Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách xử lý đúng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra trong mùa hè. Mới đây, hơn 70 trẻ ở trường tiểu học Kim Giang bị ngộ độc thực phẩm khi đi dã ngoại. Vậy cần xử lý như thế nào khi phát hiện trẻ ngộ độc thực phẩm?

 Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thực phẩm

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường có các dấu hiệu dưới đây:

  • Về tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy.
  • Về hô hấp: ho, thở nhanh, khó thở, tím tái.
  • Về thần kinh: co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.
  • Dấu hiệu tăng tiết: đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

Cách xử lý đúng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm - 1

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - chống độc khám cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm.

(Ảnh: Lê Hiếu)

Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu ngộ độc, nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên:

  • Để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ.
  • Cho trẻ uống dung dịch oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.
  • Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày).
  • Tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

Sau ngộ độc thực phẩm trở về nhà, nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn.

Cũng nên chia nhỏ bữa ăn; Cho trẻ ăn thêm sữa chua, rau xanh, hoa quả như chuối, táo để hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường vitamin; Tránh các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như: đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Không nên ăn các thực phẩm từ sữa động vật như: bơ, phô mai, sữa…trong vài ngày do lúc này cơ thể trẻ khó dung nạp được lactose gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.

Cách xử lý đúng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm - 2

Cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn.

(Ảnh: Getty)

Đặc biệt nên cho trẻ uống nhiều nước, nhất là oresol, nước ép hoa quả. Không được cho trẻ uống nước đá, các loại nước ngọt hoặc nước có ga.

Trẻ cũng nên được nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các vận động mạnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xử lý thế nào khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

Tú Anh - Theo Dantri
Bình luận
Tin mới
Xem thêm