Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngừng thuốc tránh thai giữa chừng: Những nguy cơ cần lưu ý

Thuốc tránh thai là một biện pháp giúp ngừa thai hữu hiệu và đơn giản, được sử dụng khá phổ biến.

Người dùng cần dùng liên tục, đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc tránh thai mà ngừng giữa chừng có thể xảy ra một số nguy cơ mà người dùng cần lưu ý.

Có nhiều lý do khiến việc ngừng thuốc tránh thai giữa chừng có thể xảy ra như: muốn chuyển sang một phương pháp ngừa thai khác; gặp tác dụng phụ khó chịu; chi phí cao... Và mọi người có thể ngừng sử dụng thuốc tránh thai một cách an toàn bất cứ lúc nào họ muốn. Tuy nhiên, những người ngừng dùng thuốc tránh thai nên lưu ý đến việc tăng khả năng mang thai ngoài kế hoạch và đôi khi có thể gặp tác dụng phụ của thuốc (thường là ngắn hạn).

Nếu ngừng thuốc tránh thai giữa chừng có thể xảy ra một số nguy cơ, người dùng cần lưu ý.

Nếu ngừng thuốc tránh thai giữa chừng có thể xảy ra một số nguy cơ, người dùng cần lưu ý.

Mang thai ngoài ý muốn

Thuốc tránh thai hàng ngày thường chứa estrogen và progesterone (đây là 2 hormon sinh dục nữ) có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng, làm dày lớp màng nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng bơi về phía tử cung để thụ tinh, làm biến đổi thành tử cung không thích hợp cho trứng làm tổ, do vậy mà có tác dụng tránh thai.

Khi ngừng thuốc, các hormon này được loại bỏ khỏi cơ thể có thể kích hoạt sự rụng trứng. Về lý thuyết, sự rụng trứng có thể xảy ra ngay sau khi ngừng thuốc. Trong trường hợp này, có thể mang thai ngay lập tức.

Như vậy, khi ngừng thuốc tránh thai giữa chừng sẽ làm tăng khả năng mang thai ngoài ý muốn. Để tránh mang thai ngoài kế hoạch này, cần sử dụng một phương pháp ngừa thai thay thế, ví dụ như dùng bao cao su hoặc màng ngăn khi quan hệ tình dục.

Trong một số trường hợp, có thể bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai mới trước khi dừng biện pháp tránh thai trước đó. Điều này sẽ giúp bảo vệ chống lại mang thai trong khi chờ thời gian hormon của thuốc tránh thai mới có hiệu lực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần trao đổi với chuyên gia y tế về sự an toàn của việc sử dụng 2 biện pháp tránh thai nội tiết tố cùng một lúc.

Một số bất lợi liên quan đến nội tiết tố

Các triệu chứng liên quan đến nội tiết tố là một tác dụng phụ có thể xảy ra khi ngừng thuốc tránh thai. Một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng ngắn hạn hoặc dài hạn do việc ngừng thuốc này.

Triệu chứng ngắn hạn: Các triệu chứng có thể xảy ra trong vài tuần đến khi các hormon tự nhiên của cơ thể có thể hoạt động trở lại. Những triệu chứng này có xu hướng tạm thời bao gồm: Hành kinh sớm hơn hoặc muộn hơn so với chu kỳ kinh bình thường; xuất hiện các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như mụn trứng cá, cương đau ngực, thèm ăn, đau đầu, thay đổi tâm trạng, trầm cảm hoặc lo lắng...

Triệu chứng lâu dài: Một số người có thể trải qua những thay đổi dài hạn hơn trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi họ ngừng uống thuốc. Nếu không có hormon kiểm soát sinh sản này, chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi: Có thể trở nên bất thường hơn hoặc bắt đầu theo một chu kỳ khác.

Ngoài ra, trong một số trường hợp dùng thuốc tránh thai để trị một số tình trạng như: PMS, chu kỳ không đều, mụn trứng cá, lạc nội mạc tử cung, u xơ, PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang)... Các triệu chứng của những điều kiện này có thể trở lại trong trường hợp không có thuốc.

Tác dụng lên cơ thể

Khi một người ngừng uống thuốc tránh thai, hormon của thuốc sẽ nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể. Dần dần, các hormon tự nhiên của cơ thể sẽ tiếp tục điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết mọi người sẽ mất khoảng từ 2-4 tuần, tuy nhiên, có những trường hợp phải mất đến 3 tháng để chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên hoàn toàn tự thiết lập lại.

Trong một số trường hợp, rối loạn nội tiết tố của cơ thể có thể xảy ra. Vì vậy, khi thấy chu kỳ kinh nguyệt không trở lại bình thường sau một vài tháng, nên đi khám bác sĩ.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày như: buồn nôn, nhức đầu, tăng cân, bứt rứt, khó chịu, cảm giác nặng ở chân; tức nhẹ ở vú, ra máu giữa chu kỳ, giảm mức độ và độ dài kỳ kinh, chậm kinh hoặc mất kinh, thay đổi ham muốn tình dục... Những tác dụng phụ này có thể không cần phải ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, có thể trao đổi với bác sĩ để đổi sang chế phẩm thuốc tránh thai khác cho phù hợp. Khi muốn chuyển sang một phương pháp tránh thai khác thay thế, cần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn loại thuốc thích hợp hơn với tình trạng của mình và ít tác dụng phụ hơn.

 
DS. Nguyễn Thu Giang - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm