Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Vaccine sốt xuất huyết tetravalent (TAK-003): nghiên cứu về hiệu quả và khả năng áp dụng tại Việt Nam

Hiện nay, gần một nửa dân số thế giới sống trong khu vực lưu hành sốt xuất huyết, và ước tính có khoảng 390 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu mỗi năm

Sốt xuất huyết là một bệnh do virus gây ra, dễ xảy ra thành dịch. Bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua [1]. Hiện nay, gần một nửa dân số thế giới sống trong khu vực lưu hành sốt xuất huyết, và ước tính có khoảng 390 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu mỗi năm [2, 3]. Sốt xuất huyết có thể có triệu chứng nhiễm trùng ở mức độ nhẹ đến nặng, với khả năng tử vong khoảng 20% nếu không được điều trị kịp thời [4-7].

Các biện pháp dự phòng cho sốt xuất huyết vẫn là cách thức hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất. Tuy nhiên, hiện nay một số loại vaccine cũng đã được phát triển để dự phòng cho căn bệnh này. Mới đây, vaccine sốt xuất huyết tetravalent (TAK-003) của Takeda đã được thử nghiệm trên lâm sàng quy mô lớn, giai đoạn 3, cho thấy khả năng an toàn và hiệu quả trong việc dự phòng sốt xuất huyết.

”Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết của Nhật Bản. Tuy nhiên, GS. TS. Nguyễn Văn Kính cũng nhấn mạnh: với vaccine phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.” [9]

Indonesia approves Takeda's dengue vaccine

Hiệu quả của vaccine tetravalent (TAK-003) trên nghiên cứu

Vaccine tetravalent (TAK-003) được nghiên cứu và phát triển bởi Takeda Vaccines. Tại báo cáo các kết quả chính trong một thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn 3 (mã TIDES ClinicTrials.gov số NCT02747927 – được tài trợ bởi Takeda Vaccines) và đăng tải trên tạp chí New England Journal Medicine, các kết quả quan trọng đã được chỉ ra.

Về bản chất, vaccine TAK-003 được nghiên cứu và chế tạo nhằm phòng ngừa cả 4 chủng virus Dengue (DENV-1 đến DENV-4). Vaccine TAK-003 là một loại vaccine dựa trên virus DENV-2 sống giảm độc lực, cung cấp phần “xương sống” là cấu trúc di truyền của cả 4 chủng virus, và ban đầu được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học tại CDC Hoa Kỳ. Nghiên cứu đã tiến hành trên 20.071 trẻ em có độ tuổi từ 4-16 tuổi tại 8 quốc gia khu vực châu Á và Mỹ Latin, với nhóm trẻ nhỏ được lựa chọn ngẫu nhiên theo tỉ lệ 2:1 có phân tầng theo tuổi và khu vực.

Trong nghiên cứu, các trẻ nhỏ được chỉ định tiêm vaccine hoặc giả dược trong cách nhau 3 tháng, và được xác định có mắc sốt xuất huyết hay không thông qua xét nghiệm PCR huyết thanh đặc hiệu. Hiệu quả của vaccine được đánh giá và xác nhận thông qua bất kỳ týp huyết thanh nào của virus Dengue [8].

Kết quả cho thấy, trong số 20.071 người tham gia nghiên cứu được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine hoặc giả dược (nhóm đối chứng/nhóm an toàn), có 19.021 (84,8%) người được tiêm đủ cả 2 mũi tiêm được đưa vào nghiên cứu phân tích quy trình. Phân tích quy trình cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine ở nhóm đối chứng là 80,9% (95%CI 75,2-85,3). Có 78 trường hợp mắc bệnh trên tổng số 13.380 trường hợp (tỉ lệ 0,5/100 người-năm) ở nhóm tiêm vaccine và 199 trường hợp mắc bệnh trên tổng số 6687 trường hợp (tỉ lệ 2,5/100 người-năm) ở nhóm đối chứng. Hiệu quả chống lại tình trạng bệnh nặng phải nhập viện của vaccine là 95,4% (95%CI 88,4-98,2), với chỉ 5 trường hợp nhập viện ở nhóm tiêm vaccine so với 53 trường hợp phải nhập viện ở nhóm đối chứng [8].

Vaccine cũng mang lại hiệu quả trên các chủng virus khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu, hiệu quả của vaccine có xu hướng thay đổi theo từng týp huyết thanh của virus. Theo đó, vaccine ngăn ngừa týp 2 của virus (DENV-2) với hiệu quả lên đến 97,7%, giảm dần ở đối với týp 1 (DENV-1) đạt 73,7% và týp 3 (DENV-2) đạt 62,3%. Đối với týp 4 (DENV-4), nghiên cứu không đưa ra kết luận vì số ca nhiễm bệnh quá ít [8].

Tính an toàn của vaccine TAK-003

Nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine được báo cáo trên các trường hợp, trong đó tỉ lệ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng ở nhóm tiêm vaccine là 3,1% và nhóm đối chứng là 3,8%. Có 5 trường hợp tử vong trong nghiên cứu, tuy nhiên được xác định không liên quan đến vaccine mà do các vấn đề bệnh lý khác. 9 trường hợp ngừng tham gia nghiên cứu, được xác định có nguyên nhân do tác dụng phụ là chính (quá mẫn, mề đay, cúm, khó chịu, phù mạch, sốc...)

Các tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo (được báo cáo bởi trên 1% người tiêm vaccine) trong vòng 4 tuần sau tiêm bất kỳ mũi tiêm nào là viêm mũi họng (2,7% ở nhóm tiêm vaccine và 0,9% ở nhóm đối chứng), nhiễm trùng được hô hấp trên (2,6% ở nhóm tiêm vaccine và 2,9% ở nhóm đối chứng) và nhiễm virus (1,1% ở nhóm tiêm vaccine và 0,9% ở nhóm đối chứng. Ngoài ra, các phản ứng cục bộ ở vùng tiêm vaccine cũng được báo cáo với tỉ lệ cao hơn ở nhóm tiêm vaccine so với nhóm đối chứng [8].

Tiềm năng của vaccine và việc ứng dụng vaccine tại Việt Nam

Nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng của vaccine là tốt, với khả năng hiệu quả tổng thể khoảng 80% chống lại nhiễm trùng ở nhóm đối tượng từ 4-16 tuổi. Đối với việc chống lại tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, hiệu quả của vaccine đạt 95,4%. Tỉ lệ gặp phải tác dụng phụ là khoảng trên 3% ở các đối tượng tiêm vaccine. Vaccine cũng hiệu quả trên các týp virus khác nhau, với hiệu lực từ 73% trở lê [8].

Tại Việt Nam, týp virus lưu hành năm 2023 chủ yếu là týp 1 và 2 (DENV-1 và DENV-2), và cũng không có sự khác biệt về các týp virus lưu hành những năm gần đây [9]. Điều có thể mang đến lợi thế trong việc sử dụng vaccine, khi vaccine có hiệu quả trên týp 1 và 2 trong thử nghiệm tương đối cao.

Hiện tại, tính đến đầu tháng 10 năm 2023, Việt Nam ghi nhận 93.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước, trong đó có 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 58,9% và tử vong giảm 91 trường hợp. Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt khi biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino kéo dài trong năm 2023-2024 là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, dẫn đến bệnh sốt xuất huyết lây lan [9]. Việc triển khai đánh giá và áp dụng vaccine trong cộng đồng có thể là một phương pháp hiệu quả, bên cạnh các phương pháp dự phòng thiết yếu ban đầu.

Hiện nay, một số loại vaccine đã được nghiên cứu và có các đánh giá lâm sàng các giai đoạn. Vaccine TAK-003 hiện nay đang được Bộ Y Tế Việt Nam đánh giá tính an toàn, và dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm vaccine trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1.http://www.who.int/denguecontrol/disease/en/

2.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22880140/

3.https://journals.plos.org/plosntds/article?id=10.1371/journal.pntd.0001760

4.http://www.who.int/immunization/research/development/dengue_vaccines/en/

5.http://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue/ 

6.https://www.who.int/immunization/diseases/dengue/en/

7.https://www.who.int/csr/resources/publications/dengue/Denguepublication/en/  

8.https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1903869?logout=true

9.https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/viet-nam-se-tham-gia-tiem-thu-nghiem-vaccine-sot-xuat-huyet

 

Bs. Lê Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm