Thật mừng là đãng trí trong thai kỳ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Phân tích tổng hợp của một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tâm lý học lâm sàng và Thực nghiệm cho rằng não bộ thực hiện nhiều chức năng khác nhau khi mang thai. Thử thách lớn nhất đối với phụ nữ mang thai là trí nhớ đòi hỏi kiểm soát nhận thức chỉ đạo (executive cognitive control), hay còn gọi là trí nhớ làm việc. Đây là trí nhớ ngắn hạn dành cho việc tiếp nhận và ghi nhớ những kỹ năng và thông tin mới. Do đó, mang thai không ảnh hưởng tới việc nhớ ngày sinh của mẹ bạn, ngày mà bạn sẽ nhớ suốt cuộc đời. Nhưng nhớ tên của cô bạn mới ở phòng tập yoga trước sinh sẽ khó khăn hơn.
Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Nột tiết Hoa Kỳ, mang thai cũng ảnh hưởng tới bộ nhớ không gian. Trí nhớ về không gian là khả năng ghi nhớ thời điểm bạn nhìn thấy một sự vật, cũng như sự nhận thức của bạn về vị trí của mình trong không gian nào đó. Tức là bạn có thể thoải mái đổ lỗi cho thai kỳ khi bạn làm mất chìa khóa và va vào góc nào đó trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới bà mẹ cho đến khi con bạn được ít nhất 3 tháng tuổi hoặc đôi khi nhiều hơn, đến vài tuổi.
Tại sao mẹ bầu lại đãng trí?
Hầu hết các triệu chứng xuất hiện trong thai kỳ đều do thay đổi hormone khi mang thai gây nên và đó có thể là thủ phạm chính gây nên mất trí nhớ. Hormone ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn là oxytocin, đặc biệt tăng nhiều trong quá trình mang thai. Đôi khi oxytocin được gọi là “hormone tình yêu”, vì làm tăng cường mối liên kết cảm xúc, khiến bạn hưng phấn hơn. Nhưng không may, oxytocin lại không tốt cho trí nhớ của mẹ bầu một tẹo nào.
Hormone thai kỳ có thể là thủ phạm gây nên tình trạng mất trí nhớ
Một lời bào chữa khác cho bệnh đãng trí khi mang thai đó là vì não bạn trở nên nhỏ hơn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân đích thực của tình trạng này và sẽ ảnh hưởng tới chức năng của não thế nào. Nhưng có giả thuyết cho rằng đây là những điều chỉnh của cơ thể nhằm tạo ra những thay đổi về tinh thần để chuẩn bị cho việc làm mẹ. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Neuroradiology Hoa Kỳ, khối lượng tế bào não giảm trong suốt thai kỳ. Rất mà là kích thước não bộ sẽ tăng trở lại sau thai kỳ. Ngay khi con bạn được 6 tháng tuổi, não sẽ trở lại kích thước bình thường hoặc lớn hơn.
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến tình trạng đãng trí thai kỳ. Thiếu ngủ chính là thủ phạm đích thực. Thiếu ngủ khi mang thai rất thường gặp, một phần vì hormone thay đổi và một phần vì sự thay đổi về vật lý khi thai lớn dần. Nếu bạn ngủ không đủ, bạn càng dễ bị đãng trí.
Đãng trí thai kỳ có lợi ích gì không?
Đãng trí thai kỳ sẽ khiến bạn nhanh quên trong một thời gian, nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thông minh hơn sau khi làm mẹ. Hàng loạt nghiên cứu thử nghiệm trên động vật chỉ ra rằng mang thai có thể khiến chuột học nhanh hơn.
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu sự thay đổi của não bộ trong thai kỳ ảnh hưởng tới các bà mẹ thế nào trong thời gian dài, nhưng một nghiên cứu khác của trường đại học Carlos Albizu (Mỹ) đã chỉ ra rằng hiệu quả chung của lên chức năng thần kinh có thể khá tốt. Sau khi sinh con, có thể bạn sẽ tiếp nhận thông tin nhanh hơn, cũng như trí nhớ không gian sẽ khá hơn – sự thay đổi này rất phù hợp với những bà mẹ đa-zi-năng ngày nay.
Vậy mẹ bầu phải làm sao?
Bạn hầu như không thể làm gì để ngăn chặn sự đãng trí phổ biến trong thai kỳ. Nhưng bạn có thể làm một số việc để khiến đãng trí trở nên nhẹ nhàng hơn.
Đầu tiên, hãy ngủ nhiều hơn và thư giãn ngay khi có thể. Thiếu ngủ có thể làm giảm trí nhớ và chức năng thần kinh, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn. Cố gắng tạo ra một thói quen ngủ và lên giường nghỉ ngơi trước khi chìm sâu vào giấc ngủ. Cũng giống như cơ thể, não bộ cũng cần nghỉ ngơi thêm.
Thứ hai, chấp nhận rằng đãng trí thai kỳ là bình thường. Nếu bạn thấy mình nhận thức chậm hơn bình thường thì cũng không sao cả. Đây là tác dụng phụ của thai kỳ và sẽ không kéo dài mãi. Vui vẻ bỏ qua sự đãng trí này, yên tâm với thai kỳ sẽ khiến quãng thời gian 9 tháng 10 ngày trở nên khỏe mạnh hơn, và như vậy, việc hồi phục sau đó của bạn cũng sẽ tốt hơn.
Cuối cùng, nếu bạn cần nhớ thông tin quan trọng, hãy sử dụng một số thủ thuật để ghi nhớ kỹ hơn. Một cách rất đơn giản là ghi những điều cần thiết vào trong một cuốn sổ nhỏ, tạo một lịch nhắc việc đơn giản trên điện thoại, máy tính. Hoặc, hãy nhờ chồng, người thân giúp đỡ, ghi nhớ cùng bạn, vừa hạn chế được tác hại của chứng "não cá vàng" lại vừa gắn kết mối quan hệ trong gia đình!
Và nếu bạn có quên hết những điều chúng ta vừa cùng trao đổi, hãy mỉm cười và nghĩ đến em bé trong bụng nhé! Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh!
Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam