều liên chuyên khoa như nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, phục hồi chức năng… sẽ giúp giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ người bệnh phải đoạn chi do đái tháo đường.
Rất nhiều người trong quá trình giảm cân có xu hướng cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ ăn. Biện pháp này có hiệu quả không và nên làm gì để giảm cân an toàn?
Mùa hè thường gắn liền với những trải nghiệm tích cực như ánh nắng rực rỡ, các hoạt động ngoài trời và kỳ nghỉ thư giãn. Tuy nhiên, thời tiết oi bức kết hợp với độ ẩm cao cũng khiến mùa hè trở thành thời điểm dễ phát sinh các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Để hạn chế tình trạng loãng xương cơ thể cần cung cấp đủ vitamin D và canxi theo nhu cầu của từng lứa tuổi qua chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng và giàu canxi.
Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ nhỏ đang ở giai đoạn phát triển thể chất và thần kinh lại là nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất.
Quả vải tuy ngon miệng và bổ dưỡng nhưng cũng cần đi lưu ý một số điều khi ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là với một số đối tượng.
Thời tiết thất thường có khiến bạn cảm thấy khó chịu. Trời mưa bạn sẽ cảm thấy buồn chán còn trời nắng bạn sẽ cảm thấy vui tươi hơn. Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao cảm xúc của bạn luôn thay đổi khi thời tiết thay đổi hay chưa? Đặc biệt là vào lúc giao mùa? Vậy hãy cùng Viện Y học ứng dụng tìm hiểu thêm với bài viết dưới đây
Ăn rau quả nhiều màu sắc hay còn gọi là 'ăn cầu vồng' không chỉ đơn giản là cách trang trí món ăn hấp dẫn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dengue gây ra, lây lan chủ yếu qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti. Mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trẻ nhỏ lại là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch còn non yếu.