11 phương pháp an toàn chăm sóc trẻ bị ho và cảm cúm tại nhà
Trong bài viết này chúng tôi đề xuất 11 phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả giúp chăm sóc trẻ tại gia đình. Có thể những cách đơn giản này không rút ngắn thời gian mắc bệnh nhưng chắc chắn một điều, trẻ sẽ cảm thấy bớt khó chịu hơn rất nhiều.
Khi con bạn ho, sổ mũi, hắt hơi, Bạn hãy thử xem sao! Và đừng quên kể lại cho chúng tôi biết kết quả nhé!
Nghỉ ngơi nhiều
Chiến đấu với một căn bệnh nhiễm trùng sẽ khiến cơ thể tiêu tốn khá nhiều năng lượng và khiến trẻ bị kiệt sức. Bên cạnh đó, trẻ còn cảm thấy khó chịu hơn vì cái mũi khò khè không thể thở được thoải mái. Do vậy, nghỉ ngơi chính là một cách vô cùng hiệu quả giúp trẻ phục hồi lại nguồn năng lượng đã mất.
Ngoài thời gian đi ngủ, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động có tính chất tĩnh. Ví dụ như bạn có thể đọc truyện cho trẻ nghe, cho trẻ xem một bộ phim yêu thích, hoặc đơn giản là khuyến khích trẻ vẽ tranh hay tập tô màu.
Sử dụng thiết bị phun sương
Hít thở trong một bầu không khí đầy hơi ẩm sẽ giúp làm lỏng dịch nhầy trong đường hô hấp. Ngoài ra, việc ngâm mình trong một bồn tắm nước nóng với hơi nước bốc lên dày đặc cũng khá dễ chịu.
Hãy đặt trong nhà một máy làm ẩm không khí hoặc thiết bị phun sương và sử dụng vào ban đêm khi trẻ ngủ hoặc trong khi trẻ chơi đùa trong phòng. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ ngâm mình một chút trong bồn tắm nước ấm nóng vừa phải, với vài giọt tinh dầu xả, chanh, hơi nước bốc lên có thể làm giảm bớt những triệu chứng khó chịu tại đường hô hấp.
Dung dịch nước muối sinh lý và bơm (quả bóp) cao su
Cho trẻ nằm xuống và nhỏ khoảng 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên lỗ mũi trẻ để làm lỏng chất nhầy trong mũi. Giữ trẻ nằm yên trong khoảng 15 – 30 giây. Bóp nhẹ bơm cao su, đặt phần đầu của quả bóp vào một bên lỗ mũi của trẻ. Dùng tay bịt bên mũi còn lại. Nhẹ nhàng thả quả bóp từ từ để hút dịch mũi và dung dịch nước muối ra ngoài. Rút quả bóp ra và đẩy hết phần dịch mũi vào khăn giấy.
Lau sạch đầu quả bóp và lặp lại với lỗ mũi bên kia. Lặp lại vài lần nếu cần thiết.
Dầu thoa giảm ho, ngạt mũi Vapor rub (cho trẻ trên 3 tháng tuổi)
Nghiên cứu chỉ ra rằng loại dầu này có khả năng giúp trẻ dễ thở hơn bằng cách tạo ra một cảm giác mát lạnh trong mũi và giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Bạn có thể dễ dàng mua được loại dầu vapor rub dành cho trẻ trên 3 tháng tuổi này tại các hiệu thuốc. Loại tinh dầu từ tự nhiên cũng rất sẵn có nếu bạn không thích sản phẩm có chứa dầu hay paraben.
Xoa dầu vapor rub lên vùng ngực, cổ và lưng trẻ rồi massage nhẹ nhàng. Không nên bôi dầu lên vùng da có vết thương hở hoặc da nhạy cảm. Tránh xoa dầu tại miệng, mũi, quanh mắt hoặc bất kỳ vị trí nào trên khuôn mặt.
Cho trẻ uống nhiều nước ( với trẻ trên 6 tháng tuổi)
Cung cấp nhiều nước sẽ giúp trẻ tránh được hiện tượng mất nước và giúp làm loãng đờm hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Cho trẻ uống loại thức uống mà trẻ yêu thích, ví dụ như nước trái cây smoothie hoặc kem đá làm hoàn toàn từ nước quả. Mặc dù nước trắng là tốt nhất nhưng có thể nó sẽ không đủ để hấp dẫn con bạn.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sử dụng sữa bột trừ khi bác sỹ có khuyến cáo khác. Trẻ quá nhỏ không cần cung cấp nhiều nước, đôi khi quá nhiều nước có thể gây hại cho trẻ.
Súp hoặc trà nóng (trẻ trên 6 tháng tuổi)
Súp hoặc trà nóng có tác dụng làm dịu và giúp đường hô hấp khỏi bị bít tắc. Nhiều nghiên cứu cho thấy súp gà thực sự hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh như đau toàn thân, mệt mỏi, nghẹt mũi và sốt.
Khi trẻ bị bệnh, hãy chuẩn bị món súp gà trong thực đơn cho trẻ. Cách khác, bạn có thể cho trẻ uống trà hoa cúc ấm. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, hãy tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức trừ khi bác sỹ có chỉ định khác.
Nâng cao đầu khi ngủ (trẻ trên 12 tháng tuổi)
Nâng cao đầu một chút khi trẻ ngủ sẽ giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.
Nếu trẻ ngủ trong cũi, hãy sử dụng một vài cái chăn hoặc gối mỏng kê dưới phần đầu tấm nệm trải trên cũi. Không nên kê cao phần chân cũi bởi sẽ làm chiếc cũi không đứng vững.
Đối với trẻ lớn hơn đã có thể nằm giường, hãy kê thêm gối dưới đầu khi trẻ ngủ. Tuy nhiên nếu trẻ hay thay đổi tư thế khi ngủ, sẽ an toàn hơn nếu bạn nâng cao phần đầu giường bằng cách đặt thêm chăn hoặc gối dưới tấm nệm trải giường. Cách này sẽ giúp tạo độ dốc vừa phải và thoải mái hơn khi trẻ ngủ so với việc kê thêm nhiều gối dưới đầu, đồng thời cũng tránh được nguy cơ trẻ thay đổi tư thể ngủ, vùi mặt vào gối gây nguy hiểm cho đường thở.
Mật ong (trẻ trên 12 tháng tuổi)
Mật ong giúp làm dịu cơn đau họng và đánh tan cơn ho.
Cho trẻ ngậm khoảng ½ - 1 thìa mật ong. Hoặc bạn có thể hòa mật ong vào nước nóng và thêm một vài giọt nước cốt chanh vào và cho trẻ uống.
Do mật ong chứa hàm lượng đường rất cao nên bạn cần khuyên trẻ đánh răng sau khi uống mật ong, nhất là trước khi đi ngủ. Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.
Hướng dẫn trẻ cách xì mũi (trẻ trên 2 tuổi)
Làm sạch phần chất nhầy trong mũi sẽ giúp trẻ dễ thở hơn và bớt khó chịu khi đi ngủ. Một số trẻ sẽ không thể thực hành thuần thục kỹ thuật này cho tới năm 4 tuổi, tuy nhiên trẻ 2 tuổi đã có thể làm được.
Dưới đây là một số mẹo dạy trẻ cách xì mũi:
Hãy hướng dẫn trẻ cách bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay sau khi xì mũi. Nếu mũi trẻ hơi bị đau, hãy xoa thuốc mỡ an toàn cho trẻ em xung quanh lỗ mũi.
Dụng cụ rửa mũi Neti pot (trẻ trên 4 tuổi)
Dụng cụ rửa mũi Neti pot giúp đẩy dung dịch nước muối sinh lý qua niêm mạc mũi, làm ẩm mũi, làm lỏng và loại bỏ chất nhầy khỏi mũi.
Làm đầy dụng cụ rửa mũi Neti pot với dung dịch nước muối sinh lý 9‰. Hướng dẫn trẻ nghiêng đầu vào bồn rửa mặt, một bên lỗ mũi nghiêng thấp hơn bên kia, và thở bằng miệng. Đặt phần vòi của dụng cụ vào đầu lỗ mũi. Bóp nhẹ phần bình của dụng cụ, dung dịch nước muối sẽ chảy từ từ qua các khoang mũi và ra ngoài qua lỗ mũi bên kia. Bỏ dụng cụ xuống và xì nhẹ mũi để các dịch mũi còn trong đó thoát ra ngoài. Lặp lại với lỗ mũi đối diện.
Lưu ý rằng, không nên lạm dụng việc rửa mũi. Đừng rửa quá nhiều lần, hãy rửa mũi cho bé 2- 3 lần mỗi ngày. Không sử dụng các dụng cụ bơm xịt quá mạnh nước muối vào mũi bé vì có thể khiến bé sặc và sợ hãi, làm ảnh hưởng đến tâm lý sự phát triển của bé.
Súc miệng bằng nước muối (trẻ trên 4 tuổi)
Súc miệng bằng nước muối là một phương pháp vô cùng hiệu quả giúp giảm cơn đau họng và giúp loại bỏ đờm trong cổ họng. Đây là phương pháp chỉ nên áp dụng đối với trẻ lớn từ 4 tuổi trở lê.
Hãy cho trẻ luyện tập với nước trắng trước. Hướng dẫn trẻ cách ngửa đầu lên là cố gắng giữ nước ở cổ họng một lúc mà không nuốt vào.
Khi trẻ đã có thể tự súc miệng được, hòa ½ thìa muối vào một cốc nước ấm và cho trẻ súc miệng 3 – 4 lần/ngày là đủ. Không nên xúc miệng quá nhiều hoặc pha nước muối quá đặc.
Lưu ý bổ sung
Nếu bạn áp dụng các biện pháp kể trên mà bé vẫn không khá lên sau 3 ngày, hoặc bé xuất hiện tình trạng khó thở, dịch mũi đặc và biến màu xanh hoặc vàng bẩn, hoặc trẻ sốt cao hơn 38,5 độ (trẻ dưới 3 tháng tuổi) sốt trên 39 độ ( với trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên), hãy đưa trẻ đi khám bác sỹ. Bác sỹ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp với bé.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Kỹ thuật súc rửa mũi khi bị cảm lạnh và dị ứng
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?
Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.
Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.
Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.
Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?