Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhiễm Rubella khi mang thai

Mắc rubella khi đang mang bầu có thể rất nguy hiểm cho cả bạn và em bé trong bụng, đặc biệt là trong những tuần đầu của thai kỳ. Vì những triệu chứng khởi phát của rubella rất khó để phát hiện, nên ngay khi mẹ bầu nghi ngờ đã nhiễm rubella, hãy đi khám bác sỹ ngay lập tức.

Nhiễm Rubella khi mang thai 

Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức, là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có các triệu chứng tương tự như bị cúm. Rất khó để biết được bạn có bị nhiễm Rubella hay không. Và cũng chỉ có một nửa số người nhiễm rubella sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng, trong khi những người còn lại có thể sẽ không có bất cứ triệu chứng nào cả.

Rubella là một bệnh rất dễ lây truyền thông qua việc ho hoặc hắt hơi của người đã nhiễm bệnh. Mặc dù với mọi người, rubella không nguy hiểm như bệnh sởi, nhưng rubella lại là một căn bệnh tương đối nguy hiểm với phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân gây bệnh rubella

Bệnh Rubella là do virus rubella gây ra. Virus Rubella có thể lây truyền từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh thông qua các giọt bắn của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi, rồi sau đó người khỏe mạnh hít phải. Một cách lây truyền khác, nếu bạn chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus Rubella từ người mắc bệnh, sau đó chạm tay vào niêm mạc mũi, miệng, mặt thì bạn rất có thể sẽ nhiễm bệnh.

Rất nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng lại không biết hoặc không có triệu chứng, do vậy càng làm tăng khả năng lây truyền bệnh cho người khác. Thời gian lây truyền kéo dài từ khoảng một vài tuần trước khi những vết mẩn đỏ đầu tiên xuất hiện cho đến khoảng 2 tuần sau khi tình trạng mẩn đỏ biến mất.

Khi mang thai, nếu bạn nhiễm rubella, thì tình trạng nhiễm trùng có thể lây sang em bé trong bụng thông qua dòng máu.

Triệu chứng của nhiễm rubella

Đa số triệu chứng của tình trạng nhiễm rubella khi mang thai rất nhẹ, hầu như mẹ bầu không nhận ra được, bởi biểu hiện có thể chỉ là một cơn cảm lạnh nhẹ hoặc một cơn ho. Nhiều khi, mẹ bầu nhiễm rubella nhưng không hề có triệu chứng nào cả.

Thông thường, triệu chứng nhiễm rubella tương tự như bị cúm, và thường xuất hiện sau khoảng từ 2-3 tuần sau khi nhiễm virus; và thường kéo dài trong khoảng từ 3-7 ngày.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất có thể xuất hiện nếu bạn bị nhiễm rubella:

  • Sốt nhẹ, khoảng hơn 38 độ, gần 39 độ
  • Sổ mũi, ngạt mũi
  • Đỏ mắt, viêm hoặc sưng ở mắt
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Sưng và đau các hạch bạch huyết
  • Phát ban màu hồng hoặc đỏ xuất hiện đầu tiên tại mặt, sau đó lan dần xuống dưới và có thể phát ban khắp cơ thể.

Mẹ bầu có thể xuất hiện tất cả các triệu chứng nói trên hoặc chỉ một vài triệu chứng. Nếu mẹ bầu nhận thấy mình có bất cứ triệu chứng nào, hãy đi khám ngay để được điều trị và chăm sóc cần thiết.

Một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm rubella có thể lan tới tai hoặc thậm chí gây sưng phù ở não. Dưới đây là một số dấu hiệu nguy hiểm bạn nên thận trọng:

  • Thường xuyên đau đầu. Cơn đau không giảm đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc ngủ. Cơn đau đầu thậm chí còn diễn biến nặng hơn theo thời gian.
  • Đau dai dẳng ở bên trong tai và thậm chí gây khó nghe
  • Cứng cổ, khó cử động cổ

Nếu bạn xuất hiện bất cứ triệu chứng nào ở trên, phải đi khám ngay lập tức, để tránh những biến chứng vô cùng nghiêm trọng nếu không được điều trị cấp cứu.

Vaccine rubella cho phụ nữ mang thai

Lưu ý rằng, mẹ bầu không được tiêm vắc xin dự phòng rubella, vì đây là vắc xin sống giảm độc lực và có thể sẽ rất nguy hiểm cho cả bạn và em bé. Hãy báo ngay là bạn đang mang thai khi đến khám bác sỹ vì nghi ngờ mình bị nhiễm rubella.

Vaccine phòng rubella thường phối hợp với vaccine sởi (trong vắc xin sởi - rubella) hoặc phối hợp 3 thành phần: vắc xin sởi - rubella - quai bị. Hiện nay ở Việt Nam, trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin sởi - rubella được tiêm miễn phí cho trẻ em từ 18 đến 24 tháng tuổi. Đồng thời trẻ em dưới 18 tuổi cũng sẽ được tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi - rubella.  

Những bà mẹ đang chuẩn bị mang thai được khuyến cáo tiêm vắc xin sởi - rubella từ 3-6 tháng trước khi mang bầu.

Các yếu tố nguy cơ đi kèm với tình trạng nhiễm rubella trong khi mang thai

Nhiễm rubella khi đang mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và còn ảnh hưởng đến cả em bé trong bụng. Trong khi mang thai, tình trạng nhiễm rubella có thể lây truyền từ mẹ sang bé thông qua dòng máu từ mẹ sang con qua nhau thai. 

Ảnh hưởng của bệnh rubella với em bé sẽ phụ thuộc vào thời điểm mẹ bị nhiễm bệnh. Nếu mẹ nhiễm virus trong 20 tuần đầu của thai kỳ, nguy cơ lây truyền sang em bé rất cao, và ảnh hưởng lên em bé cũng nghiêm trọng hơn. Nếu mẹ nhiễm virus trong giai đoạn sau của thai kỳ, nguy cơ lây truyền virus sang cho em bé và ảnh hưởng với em bé cũng sẽ ít hơn, thậm chí có thể nói là gần như không ảnh hưởng gì tới em bé.

Nếu bà mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ:  sẽ dễ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu thai tiếp tục phát triển và sinh ra em bé thì 70-100% trẻ đẻ ra bị Hội chứng Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

Nếu bà mẹ nhiễm Rubella sau 3 tháng: nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%; khi thai được 17-20 tuần thì tỷ lệ là 5%, còn khi thai hơn 20 tuần tỷ lệ đó bằng 0%.

Hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật hết sức nặng nề ở trẻ mới sinh, bao gồm:

  • Dị tật ở tim
  • Chậm phát triển
  • Khó nghe hoặc điếc
  • Khuyết tật trị tuệ
  • Ngoài ra, có rất nhiều dị tật khác có thể xuất hiện trong những giai đoạn sau, khi trẻ tập đi hoặc khi trẻ bắt đầu đi học

Giảm nguy cơ nhiễm rubella trong khi mang thai

Nếu bạn có ý định mang thai, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên xét nghiệm miễn dịch rubella hoặc tiêm dự phòng vắc xin rubella khoảng 3-6 tháng trước khi bắt đầu thụ thai.

Khi mang thai, bạn không thể tiêm vắc xin rubella, và nếu bạn lại không có miễn dịch với virus rubella thì việc cố gắng không để nhiễm virus là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số cách giúp giảm nguy cơ bị nhiễm rubella khi đang mang thai:

  • Nếu bạn nhận thấy có ai đó bị mẩn đỏ trên cơ thể, trên mặt và có xuất hiện các dấu hiệu giống như bị cảm lạnh (ví dụ như chảy nước mắt, đỏ mắt, sổ mũi, ngạt mũi), hãy tránh xa những người này và tránh tiếp xúc với họ dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Hạn chế sử dụng toilet công cộng và các địa điểm công cộng khác, vì đây là những khu vực mà vi khuẩn và virus có thể dễ dàng lây lan và ảnh hưởng đến bạn.
  • Nếu trong nhà bạn có trẻ nhỏ, bạn nên kiểm tra lịch tiêm chủng vaccine phòng rubella cho trẻ. Trong trường hợp trẻ đã được tiêm phòng từ trước, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu trẻ có cần làm xét nghiệm kiểm tra mức độ miễn dịch và kiểm tra để phòng trường hợp trẻ bị nhiễm virus hay không. Nếu trong nhà bạn có những người khác mà bạn không chắc chắn rằng họ đã tiêm vắc xin phòng rubella từ trước hay chưa, hãy trao đổi với bác sỹ để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh của những người này cũng như mức độ miễn dịch của họ.
  • Có một số cộng đồng nhất định có khả năng sẽ bùng phát dịch rubella cao hơn. Do vậy, nếu được bạn nên tránh tiếp xúc với những người thuộc các cộng đồng này bằng cách tránh làm việc với họ hoặc ở nhà.
  • Trong trường hợp bạn có kế hoạch đi du lịch tới vùng mà gần đây mới có dịch rubella bùng phát hoặc đã từng có dịch rubella trong quá khứ, thì tốt nhất, bạn nên hoãn chuyến đi của mình lại sau thai kỳ.
  • Khi bạn đã sinh em bé, bạn nên trao đổi với bác sỹ để tiêm vắc xin phòng rubella sớm nhất có thể, để giảm nguy cơ nhiễm bệnh trong trường hợp mang thai lần nữa.
  • Trong khi đang cho con bú, bạn có thể tiêm được vắc xin phòng rubella. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định sinh thêm một em bé nữa, hãy đảm bảo rằng, khoảng thời gian từ khi bạn tiêm cho tới ngày thụ thai cách nhau tối thiểu là 28 ngày.

Đảm bảo chắc chắn rằng bạn theo dõi chặt chẽ tất cả các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện khi mang thai, thông báo cho bác sỹ kể cả khi bạn cảm thấy không có vấn đề gì hoặc dấu hiệu không quan trọng. Bác sỹ sẽ thăm khám và chỉ định những xét nghiệm cần thiết cho bạn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh Rubella

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Momjunction- TCMR
Bình luận
Tin mới
  • 29/03/2024

    5 nguyên tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần nắm rõ

    Trên thực tế, không có một chế độ ăn uống nào dùng chung được cho tất cả người bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn uống cần phải được “cá thể hóa”, tức là xây dựng cho riêng từng người bệnh cụ thể. Để xây dựng chế độ ăn phù hợp, người bệnh cần tuân thủ 5 nguyên tắc quan trọng trong bài viết sau.

  • 29/03/2024

    Đau đầu có nên uống trà?

    Khi bị stress, đau nhức đầu, nhiều người tìm tới thức uống giúp giải tỏa mệt mỏi như trà. Tuy nhiên, liệu trà nhiều caffeine và tannin có giúp giảm đau đầu hiệu quả?

  • 29/03/2024

    Điều gì thực sự xảy ra với cơ thể bạn khi bạn dùng Collagen?

    Theo các thống kê collagen là một trong những chất bổ sung phổ biến và thị trường tiêu thụ ngày càng tăng. Nhưng trước khi bạn đổ tiền vào các gian hàng thực phẩm bổ sung, bạn nên biết rằng không phải tất cả những tuyên bố về lợi ích của collagen đều có cơ sở khoa học.

  • 29/03/2024

    Cảnh báo nguy hiểm khi thiếu vitamin B12: Đau đầu, thiếu máu ác tính

    Vitamin B12 là dưỡng chất rất cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu đỏ và cũng cần thiết cho sự hình thành ADN.

  • 29/03/2024

    Tác dụng phụ có thể xảy ra sau mổ đẻ

    Mổ đẻ là phẫu thuật lấy thai ra ngoài qua đường cắt ở vùng bụng và tử cung, được thực hiện khi sinh thường qua âm đạo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi. Mặc dù sinh mổ ngày nay đã an toàn hơn nhờ sự tiến bộ của y học, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh.

  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

Xem thêm