Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

COPD đợt cấp là gì?

COPD là tên gọi tắt của Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do quá trình tổn thương lâu dài của phổi. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng thông khí của phổi, và đôi khi các bác sĩ có thể nói với bạn dưới cái tên hội chứng khí phế thũng hoặc viêm phế quản mạn tính.

COPD đợt cấp là gì?

Có thể bạn đã từng nghe đến cụm từ COPD đợt cấp, hay đợt cấp COPD. Đây là cụm từ mô tả tình trạng các triệu chứng đột nhiên tiến triển nặng nề và tồi tệ hơn nhiều so với hàng ngày, và buộc những người gặp phải tình trạng này phải  tìm đến sự chăm sóc của y tế.

Các đợt cấp COPD có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, bởi chúng có thể gây phá hủy các tổ chức trong phổi. Việc phòng tránh và giảm nhẹ các triệu chứng của những đợt cấp này là đặc biệt cần thiết, giúp tăng chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh.

Các triệu chứng của đợt cấp COPD

Đối với những người đang sống chung với bệnh, triệu chứng dễ thấy nhất là khó thở. Điều này dẫn đến những người này không thể làm những việc mà người không mắc COPD vẫn làm. Đặc biệt trong các đợt cấp COPD, các triệu chứng có thể tồi tệ hơn bình thường rất nhiều.

Một số triệu chứng điển hình của đợt cấp bao gồm:

  • Thở nhanh và nông (không hít sâu và thở dài được), như thể bạn vừa tập luyện hay vận động rất mạnh
  • Ho
  • Cảm thấy khó thở trong bất cứ một hoạt động cơ bản nào, như chỉ đi từ phòng này sang phòng khác cũng thấy khó thở
  • Cảm thấy buồn ngủ quá mức, bối rối
  • Mức oxi trong máu dưới mức bình thường
  • Thở khò khè nhiều hơn mức bình thường
  • Dịch đờm ngày càng nhiều, và có nhiều màu sắc như vàng, xanh, nâu thẫm hay thậm chí có máu

Khi nào đợt cấp COPD tới mức phải cấp cứu?

Đối với những người gặp phải đợt cấp COPD, khả năng làm việc của phổi không còn đảm bảo. Quá trình hấp thu khí oxi và đào thải khí carbonic không còn được linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Điều này dẫn tới việc cơ thể thiếu hụt oxi và tích tụ thừa lượng khí carbonic, và nếu thừas quá nhiều có thể dẫn đến tử vong. Một số triệu chứng của tình trạng dư thừa khí carbonic quá nhiều có thể kể đến như:

  • Lú lẫn
  • Đau đầu dữ dội
  • Đi lại khó khăn dù chỉ là một đoạn ngắn
  • Khó điều khiển hơi thở bản thân

Nếu những triệu chứng này xảy ra, bạn cần tìm đến sự chăm sóc của y tế ngay lập tức.

Khi nào xảy ra các đợt cấp COPD?

Các đợt cấp COPD thông thường có nguyên nhân đến từ các nhiễm trùng tại phổi. Các tác động kích thích hay sự lây nhiễm cũng có thể gây ra quá trình viêm. Có thể kể đến như:

  • Viêm phổi
  • Cúm
  • Dị ứng theo mùa
  • Ô nhiễm không khí
  • Khói thuốc

Nếu bản thân bạn đang sống chung với COPD, điều quan trọng là bạn cần phải thực hiện các bước cần thiết để tránh xa tốt nhất có thể trước tình trạng nhiễm trùng phổi, ví dụ như tiêm vaccine cúm hay vaccine phế cầu đều đặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì vẫn có khoảng 33% các đợt cấp COPD bùng phát mà không tìm được nguyên nhân.

Đợt cấp COPD có dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng nào khác không?

Bản thân COPD đã gây ra các ảnh hưởng đến chức năng của phổi và khiến bạn khó khăn hơn trong các công việc hàng ngày. Các chức năng của phổi bị giới hạn cũng có thể khiến tình trạng nhiễm nhùng dễ xảy ra hơn. Khi bạn mắc COPD, việc bạn gặp phải cảm lạnh hay cúm có thể nguy hiểm hơn rất nhiều và kéo theo các triệu chứng nghiêm trọng.

Một số biến chứng gặp phải có liên quan đến COPD bao gồm:

  • Trầm cảm. CODP có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, trong đó có các công việc bạn ưa thích. Điều này có thể khiến bạn rơi vào tình trạng trầm cảm.
  • Các vấn đề về sức khỏe, như các bệnh tim mạch hay gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim
  • Tăng huyết áp động mạch phổi, hoặc tăng áp lực máu lên các động mạch của phổi
  • Ung thư phổi, vì những người mắc COPD đa phần hút thuốc lá

Đợt cấp COPD có thể dự phòng hay không?

Bạn hoàn toàn có thể dự phòng khả năng bùng phát của các đợt cấp này bằng cách thực hiện các biện pháp tự chăm sóc bản thân, bao gồm:

  • Tránh bị tác động bởi các yếu tố có thể gây hại cho phổi, các yếu tố gây kích thích phổi
  • Tránh tập trung nơi đông người trong thời gian mắc cúm hay cảm lạnh để không làm nặng thêm tình hình bệnh
  • Uống đủ nước để làm loãng đờm, dịch, tránh đông đặc thành ổ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
  • Tiêm vaccine cúm hàng năm
  • Lên lịch và đến gặp các chuyên gia, bác sĩ định kỳ
  • Nếu có thể, tự chuẩn bị một chiếc máy theo dõi lượng oxi trong máu và mang theo người mọi lúc để luôn nắm được tình trạng của bản thân
  • Luyện tập các thói quen tốt cho sức khỏe, như ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh
  • Tiêm các mũi vaccine dự phòng phế cầu khi được khuyến cáo từ chuyên gia, bác sĩ
  • Bỏ thuốc lá và tránh gặp phải tình trạng hút thuốc lá thụ động
  • Rửa tay thường xuyên và sử dụng nước sát khuẩn tay để bảo vệ khỏi lây lan vi khuẩn, virus

Tổng kết

COPD là một bệnh mạn tính, và những đợt bùng phát nặng của bệnh có thể diễn ra lặp đi lặp lại trong một số năm. Những đợt cấp này có thể dẫn đến tử vong nếu bùng phát nặng nề. Đó là khi các chức năng của phổi không còn được đảm bảo, và bạn không thể thở được nếu không có sự trợ giúp của máy thở. Tuy nhiên, máy thở nhiều lúc cũng chẳng thể hỗ trợ được cho bạn.

Dự phòng cho bản thân bằng các biện pháp cá nhân là cách tốt nhất có thể để giảm nguy cơ gặp phải cũng như giãn cách tối đa khoảng cách và mức độ giữa các đợt bùng phát bệnh. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như bác sỹ để có thể từng bước bảo vệ bản thân và có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi sống chung với căn bệnh này.

Tham khảo thêm thông tin tại: Bạn bị hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?

 

 

Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Các triệu chứng của rung nhĩ

    Khi đặt tay lên ngực, bạn có thể cảm nhận được nhịp đập quen thuộc của trái tim mình. Nếu tim đập nhanh hơn và cảm giác này kéo dài trong vài phút, đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc tình trạng gọi là rung nhĩ.

  • 20/04/2024

    Cách xây dựng chế độ ăn uống hỗ trợ phòng ngừa ung thư

    Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh ung thư. Để giảm nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm này, bạn nên cắt giảm một số thực phẩm, đồ uống kém lành mạnh như thịt đỏ, rượu bia.

  • 20/04/2024

    Cho trẻ ăn dặm với trái cây đúng cách

    Trái cây là một trong các nhóm thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin quan trọng, phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn dặm của trẻ.

  • 20/04/2024

    Chảy máu trong thai kỳ - Hiện tượng phổ biến nhưng đừng xem thường

    Chảy máu trong thời kỳ mang thai là một hiện tượng thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

Xem thêm