Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những loại thực phẩm bạn thường chế biến sai cách

Dưới đây là cách ăn đúng của một số loại thực phẩm thông thường như súp lơ,cà chua, đậu đỗ, hành tỏi... để không làm mất đi hương vị hoặc giá trị dinh dưỡng của chúng.

Bạn xào súp lơ xanh

Súp lơ xanh không nên là một nguyên liệu để chế biến món xào. Một nghiên cứu tại Trung Quốc chỉ ra rằng, xào súp lơ xanh sẽ làm giảm hàm lượng vitamin C khoảng 24%, đồng thời, xào súp lơ xanh cũng làm giảm lượng chất diệp lục, protein hòa tan và đường tự nhiên có trong súp lơ. Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Journal of Agricultural and Food Chemistry chỉ ra rằng xào súp lơ xanh sẽ làm mất 67% carotenoid, một chất chống oxy hóa tuyệt vời, do tác dụng của nhiệt độ cao.

Hấp, ngược lại sẽ giúp bảo toàn được lượng chất dinh dưỡng có trong súp lơ và giữ được hương vị tự nhiên của món ăn này. Bạn có thể hấp súp lơ xanh trước, sau khi bạn hoàn thiện món xào của mình và nhấc chảo ra khỏi bếp, lúc này hãy cho thêm súp lơ xanh vào món xào. Làm như vậy, bạn sẽ vẫn có thể có súp lơ trong món xào mà lại không mất đi lượng chất dinh dưỡng có trong súp lơ xanh.

Bạn chỉ ăn phần hoa của súp lơ

Khi bạn vứt đi phần thân/cuống của súp lơ xanh hoặc trắng, bạn cũng đã vứt đi một lượng lớn các chất dinh dưỡng. Trên thực tế, phần thân của súp lơ chứa nhiều chất xơ, vitamin C và canxi hơn là phần hoa súp lơ mà chúng ta hay ăn.

Bạn nghĩ rằng thảo mộc khô và thảo mộc tươi là giống nhau

Thảo mộc tươi bao giờ cũng thơm hơn thảo mộc khô, do vậy, thảo mộc tươi thường được sử dụng chung với các loại thực phẩm sống như cá hoặc mực. Thảo mộc khô thích hợp nhất cho các món sốt và súp nấu nhanh và dùng để tẩm ướp thịt. Thảo mộc khô là nguyên liệu tốt dùng để ướp thịt vì bạn có thể trộn chúng với muối và các loại gia vị khác.

Bạn không ngâm đậu/đỗ trước khi nấu nướng

Nếu bạn sử dụng đậu/đỗ tươi, thì việc không ngâm đậu không chỉ khiến bạn tốn thời gian nấu nướng hơn mà còn có thể gây tổn thương đến bạn. Với bất cứ loại đồ ăn nào cũng vậy, thời gian bạn nấu càng lâu, thì lượng vitamin và chất khoáng mất đi sẽ càng nhiều. Bằng việc ngâm đậu/đỗ với nước muối loãng qua đêm, vỏ của các loại đậu đỗ sẽ mềm hơn và giúp bạn giảm thời gian nấu chúng. Theo một nghiên cứu trên International Journal of Gastronomy and Food Science, ngâm đậu trong nước muối loãng có thể làm giảm thời gian nấu đậu khoảng 53%.

Bạn chỉ ăn cà chua sống

Salad và sandwich không phải là món ăn duy nhất bạn nên thêm cà chua vào. Nấu chín cà chua cũng là một cách khác để bạn tận dụng được lượng chất dinh dưỡng có trong cà chua. Cà chua chín sẽ giúp cơ thể hấp thu được lượng lycopene cao hơn gấp 4 lần so với cà chua sống. Quá trình nấu sẽ giúp lycopene (một chất chống oxy hóa rất mạnh) có thể tách rời loại protein gắn với chúng, do vậy, khiến lycopene có thể giải phóng được vào trong máu nhiều hơn.

Bạn không để hành và tỏi có thời gian nghỉ

Hành và tỏi đã thái sẵn không nên được cho vào nồi hay chảo ngay sau khi thái. Các thành phần có khả năng chống ung thư và lượng flavonoid sẽ được kích hoạt khi lớp niêm mạc tế bào bị phá vỡ trong quá trình cắt, thái, đập dập. Nhưng, ngay khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, thì ngay lập tức, quá trình kích hoạt này sẽ dừng lại.

Do vậy, bạn nên để hành và tỏi nghỉ ngơi một vài phút sau khi cắt, thái, đập dập rồi mới cho vào các món nấu đang nóng rực, để nhiều thành phần tốt cho sức khỏe được hình thành hơn.

Bạn cho rằng để tỏi cả tép sẽ có nhiều hương vị hơn

Bạn sẽ có thêm nhiều hương vị và mùi thơm hơn nếu bạn băm nhuyễn, đập dập hoặc giã nát tỏi. Và vì tỏi cũng rất dễ cháy, do vậy, bạn nên cho tỏi vào chảo cùng với các nguyên liệu khác để tỏi khó bị cháy hơn. Để tỏi nguyên tép sẽ làm giảm lượng chất chống oxy hóa có trong tỏi bởi những chất chống oxy hóa này chỉ được kích hoạt thông qua quá trình cắt/thái.

Ngay cả khi bạn ngâm dấm tỏi, cũng nên thái các tép tỏi thành 2 hay 3 lát để có được món tỏi ngâm dấm thơm và tốt hơn.

Bạn nghĩ rằng luộc rau là cách tốt nhất để ăn rau?

Nếu bạn luộc rau, bạn cũng đang luộc bỏ những chất dinh dưỡng ra ngoài. Ngoài ra, luộc rau cũng sẽ rất dễ khiến bạn luộc chín quá và biến những chất dinh dưỡng có trong rau trở thành dạng đặc sệt. Nướng sơ rau trên lửa hoặc trong lò nướng là một cách chế biến rau khác giúp bạn vẫn giữ được hương vị và độ giòn của rau.

Một ngoại lệ duy nhất trong trường hợp này là cà rốt. Một nghiên cứu xuất bản trên Journal of Agricultural and Food Chemistry chỉ ra rằng, luộc cà rốt sẽ làm tăng lượng lutein (chất dinh dưỡng tốt cho mắt) và không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào đến lượng beta carotene có trong cà rốt cả (chất dinh dưỡng tốt cho da và mắt).

Bạn vứt lõi dứa đi

Bạn có thể không muốn ăn phần lõi cứng của quả dứa, nhưng bạn có hoàn toàn có thể ăn được phần này để cung cấp thêm một lượng nhỏ bromelain cho cơ thể (bromelain là một chất giúp làm giảm viêm, nhất là viêm mãn tính trong cơ thể).

Một số chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn rằng, bạn có thể cắt nhỏ lõi dứa và ngâm vào trong một bình nước. Việc này không chỉ sẽ giúp bạn uống thêm nhiều nước hơn mà còn sẽ giúp bạn thu được thêm các chất dinh dưỡng có trong lõi dứa. Bạn cũng có thể nấu chín lõi dứa hoặc nếu bạn không ngại việc ăn lõi cứng, bạn có thể cắt nhỏ phần lõi dứa và ăn sống.

Bạn chỉ ăn phần thịt của các loại quả họ cam chanh

Bạn có thể tăng thêm lượng dinh dưỡng từ các loại quả họ cam chanh bằng cách tận dụng cả phần vỏ của các loại quả như cam, chanh, bưởi, quất. Vỏ cam chanh chứa nhiều flavonoid và chất xơ hơn phần thịt, do vậy, bạn có thể thử cách bào nhỏ vỏ cam chanh sau đó thêm một chút vào các món chính để tăng hương vị cho món ăn và bạn thêm được flavonoid cho cơ thể.

Hãy chú ý đến một vài điều tưởng như nhỏ nhặt chúng tôi vừa trao đổi với bạn ở trên, bạn sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ những món ăn quen thuộc.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 10 bí quyết để thực phẩm tươi ngon mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Reader's Digest
Bình luận
Tin mới
  • 01/07/2025

    Cách sử dụng dầu dừa điều trị chàm

    Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nhiều người bị chàm nhận thấy dầu dừa có tác dụng làm dịu da và giảm các triệu chứng như khô và ngứa.

  • 01/07/2025

    Vai trò của chất béo trong chế độ ăn lành mạnh

    Chất béo thường bị mang tiếng xấu mỗi khi nói về chế độ dinh dưỡng vì cho rằng đó là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì. Quan niệm cắt bỏ hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn đã từng phổ biến trong một số khuyến nghị dinh dưỡng. Thực tế, không phải tất cả các chất béo đều có hại.

  • 30/06/2025

    Dùng nghệ và mật ong cùng nhau có tăng lợi ích không?

    Mật ong với nghệ có thể được dùng cùng nhau trong chế độ ăn hằng ngày và thực phẩm bổ sung, vậy tác dụng của chúng có mạnh hơn khi kết hợp?

  • 30/06/2025

    Xử lý vết thương do côn trùng cắn khi đi du lịch: Những điều cần biết

    Du lịch là dịp để khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều thú vị, các chuyến đi đôi khi cũng tiềm ẩn những rủi ro nhỏ nhưng phiền toái, chẳng hạn như những vết thương do côn trùng cắn

  • 29/06/2025

    Sữa nguyên chất có dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro gì?

    Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nên có trong chế độ ăn hằng ngày, trong đó sữa nguyên chất được đánh giá là nguồn cung cấp protein tốt. Tìm hiểu về dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ sữa nguyên chất.

  • 29/06/2025

    Làm thế nào để bỏ thói quen dùng điện thoại

    Một số ứng dụng có thể cho bạn biết bạn dành bao nhiêu thời gian cho điện thoại và bạn dành bao nhiêu thời gian cho từng ứng dụng. Ngay cả khi bạn không nghĩ rằng mình sử dụng điện thoại quá nhiều, việc nhìn thấy những con số thống kê tần suất sử dụng có thể khiến bạn muốn đặt điện thoại xuống.

  • 29/06/2025

    Điểm danh 5 loại dầu thực vật mang lại lợi ích sức khỏe tuyệt vời

    Chất béo thường bị hiểu lầm là “kẻ thù” của sức khỏe, đặc biệt là đối với tim mạch và cân nặng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy không phải tất cả chất béo đều có hại. Ngược lại, một số loại chất béo tốt lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì năng lượng, hấp thụ vitamin và bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm. Trong đó, dầu ăn có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu bơ, dầu mè... không chỉ mang lại hương vị phong phú cho món ăn mà còn cung cấp các acid béo có lợi cho tim mạch, não bộ và hệ miễn dịch.

  • 28/06/2025

    Người mắc bệnh tim có nên ăn trứng?

    Quan niệm sai về hàm lượng cholesterol trong trứng đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người mắc bệnh tim hoặc đái tháo đường, loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn uống của mình.

Xem thêm