Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng tình trạng căng thẳng và trầm cảm ở phụ nữ mang thai

Một nghiên cứu mới cho biết căng thẳng lo lắng và trầm cảm ở phụ nữ mang thai đã gia tăng đột biến trong thời gian đại dịch COVID-19. Điều này làm dấy lên những lo ngại mới đối với y tế của mỗi quốc gia.

Sức khỏe tâm thần của phụ nữ mang thai trong thời kỳ đại dịch

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một trong những yếu tố chính trong thời gian đại dịch dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần phát sinh ở các bà mẹ mang thai chính là việc không thể đặt lịch hẹn khám thai định kỳ, cũng như được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe khác. Các chuyên gia Trung tâm Khoa học Não bộ - trường Đại học Essex đã chỉ ra rằng việc duy trì sức khỏe của bà mẹ mang thai trong quá trình mang thai hay sau khi sinh là cực kỳ quan trọng, và những gián đoạn do đại dịch khiến quá trình này trở nên trắc trở và kéo theo các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất cho trẻ sơ sinh cũng rất cần được quan tâm, và đương nhiên các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể kéo dài cả sau sinh và ảnh hưởng đến nhóm đối tượng này.

Một trong những kết quả nghiên cứu ghi nhận được là tỷ lệ căng thẳng lo lắng cao kỷ lục: 60% ở phụ nữ mang thai, tăng vọt so với tỷ lệ ban đầu trước đại dịch là 37%. Tỷ lệ các bà mẹ mang thai báo cáo gặp phải trầm cảm trước đại dịch là 17%, nhưng đã tăng lên 30% và cuối cùng là 47% tính đến hiện tại.

Các chuyên gia tâm lý học đã kiểm tra dữ liệu thu thập từ 150 phụ nữ mang thai trong đại dịch COVID-19, từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, ngay trước khi các chương trình tiêm chủng toàn cầu bắt đầu. Ngoài ra, các tổn thương gặp phải trước khi sinh - một trong những tình trạng gây ảnh hưởng tâm lý phổ biến trong thời kỳ đại dịch, cũng được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần trong thời gian này.

Khắc phục trở ngại về tâm lý cho bà mẹ mang thai là điều cần thiết

Các chuyên gia giải thích rằng mặc dù những phát hiện trong nghiên cứu có thể trùng khớp với kết quả của các nghiên cứu khác giữa tâm trạng của bà mẹ mang thai và những ảnh hưởng trong mối quan hệ giữa mẹ và con, nhưng những kết quả mới vẫn góp phần củng cố quan điểm cần sự hỗ trợ cho các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và thời kỳ sau khi sinh. Ngoài ra, các phương án hỗ trợ xã hội cũng có thể mang đến những tích cực cho sức khỏe tinh thần của các bà mẹ mang thai và cải thiện sức khỏe toàn bộ thai kỳ.

Bên cạnh những phương pháp cải thiện từ phía cộng đồng, gia đình, bạn bè là những nguồn động viên và trợ giúp đắc lực nhât. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sự giúp đỡ đơn giản, bạn bè, gia đình và các dịch vụ y tế được coi như một yếu tố bảo vệ và giảm nguy cơ rủi ro ở phụ nữ mang thai.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ngày càng tăng trong đại dịch COVID-19, và nhóm đối tượng đặc biệt này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần về cơ bản gây ra những trở ngại nhất định và thậm chí làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và con. Bên cạnh đó, khủng hoảng tinh thần còn làm tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến kết quả khi sinh và trong quá trình phát triển của thai nhi.

Một số biện pháp đơn giản mà các bà mẹ có thể thực hiện nhằm vượt qua căng thẳng, lo âu trong thời gian này như:

  • Thực hiện các lựa chọn lối sống lành mạnh. Ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đầy đủ bao gồm cả các hoạt động thể chất.
  • Chăm sóc bản thân. Nên dành thời gian chăm sóc bản thân, làm những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân.
  • Giảm căng thẳng. Tìm và đọc các thông tin từ các nguồn tin chính thống đáng tin cậy, cũng như tuân thủ theo những khuyến nghị mà các bác sĩ đưa ra.
  • Chia sẻ yêu thương. Lan tỏa tình yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau và truyền đi những thông điệp tích cực không chỉ là việc tốt mà còn khiến bản thân cảm thấy tốt hơn và tạo ra sự khác biệt cho những người khác.

Tổng kết

Căng thẳng và lo âu trong thời gian đại dịch COVID-19 là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải, đặc biệt là các bà mẹ mang thai khi đây là khoảng thời gian khó khăn. Việc cải thiện sức khỏe tâm thần là rất cần thiết, khi mà những vấn đề sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Do vậy, việc chăm sóc và hỗ trợ bà mẹ mang thai nên được ưu tiên hàng đầu trong thời gian này.

Tham khảo thêm thông tin tại: Ung thư, COVID-19 và những ngày nghỉ: Đối phó với căng thẳng của mùa lễ hội

 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Sciencetimes) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm