Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thủy đậu có bị mắc lại lần 2 không?

Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin liên quan đến những triệu chứng sẽ xảy ra nếu bạn bị thủy đậu lần 2, cách nhận biết phát ban có phải do thủy đậu hay không, biểu hiện và cảm giác của bệnh thủy đậu ở người lớn cũng như những việc cần làm nếu bạn nghĩ mình bị thủy đậu.

Sau khi bị thủy đậu, trẻ em thường hình thành khả năng miễn dịch suốt đời và sẽ không mắc lại. Tuy nhiên, vẫn có khả năng mắc bệnh thủy đậu lần 2, dù cho tình trạng này không phổ biến. Đôi khi, khả năng miễn dịch của trẻ đối với virus chưa hoàn thiện nên trẻ có thể bị nhiễm thủy đậu lần thứ 2.

Điều gì xảy ra nếu bạn bị thủy đậu lần thứ 2?

Mặc dù tình trạng này không phổ biến nhưng mọi người có thể bị thủy đậu 2 lần. Bạn có nhiều khả năng bị nhiễm thủy đậu lần thứ 2 trong đời nếu bạn:

  • Lần đầu tiên mắc bệnh thủy đậu khi bạn còn rất nhỏ, đặc biệt khi dưới 6 tháng tuổi
  • Bị nhiễm thủy đậu rất nhẹ (các dấu hiệu liên quan đến cận lâm sàng) trong lần đầu tiên mắc bệnh
  • Hệ miễn dịch gặp vấn đề

Song nhìn chung, nếu bạn khỏe mạnh, bạn có thể không phải lo lắng về các biến chứng nghiêm trọng nếu bị thủy đậu lần thứ 2.

Đọc thêm bài viết: Bạn có thể bị zona khi chưa từng bị thủy đậu không?

Triệu chứng bệnh thủy đậu ở người lớn

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thủy đậu ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ em và có thể bao gồm:

  • Các triệu chứng giống như cúm. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh thủy đậu thường là sốt, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Một số người cũng có các triệu chứng giống như cảm lạnh, bao gồm: sổ mũi, đau họng và đau đầu. Ở một số bệnh nhân, các triệu chứng tiêu hóa (ví dụ: đau dạ dày, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy) là phổ biến.
  • Phát ban. Lúc đầu, các đốm có thể trông giống như mụn nhọt hoặc vết côn trùng cắn. Phát ban thường bắt đầu trên mặt hoặc giữa cơ thể (ví dụ: ngực, bụng, lưng) nhưng cuối cùng lan ra toàn bộ cơ thể. Trong vài ngày tới, các vết sưng chứa đầy chất lỏng (mụn nước) và gây ngứa. Các mụn nước vỡ ra và rỉ dịch, sau đó đóng vảy khi chúng bắt đầu lành (thường trong vòng một tuần). Các vảy cứng của phát ban thủy đậu thường bong ra trong khoảng 10 ngày nhưng có thể mất đến vài tuần.

Người lớn có nhiều khả năng bị biến chứng do thủy đậu không?

Thủy đậu có thể là một căn bệnh nghiêm trọng đối với người lớn, đặc biệt nếu họ đã có hệ miễn dịch yếu. Người lớn mắc bệnh thủy đậu không chỉ có thể bị ốm nặng do virus mà còn có thể phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Thậm chí, người lớn còn có nhiều khả năng phải nhập viện hơn nếu bị thủy đậu.

Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh thủy đậu ở người lớn bao gồm:

  • Nhiễm trùng do phát ban (ví dụ: da, xương)
  • Nhiễm trùng phổi (ví dụ: viêm phổi)
  • Nhiễm trùng máu (ví dụ: nhiễm trùng huyết)
  • Viêm (ví dụ: não, gan, khớp)
  • Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ biến chứng cao hơn và cũng có thể truyền rủi ro cho thai nhi. Một biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp của bệnh thủy đậu ở người mang thai là hội chứng thủy đậu thai nhi (bẩm sinh)

Điều trị thủy đậu ở người lớn

Điều trị thủy đậu cho người lớn và trẻ em là làm dịu các triệu chứng trong giai đoạn phục hồi của bệnh. Bạn không dùng thuốc kháng sinh cho bệnh thủy đậu vì bệnh này do virus gây ra chứ không phải vi khuẩn. Nếu bạn bị bệnh nặng, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc kháng virus như valacyclovir. Nếu bị sốt và đau nhức cơ thể, bạn có thể dùng thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn. Sử dụng các loại kem làm dịu da (như calamine) trên da và tắm nước mát hoặc tắm vòi hoa sen có thể giúp giảm ngứa do thủy đậu.

Tiêm phòng sau khi bị thủy đậu

Hầu hết trẻ em mắc bệnh thủy đậu sẽ có miễn dịch tự nhiên và không cần tiêm vaccine thủy đậu. Tuy nhiên, bạn có thể muốn cho con mình tiêm vaccine nếu chúng còn rất nhỏ khi bị bệnh hoặc bị thủy đậu rất nhẹ. 

Đọc thêm bài viết: Một người có thể bị zona nhiều lần không?

Bị thủy đậu nhiều lần rất hiếm gặp?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra khẳng định rằng khả năng miễn dịch sau khi nhiễm thủy đậu được coi là lâu dài và các trường hợp mắc bệnh thủy đậu lần thứ 2 được coi là hiếm. Tuy nhiên, các trường hợp mắc lại lần 2 có thể phổ biến hơn ở những người có khả năng miễn dịch tốt hơn so với trước đây. Ngày nay, hầu hết trẻ em đều được tiêm vaccine thủy đậu, vì vậy trường hợp mắc bệnh thủy đậu lần đầu và lần thứ 2 không phổ biến.

Bệnh lý có thể bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu

Một lý do phổ biến khiến trẻ mắc bệnh thủy đậu lần thứ 2 là trường hợp đầu tiên bị chẩn đoán sai. Cũng có thể trường hợp nhiễm thủy đậu thứ 2 đã bị chẩn đoán nhầm và thực ra là một bệnh nhiễm trùng hoặc vấn đề về da khác. Có một số tình trạng có thể bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu ở trẻ em và người lớn.

Bệnh zona

Ảnh hưởng sau này của một số người từng bị thủy đậu là sẽ bị bệnh zona, một tình trạng xảy ra khi virus thủy đậu tái hoạt động. Phát ban bệnh zona thường là một “dải” chỉ ở một bên cơ thể. Tổn thương do bênh zona thường rất đau.

Herpes

Herpes là bệnh do virus gây ra. Bệnh lý này thường lây truyền qua đường tình dục. Herpes có thể xuất hiện dưới dạng vết loét trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Thời kỳ bùng phát mụn rộp đầu tiên mà một người mắc phải thường là đợt tổn thương nặng nhất và có thể đi kèm với các triệu chứng giống như bệnh cúm.

Bệnh chốc lở

Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây lan và thường xảy ra ở trẻ em. Bệnh chốc gây ra vết loét màu mật ong trên da. Các vết loét cũng có thể trông giống như mụn nước trên các bộ phận khác nhau của cơ thể, phổ biến nhất là mặt và tay chân.

Ghẻ

Ghẻ là một phát ban ngứa trên da do ve gây ra. Tình trạng này thường ngứa hơn vào ban đêm và gãi dữ dội, dẫn đến kích ứng và nhiễm trùng da. Một dấu hiệu rõ ràng của bệnh ghẻ là nhìn thấy các đường (đường hang) trên da.

Bọ cắn

Vết cắn và đốt của côn trùng có thể trông giống như những chấm đỏ trên da và thường gây ngứa hoặc đau. Hầu hết các vết cắn của bọ không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi; tuy nhiên, vết cắn nghiêm trọng hơn (ví dụ: từ một số loại nhện) có thể cần được chăm sóc y tế.

Bạn có thể cần xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thủy đậu không?

Rất khó để bỏ sót một trường hợp thủy đậu toàn phát, nhưng các bệnh nhiễm virus khác và thậm chí cả vết côn trùng cắn có thể bị chẩn đoán nhầm là các trường hợp thủy đậu nhẹ, đặc biệt là bởi những người không phải là nhân viên y tế (ví dụ: cha mẹ, giáo viên, bảo mẫu).

Xét nghiệm thủy đậu hiếm khi được thực hiện, nhưng một số xét nghiệm có thể xác nhận xem trẻ có bị thủy đậu hay không. Những xét nghiệm này có thể hữu ích trong những trường hợp nhẹ hoặc khi trẻ nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu lần thứ 2. Các xét nghiệm bệnh thủy đậu có thể bao gồm:

  • PCR hoặc DFA của vật chất tế bào
  • Nuôi cấy virus từ tổn thương thủy đậu
  • Nồng độ kháng thể IgG và IgM

Trường hợp mắc thủy đậu lần thứ 2 có thể xảy ra nhưng khá hiếm. Trong một số trường hợp, trường hợp thủy đậu đầu tiên (hoặc thứ 2) bị chẩn đoán sai. Các tình trạng như chốc lở, herpes và thậm chí cả vết côn trùng cắn có thể dễ bị nhầm với bệnh thủy đậu. Ở người lớn, sự tái hoạt động của virus thủy đậu có thể xảy ra dưới dạng bệnh zona.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị thủy đậu khi còn rất nhỏ, chỉ bị nhẹ hoặc có vấn đề với hệ thống miễn dịch thì trẻ có thể bị thủy đậu lần thứ 2. Kể từ khi có vaccine phòng bệnh thủy đậu thì tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu mắc lần đầu và lần thứ 2 ít phổ biến hơn so với trước đây.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

BS Tạ Tùng Duy - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywellhealth
Từ khóa:
Bình luận
Tin mới
Xem thêm