Có thể nói tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển một cách từ từ và có khuynh hướng trở nên mạn tính. Nguyên nhân gây nên bệnh lý này chưa được biết rõ, chúng làm cho người bệnh tách dần ra khỏi với cuộc sống ở chung quanh để thu hẹp dần vào thế giới bên trong; từ đó tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập, làm việc và lao động ngày một giảm sút; có những ý nghĩ và hành vi khá kỳ dị, khó hiểu.
Biểu hiện bệnh lý
Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có các biểu hiện của rối loạn tư duy, bị hoang tưởng, có ảo giác, rối loạn hành vi và các triệu chứng âm tính khác.
Rối loạn tư duy: với biểu hiện ghi nhận được ở người bệnh, họ cho rằng ý nghĩ của họ có khả năng vang lên thành tiếng nên tất cả mọi người đều có thể biết được, còn gọi là tư duy bộc lộ, tư duy bị phát thanh hoặc có ai đó đã đọc được ý nghĩ của họ mặc dù họ không nói ra, gọi là tư duy bị đánh cắp hay có ai đó đã áp đặt ý nghĩ vào đầu của họ gọi là tư duy bị áp đặt.
Bị hoang tưởng: hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế mà người bệnh tâm thần phân liệt vẫn cho là đúng; người khác không thể đả thông hay giải thích gì được.
Thực tế bệnh tâm thần phân liệt thường có hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối. Người bệnh nghĩ rằng có một người nào đó, một lực lượng nào đó đang kiểm tra, chi phối hoạt động của họ hoặc đang theo dõi, đầu độc, làm hại họ gọi là hoang tưởng bị theo dõi, liên hệ, bị hại, bị đầu độc.
Ngoài ra còn có loại hoang tưởng siêu nhân với hiện tượng bệnh nhân tự cho rằng mình có khả năng làm việc kỳ diệu như có thể điều khiển được cả thế giới, điều khiển được thời tiết và khí hậu hoặc đang tiếp xúc với người của thế giới khác bên ngoài...
Có ảo giác: thường bệnh nhân có cảm nhận, nghe thấy những lời bình luận về hành vi hoặc thảo luận với nhau về người bệnh hay những tiếng nói khác xuất phát từ một bộ phận nào đó trong cơ thể của họ gọi là hiện tượng ảo thanh giả. Đồng thời có thể nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy những gì mà người khác không thấy gọi là ảo thị, ảo khứu... Ngoài ra, cũng có thể kết hợp với tình trạng hoang tưởng liên hệ, ghen tuông, kiện cáo, nghi ngờ bệnh... kéo dài trong khoảng thời gian nhiều tháng.
Rối loạn hành vi: các rối loạn hành vi thường gặp như bị kích động vô cớ, đập phá, hò hét hay bất động giữ nguyên tư thế; không nói, không ăn do bị tăng trương lực...
Các dấu hiệu âm tính: người bệnh tâm thần phân liệt còn có biểu hiện của những dấu hiệu âm tính như: cảm xúc bị cùn mòn, khô lạnh; các đáp ứng cảm xúc không thích hợp, có biểu hiện xa lánh hay hằn học với mọi người, sống cô độc, đi lang thang hoặc có cơn lo sợ, giận dữ vô cớ.
Ngôn ngữ trở nên nghèo nàn hay bị gián đoạn, thêm nhiều từ khi nói đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp; dùng ngôn ngữ bịa đặt, thường dẫn đến cách ly với xã hội; giảm sút hiệu suất học tập, làm việc, lao động. Biến đổi nhân cách, mất hết sự thích thú; trở nên vô cảm, lười nhác, thiếu mục đích, khó thích ứng với xã hội ở chung quanh.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt được xác định khi người bệnh có ít nhất một triệu chứng rõ rệt trong các nhóm biểu hiện dấu hiệu bệnh lý đã nêu trên. Cần chú ý đến các biểu hiện rối loạn tư duy, các hoang tưởng, tự cảm siêu nhân, ảo giác. Trong những trường hợp không rõ thì phải căn cứ vào hai dấu hiệu bệnh lý trở lên. Lưu ý các triệu chứng bệnh lý phải tồn tại một cách rõ rệt, kéo dài trong khoảng thời gian từ một tháng trở lên. Nếu xảy ra dưới một tháng thì phải chẩn đoán như một rối loạn tâm thần cấp tính giống phân liệt.
Thận trọng không chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi bệnh nhân đã có những bệnh về não rõ rệt, người bệnh nghiện ma túy và cai ma túy, nghiện rượu, bị chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần hoặc có những rối loạn khác; loạn thần do hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc bệnh của cơ thể nặng. Cũng không chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi người bệnh có tuổi cao trên 70 vì ở nhóm tuổi này có nhiều rối loạn của các bệnh cơ thể như; tim mạch, nội tiết...
Diễn biến bệnh lý
Bệnh tâm thần phân liệt có đặc điểm là tiến triển từ từ thành mạn tính và hay bị tái phát. Bệnh có thể diễn biến theo nhiều phương thức khác nhau sau đây:
Bệnh thuyên giảm hoàn toàn, người bệnh có khả năng trở lại trạng thái bình thường; nói năng, ứng xử, học tập, lao động, làm việc trở lại bình thường như trước khi bị mắc bệnh.
Bệnh chỉ thuyên giảm một phần, các biểu hiện bệnh lý như: kích động, hoang tưởng, ảo giác... có thể mất đi nhưng một số dấu hiệu bệnh lý khác vẫn còn biểu hiện như: thiếu linh hoạt, thiếu chủ động trong giao tiếp xã hội, hạn chế giao tiếp với những người ở chung quanh.
Bệnh tái phát là đặc điểm khá quan trọng của bệnh tâm thần phân liệt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh tái phát là do người bệnh uống thuốc an thần không đều, không tuân thủ đầy đủ việc điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, môi trường sống không thuận lợi, không dung nạp đối với căn bệnh và bệnh nhân; người bệnh bị hắt hủi, ngược đãi, bỏ rơi, không có nơi nương thân... cũng là con đường làm cho bệnh tái phát.
Lưu ý vai trò của những sang chấn tâm lý đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng tạo nên ảnh hưởng rất lớn. Thực tế ghi nhận những sang chấn tâm lý, những căng thẳng trong các mối quan hệ như: thái độ diễu cợt, trêu ghẹo, ngược đãi, hành hạ hoặc sự phân biệt đối xử trong giao tiếp xã hội, trong phân công việc làm; vấn đề ly hôn, ly thân, những yêu cầu đề nghị không được áp ứng hợp lý... gây ra tác động làm bệnh tái phát.
Ngoài ra, các mất mát về tình cảm, danh dự, uy tín, đối diện trước cái chết của người thân... đều là những yếu tố làm cho bệnh tâm thần phân liệt dễ tái phát. Đồng thời do sự thúc đẩy khởi phát của một bệnh lý nào đó đang tiềm ẩn cũng có thể làm cho bệnh nặng hơn, biểu lộ rầm rộ hơn, làm cho đợt tái phát bệnh đến mau hơn.
Những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường rất nhạy cảm đối với các sang chấn tâm lý, nhất là những người bệnh không dùng thuốc an thần đều đặn; vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này.
Các nhà khoa học khuyến cáo những dấu hiệu tái phát của bệnh tâm thần phân liệt cần được chú ý là: người bệnh cảm thấy trạng thái căng thẳng tinh thần ngày một tăng; thấy không thể thư giãn, hay lo lắng viển vông.
Bị rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ... Bị mệt mỏi, dễ kích thích, cáu gắt. Thường hoảng sợ không có lý do. Có biểu hiện thu mình lại, không giao tiếp, bỏ ăn uống. Có thái độ thờ ơ với mọi người và với bản thân, không tự chăm sóc được bản thân... Người nhà bệnh nhân tâm thần phân liệt nên quan tâm đến những dấu hiệu tái phát này để phát hiện sớm bệnh lý nhằm có biện pháp xử trí phù hợp.
Điều trị bệnh
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt cho đến nay vẫn chưa được biết rõ nên việc chữa trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Do trong thực tế có sự kết hợp giữa những yếu tố về sinh học và môi trường đối với cơ chế sinh bệnh nên việc điều trị phải phối hợp nhiều liệu pháp khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh. Có thể sử dụng liệu pháp tâm lý và dùng các thuốc chống loạn thần.
Về liệu pháp tâm lý: cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa phải thực hiện việc truyền thông giáo dục sức khỏe để làm cho gia đình người bệnh có được sự hiểu biết cần thiết, nhận thức được bệnh lý tâm thần phân liệt; cần cảm thông, chấp nhận, quan tâm trong việc đối xử và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt là người thân của mình...
Dùng thuốc chống loạn thần: trong trường hợp người bệnh lên cơn tâm thần phân liệt cấp tính, phải cho bệnh nhân uống thuốc chống loạn thần và cố gắng nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi tình trạng loạn thần nặng như kích động, hoang tưởng, ảo giác...
Các thuốc chống loạn thần đối với bệnh nhân là rất cần thiết, có tác dụng hiệu quả và thường được dùng để xử trí những trạng thái loạn thần cấp tính, chống tái phát, chống mạn tính hóa.
Các loại thuốc được sử dụng đều là thuốc có tác dụng mạnh, phải được chỉ định dùng một cách hết sức thận trọng, cần theo dõi chặt chẽ việc cho uống thuốc; đồng thời vấn đề chọn thuốc, quy định liều lượng dùng phải chính xác, phù hợp với loại bệnh, thể bệnh và từng trường hợp bệnh nhân.
Thuốc khởi đầu phải dùng liều thấp để thăm dò khả năng dung nạp của người bệnh, rồi sau đó tăng dần liều lượng cho đến mức có tác dụng điều trị hiệu quả; duy trì liều ổn định và giảm dần trước khi ngừng sử dụng thuốc theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Các thuốc chống loạn thần thiết yếu gồm hai loại: loại có tác dụng an thần mạnh như: haloperidol, aminazine. Loại có tác dụng an thần êm dịu: levomepromazine, tisercin, thioridazine, melleril...
Tác dụng chính của thuốc là chống loạn thần: chống hoang tưởng, áo giác; gây tác dụng an thần, dịu cơn như chống kích động và giải ức chế như chống tính ì. Khi sử dụng điều trị, cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc như gây dị ứng, hạ huyết áp; bị chứng ngoại tháp như: nét mặt cứng đờ, xoắn vặn thân thể, bồn chồn, vận động, chậm chạp, nói khó, khó nuốt, tăng tiết nước bọt, run đầu chi, tăng tiết mồ hôi, tăng tiết chất nhờn ở da...; đồng thời có thể bị vàng da, vàng mắt...
Nếu khi dùng thuốc, bệnh nhân ngủ lâu, đánh thức không dậy là biểu hiện sử dụng thuốc quá liều. Nếu kích thích đau, người bệnh chậm phản ứng là biểu hiện của ngộ độc cấp tính với tình trạng hôn mê; bệnh nhân cần phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Đặc biệt cũng cần lưu ý đến hội chứng thần kinh ác tính như: sốt cao, mạch nhanh, nhịp thở nhanh, huyết áp dao động, vã mồ hôi...; trong trường hợp này phải ngừng sử dụng thuốc và nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở điều trị để xử trí.
Lời khuyên của thầy thuốc
Mặc dù bệnh tâm thần phân liệt xảy ra trong cộng đồng chiếm tỉ lệ thấp khoảng từ 0,3 - 1% dân số nhưng chủ yếu ghi nhận ở những người có tuổi đời còn trẻ và trong độ tuổi lao động. Người bệnh thường tách dần ra khỏi cuộc sống chung quanh để thu hẹp mình lại với những mối quan hệ thân tình. Tình cảm của họ trở nên cứng nhắc, khô lạnh; có những ý tưởng, hành vi khó hiểu, kỳ dị, khác với người bình thường; khả năng học tập, làm việc và lao động bị giảm sút... Hiện nay nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, vì vậy cần theo dõi những biểu hiện bất thường để phát hiện sớm bệnh lý nhằm xử trí điều trị triệu chứng kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra và giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.