Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về bệnh bạch cầu

Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp một cái nhìn tổng quan về bệnh bạch cầu, nguyên nhân, cách điều trị, phân loại và triệu chứng của bệnh.

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ ước tính rằng 60.650 người ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu năm 2022 và ước tính gây ra 24.000 ca tử vong trong cùng năm. Tại Việt Nam, theo thống kê được công bố năm 2018, bệnh Bạch cầu xếp thứ 7 trong số các loại ung thư được ghi nhận. Trong đó, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với nữ giới (7,1% ở nam và 5,7% ở nữ).

Có nhiều loại bệnh bạch cầu khác nhau và tiến triển của bệnh phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu mắc phải. Bệnh bạch cầu cấp tính diễn biến rất nhanh và dễ chuyển biến xấu, nhưng bệnh bạch cầu mạn tính sẽ tăng nặng dần theo thời gian. 

Nguyên nhân

Bệnh bạch cầu phát triển khi có các bất thường ở ADN của các tế bào máu đang phát triển, chủ yếu là các tế bào bạch cầu. Điều này làm cho các tế bào máu phát triển và phân chia không kiểm soát được. Thông thường, các tế bào máu khỏe mạnh sẽ chết sau một thời gian và các tế bào mới sẽ được hình thành phát triển trong tủy xương và thay thế các tế bào đã cũ chết đi.

Trong bệnh bạch cầu, các tế bào máu phát triển quá nhanh, không hoạt động hiệu quả và không chết tại một thời điểm tự nhiên trong vòng đời của chúng. Thay vào đó, các tế bào máu bất thường này sẽ chiếm nhiều không gian hơn. Khi tủy xương tạo ra nhiều tế bào ung thư hơn, các tế bào ung thư bất thường này bắt đầu gây quá tải, ngăn cản các tế bào bạch cầu khỏe mạnh phát triển và hoạt động bình thường. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiểu cầu và hồng cầu. Cuối cùng, các tế bào ung thư vượt trội so với các tế bào khỏe mạnh trong máu.

Đọc thêm bài viết: Mất bao lâu để giảm nồng độ cholesterol trong máu?

Các yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia thường không biết tại sao bệnh bạch cầu lại xảy ra, nhưng các yếu tố môi trường và di truyền có thể đóng một vai trò nào đó. Mặc dù các đặc điểm di truyền có thể không gây ra bệnh bạch cầu, nhưng các yếu tố di truyền có thể khiến bệnh dễ xuất hiện hơn trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như sau khi tiếp xúc với một số hóa chất hoặc nhiễm trùng.

Các yếu tố nguy cơ sẽ phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu. Một số yếu tố nguy cơ có thể tránh được, nhưng những yếu tố khác thì không. Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu và các yếu tố khác nhau, tuy nhiên sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận chính xác mối liên quan này.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu cần kể đến như:

  • tiền sử nhiễm trùng như virus Epstein-Barr
  • tiếp xúc với bức xạ ion hóa, ví dụ như trong quá trình xạ trị cho bệnh ung thư trước đó, bức xạ nền hoặc do người bệnh ở gần nơi đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân
  • có cân nặng khi sinh cao hoặc thấp
  • là nam giới, vì tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở nam giới cao hơn ở nữ giới
  • tiếp xúc với thuốc trừ sâu và ô nhiễm không khí
  • có cha mẹ hút thuốc lá
  • sinh mổ
  • mắc một bệnh di truyền như Hội chứng Down hoặc hội chứng Klinefelter
  • tiếp xúc với benzen
  • có tiền sử được hóa trị liệu
  • đã từng mắc một loại bệnh ung thư máu

Phân loại

Các bác sĩ phân loại các loại bệnh bạch cầu khác nhau theo:

  • loại tế bào máu bị biến đổi bất thường
  • cấp tính hay mạn tính
  • bệnh ở trẻ em hoặc người lớn

Bệnh bạch cầu mạn tính và cấp tính

Trong bệnh bạch cầu cấp tính, các tế bào ung thư phát triển nhân lên nhanh chóng và tích tụ trong tủy và máu. Xét nghiệm máu sẽ cho thấy rằng hơn 20% tế bào máu là tế bào non (blast cells) nghĩa là chúng chưa trưởng thành nhưng đã thoát ra khỏi tủy xương quá sớm và không hoạt động không lưu thông trong vòng tuần hoàn.

Bệnh bạch cầu mạn tính tiến triển chậm hơn. Trong bệnh bạch cầu mạn tính cơ thể bạn vẫn sản xuất các tế bào hữu ích, trưởng thành hơn. Trong xét nghiệm máu, ít hơn 20% tế bào là tế bào non (blast cells).

Bệnh bạch cầu dòng lympho và bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Bệnh bạch cầu dòng lympho xảy ra nếu những thay đổi ung thư ảnh hưởng đến loại tủy xương tạo ra các tế bào lympho. Tế bào lympho là một tế bào bạch cầu đóng một vai trò trong hệ thống miễn dịch. Bệnh bạch cầu tủy xương xảy ra khi những thay đổi ảnh hưởng đến các tế bào tủy xương sản xuất tế bào máu chứ không phải tế bào máu.

Đọc thêm bài viết: Chế độ ăn giúp làm giảm lượng triglyceride trong máu

Các bệnh bạch cầu phổ biến

Có một số loại bệnh bạch cầu phổ biến hay gặp như:

  • Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính: Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất phát triển bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính (ALL). Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn, thường là trên 50 tuổi. Khoảng 60% trường hợp mắc bệnh là ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính: Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính (CLL) chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 70 tuổi, nhưng một số người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh này. Khoảng 25% các trường hợp mắc bệnh bạch cầu mới được phân loại là bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính CLL. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới và hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy: Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) phổ biến ở người lớn hơn trẻ em và ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ. Tuy nhiên bệnh bạch cầu cấp dòng tủy khá hiếm gặp.
  • Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy: Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML) chiếm khoảng 15% trong số tất cả các trường hợp bệnh bạch cầu ở Hoa Kỳ, bệnh rất hiếm gặp ở  trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu tế bào lông: Bệnh bạch cầu tế bào lông (HCL) là một loại bệnh bạch cầu hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn ở độ tuổi trung niên trở lên. Ở Hoa Kỳ, có khoảng 1.000 trường hợp mắc mới mỗi năm. Đây là bệnh bạch cầu mạn tính và có xu hướng phát triển chậm. Bệnh có tên như vậy bởi vì, dưới kính hiển vi, các tế bào ung thư có những sợi mảnh, giống như sợi tóc.

Điều trị

Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào:

  • loại bệnh bạch cầu
  • tuổi của người bệnh
  • thể trạng của người bệnh

Các lựa chọn điều trị mà bác sĩ có thể đề nghị cho bệnh nhân bao gồm:

  • Thận trọng chờ đợi bệnh bạch cầu phát triển chậm, chẳng hạn như với bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính CLL và bệnh bạch cầu tế bào lông HCL
  • hóa trị
  • xạ trị
  • liệu pháp nhắm trúng đích
  • liệu pháp miễn dịch
  • cấy ghép tủy xương
  • phẫu thuật cắt bỏ lá lách
  • ghép tế bào gốc kết hợp với hóa trị liệu

Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp với loại bệnh bạch cầu và điều trị càng bắt đầu sớm thì càng có tiên lượng tốt hơn.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu khác nhau tùy theo loại bệnh. Một số triệu chứng của bệnh bạch cầu gồm:

Dễ bầm tím và chảy máu

Bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến các tế bào máu dòng tiểu cầu, khiến máu khó đông hơn. Dấu hiệu bầm tím, chảy máu xuất huyết ở người bị bệnh bạch cầu:

  • Người bệnh bị bầm tím dễ dàng và thường xuyên
  • Vết thương nhỏ chảy máu nhiều và lành chậm
  • Bị chảy máu cam hoặc chảy máu nướu răng
  • Xuất hiện đốm đỏ xuất huyết trên da
  • Có ban xuất huyết màu tím trên da

Nhiễm trùng thường xuyên

Các tế bào bạch cầu rất quan trọng để chống lại nhiễm trùng. Nếu các tế bào bạch cầu không hoạt động chính xác, bạn có thể bị nhiễm trùng thường xuyên. Hệ thống miễn dịch có thể tấn công các tế bào của chính cơ thể.

Thiếu máu

Khi tế bào hồng cầu bị giảm, không hoạt động thì bệnh thiếu máu có thể phát triển. Điều này xảy ra khi không có đủ huyết sắc tố trong máu. Các triệu chứng thiếu máu bao gồm:

  • Hoa mắt và chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Da xanh xao

Các triệu chứng khác của bệnh bạch cầu:

  • buồn nôn
  • sốt
  • đau xương
  • sụt cân

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu đều có thể xảy ra với các tình trạng khác. Bất cứ ai có mối quan tâm về các triệu chứng nên đi khám để được các bác sĩ cho các chỉ định xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Chẩn đoán

Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần thực hiện các bước thăm khám sau cho bệnh nhân như:

  • Khám lâm sàng
  • Tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình
  • Kiểm tra các dấu hiệu thiếu máu
  • Các dấu hiệu gan, lách to
  • Các xét nghiệm máu

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh bạch cầu, bác sĩ có thể đề nghị  bạn làm sinh thiết tủy xương. Bác sĩ sẽ làm một cuộc tiểu phẫu sử dụng một cây kim dài và nhỏ lấy tủy xương thường là từ xương hông. Sinh thiết tủy xương có thể cho biết bạn có bị bệnh bạch cầu hay không và nếu có thì là loại nào.

Các câu hỏi thường gặp

Các yếu tố nguy cơ bị bệnh bạch cầu?

Các yếu tố di truyền và môi trường có thể đóng một vai trò trong việc hình thành bệnh bạch cầu. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với bức xạ và chất độc, chẳng hạn như khói thuốc lá và benzen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể góp phần gây nên bệnh.

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư nghiêm trọng?

Tất cả các bệnh ung thư đều nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế. Có nhiều loại bệnh bạch cầu khác nhau và một số tiến triển nhanh hơn những loại khác. Nếu không điều trị, bệnh bạch cầu có thể gây tử vong, nhưng tiến bộ y học trong điều trị và phát hiện bệnh sẽ giúp người bệnh có nhiều khả năng sống sót với bệnh bạch cầu hơn so với trước đây.

Tỷ lệ sống sót ở người mắc bệnh bạch cầu là bao nhiêu?

Nhìn chung, một người mắc bệnh bạch cầu có 65,7% cơ hội sống sót ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán, theo số liệu từ năm 2012 - 2018. Đối với trẻ em, tỷ lệ này là gần 86%. Tuy nhiên, tỷ lệ sẽ khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu mà bạn mắc phải. Trẻ em bị bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính có 90% cơ hội sống sót ít nhất 5 năm nữa.

Tiên lượng

Tiên lượng cho những người mắc bệnh bạch cầu phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu mắc phải. Tuổi và thể trạng của người bệnh cũng sẽ đóng một vai trò trong việc tiên lượng bệnh. Bác sĩ không thể dự đoán một người có khả năng sống với bệnh bạch cầu trong bao lâu, nhưng số liệu thống kê từ các nghiên cứu trước đây có thể cho thấy một số xu hướng. Điều trị có thể làm thuyên giảm bệnh khi các dấu hiệu của bệnh bạch cầu đã biến mất. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần theo dõi và xét nghiệm trong một thời gian để đảm bảo bệnh bạch cầu không quay trở lại.

Chế độ ăn uống không phải là một liều thuốc chữa bệnh nhanh chóng, nhưng nó có khả năng cao giúp cải thiện tình trạng thiếu máu của bạn. Liên hệ ngay Trung tâm Điều trị Béo phì và Hội chứng chuyển hóa VIAM - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam để khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng cùng chuyên gia đầu ngành TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935 18 3939/ 024 3633 5678

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Medical News Today
Bình luận
Tin mới
Xem thêm