Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Hãy phát triển thói quen ăn uống tích cực cho trẻ ngay từ trong bếp.

Tập thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Cho trẻ tham gia và chuẩn bị bữa ăn

Trẻ em có thể học cách ăn uống lành mạnh bằng việc tham gia lên kế hoạch và chuẩn bị cho bữa ăn gia đình mặc dù chỉ là những việc nhỏ. Ví dụ, bạn cho phép trẻ chọn chuẩn bị một bữa yêu thích trong tuần hoặc giúp trẻ lên danh sách những nguyên liệu cần mua.  

Khi lớn lên, trẻ có thể dần dần đóng vai trò chính trong việc chuẩn bị bữa ăn. Chúng có thể bắt đầu bằng việc rửa rau hay trộn thức ăn. Qua thời gian trẻ có thể đọc các công thức nấu ăn và biết cách gọt, băm thức ăn. Sự tham gia của cả gia đình cũng góp phần làm giảm gánh nặng chuẩn bị bữa ăn tạp trung lên 1 người và làm tăng sự gắn kết trong gia đình.

Không bỏ bữa sáng

Bữa sáng và bữa trưa là hai bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bữa sáng của trẻ cần đảm bảo có đủ chất và lành mạnh để khởi đầu ngày mới. Khi được ăn sáng đầy đủ, trẻ em sẽ có nhiều năng lượng và khả năng tập trung cao hơn. Chúng cũng sẽ ít có nguy cơ sa đà vào các thức ăn nhiều đường và đồ ăn vặt không lành mạnh sau đó.  

Hãy tham khảo và tìm hiểu các công thức của bữa ăn sáng lành mạnh phù hợp cho trẻ nhỏ, trẻ mẫu giáo, trẻ đi học và thiếu niên. Nhiều món có thể chuẩn bị từ tối hôm trước hoặc có thể cầm mang đi nếu không đủ thời gian để ngồi bàn ăn buổi sáng. 

Duy trì bữa ăn hằng ngày trong gia đình

Trải nghiệm của trẻ trên bàn ăn có tác động đến thói quen ăn uống sau này khi lớn lên. Để ý dấu hiệu khi trẻ bắt đầu đói và cung cấp bữa ăn cân đối dinh dưỡng. Việc này sẽ giúp giảm nguy cơ trẻ ghét bỏ thức ăn và cũng giảm nguy cơ trẻ quá thích một loại thức ăn hoặc ăn thức ăn không lành mạnh. Cả hai nguy cơ này đều có thể dẫn đến béo phì ở trẻ em.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng duy trì bữa ăn gia đình thoải mái và đều đặn đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển thói quen tích cực trên bàn ăn. Chẳng hạn, trẻ em và thiếu niên ăn cùng gia đình hơn ba lần một tuần có ít nguy cơ thừa cân hơn. Thiếu niên ăn ít nhất năm bữa cùng gia đình ít nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.

Lợi ích của bữa ăn gia đình vượt lên trên vấn đề về dinh dưỡng. Chia sẻ thức ăn và trò chuyện trên bàn ăn khuyến khích các hành vi lành mạnh khác. Trẻ nhỏ cũng sẽ học được những kĩ năng giao tiếp thiết yếu thông qua việc ăn uống cùng gia đình. Trẻ lớn hơn và thiếu niên ăn thường xuyên với gia đình ít nguy cơ gặp vấn đề ở trường học, ít liên quan đến các hành vi chống đối xã hội hay nghiện rượu hoặc các chất kích thích.

Bữa ăn gia đình là cơ hội để trẻ xây dựng mối gắn kết chặt chẽ với những người thân. Nó cũng giúp trẻ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ khi cần để giảm thiểu tác động của những ảnh hưởng xấu ngoài xã hội. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trẻ em và các vấn đề ảnh hưởng đến phát triển

Ngọc Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Aboutkidshealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm