Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những bí mật chưa biết về người hướng nội - Phần 2

Mặc dù chiếm khoảng 40% dân số nhưng người nhóm tính cách hướng nội thường cho rằng người khác dường như chẳng hiểu gì về họ.

6. Họ không muốn lúc nào cũng cô đơn

Mặc dù người hướng nội đôi lúc cần thời gian để nghỉ ngơi, một mình, thư giãn sau quãng thời gian mệt mỏi, nhưng không có nghĩa là họ lúc nào cũng muốn cô đơn một mình.

Người hướng nội vẫn thích dành thời gian bên những người thân của họ bởi sau khi mệt mỏi qua đi, họ cũng thích chia sẻ, vui vẻ cũng những người họ hiểu rõ.

7. Họ không sợ không gian rộng

Người hướng nội thường trầm tính và thích ở một mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sợ không gian rộng hay mắc một hội chứng nào đó tương tự. Chắc chắn một số người hướng nội có thể mắc hội chứng sợ không gian rộng nhưng con số này không lớn và cũng chỉ giống nhưmọi người mà thôi.

Nhiều người hướng nội mô tả mình như một người ưa thích ngôi nhà của riêng mình bởi họ thích tận hưởng khoảnh khắc cùng gia đình và những sở thích của riêng mình. Điều này không có nghĩa là họ sợ những nơi công cộng.

8. Người hướng nội không ghét người khác

Người hướng nội không thù hằn hay ghét bỏ người khác. Trong thực tế, người hướng nội lại rất quan tâm đến người khác; họ đơn giản là cảm thấy kiệt sức bởi quá nhiều cuộc trò chuyện và tương tác với người khác. Đặc biệt là những cuộc trò chuyện vô bổ, tầm phào.

Trò chuyện xã giao luôn khiến người hướng nội cảm thấy không thoải mái. Cái họ cần là một lý do thật sự để nói chuyện. Bắt đầu một cuộc trò chuyện thú vị về một thứ gì đó mà người hướng nội quan tâm và bạn sẽ thấy họ có thể là thành phần “nhiều lời” nhất trong phòng.

9. Người hướng nội không có nghĩa là họ đang đau khổ hoặc cần hàn gắn

Hướng nội thường được coi là đang gặp phải một trở ngại gì đó cần vượt qua.

Nhiều người hướng nội kể rằng giáo viên và những người lớn khác thường đẩy họ vào những tình huống không thoải mái như bắt một học sinh trầm lặng phải đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm, chỉ định một đứa trẻ dè dặt đóng vai chính trong một vở kịch của lớp, và bắt cặp những trẻ trầm lặng nhất với những trẻ hướng ngoại nhất khi làm bài tập nhóm chẳng hạn. Những hành động này thường kèm theo một lời giải thích đơn giản (nhưng lại được truyền đạt sai lệch): “Em quá trầm, thầy muốn em tiếp xúc với những bạn ấy để có thể dễ hòa đồng hơn”

Nhưng “hướng nội” không phải thứ để “vượt qua”. Rụt rè quá mức và lo âu xã hội chắc chắn là vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nếu chúng gây khó chịu và ảnh hưởng lên cuộc sống. Nhưng những vấn đề này cần được xử lý với lòng thương yêu và cách thức chuyên nghiệp. Bắt một đứa trẻ rụt rè hoặc lo âu phải hòa nhập vào một tình huống xã hội nơi chúng cảm thấy ngợp hoặc không thoải mái là cách không phù hợp nhất để xử lý vấn đề.

Như đã đề cập trước đó, trầm lặng và rụt rè không giống nhau. Người hướng nội không cần bị “đập vỡ” và đắp lại thành người hướng ngoại.

10. Nhận xét họ trầm lặng là một việc làm thiếu tế nhị

Hướng nội không phải là nhóm tính cách duy nhất bị hiểu sai. Người hướng ngoại cũng thường bị buộc tội bởi những người không hiểu họ, cho rằng họ quá ồn ào và nói quá nhiều.

Đối với một người hướng nội, liên tục bị nói rằng “bạn quá trầm” thì cũng rất giống như nói người hướng ngoại là “không bao giờ ngậm miệng lại”. Thô lỗ như vậy là không cần thiết và nói như thế chẳng khác nào ngụ ý họ có vấn đề.

Cả hai nhóm tính cách đều cần nỗ lực để hiểu những người khác biệt họ. Người hướng nội cũng có những nhu cầu và thói quen riêng, người hướng ngoại cũng vậy.

Thông tin chi tiết tham khảo thêm tại: 7 loại tính cách và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của bạn

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywell
Bình luận
Tin mới
Xem thêm