Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN VỀ HIỆU QUẢ CỦA PROBIOTICS - Chủng Casei 431

Việc sử dụng vi sinh vật sống nhằm tăng cường sức khỏe đã được thực hiện từ hàng nghìn năm nay. Cho tới nay hiệu quả của probiotics lên sức khỏe con người ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và các chuyên gia về sức khỏe trên thế giới.

Bài tổng quan tập hợp kết quả từ 161 nghiên cứu được tiến hành trên toàn cầu trong những năm qua về hiệu quả của bổ sung Probiotics lên sức khoẻ con người.

Việc sử dụng vi sinh vật sống nhằm tăng cường sức khỏe đã được thực hiện từ hàng nghìn năm nay.  Cho tới nay hiệu quả của probiotics lên sức khỏe con người ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và các chuyên gia về sức khỏe trên thế giới. Một số công trình nghiên cứu gần đây về đặc điểm và vai trò của các vi sinh vật sống tồn tại trong thực phẩm đã cho thấy rằng probiotics đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và hoạt động của hệ tiêu hóa, hô hấp. Đồng thời các vi sinh vật này cũng có hiệu quả tích cực trong việc làm giảm các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em và nhóm những người có nguy cơ cao. Do vậy, mục tiêu của bài báo này là tập hợp, đánh giá những nghiên cứu trong những năm vừa qua về tác dụng của probiotics, đặc biệt là chủng Lactobacillus paracasei subsp. paracasei (L. casei 431®). Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng chủng L. casei 431có hiệu quả trong phòng và điều trị tiêu chảy cấp và mãn tính, tiêu chảy do kháng sinh; không dung nạp lactose; viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non; giảm nhẹ triệu chứng và tiến triển của các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa và nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn và nấm Candida albicans; hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột, tăng sức đề kháng của cơ thể; giảm các bệnh lý dị ứng; kìm hãm sự phát triển của một số loại ung thư. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về hiệu quả của L. casei 431 trên tăng trưởng ở trẻ em.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Hàng nghìn năm về trước, con người đã biết tiêu thụ các các sản phẩm sữa lên men chứa vi sinh vật sống có lợi. Quá trình sản xuất sữa lên men được ghi trong “Book of Genesis”. Hippocrates và các nhà khoa học khác cũng chỉ định sử dụng sữa lên men để chữa trị rối loạn ruột và dạ dày (Oberman, 1985). Năm 1907, nhà khoa học Nga, Eli Metchnikoff – người đã từng đoạt Giải Nobel trong bài thảo luận xuất sắc "Việc kéo dài cuộc sống" (‘The prolongation of life’) cho rằng khi được tiêu thụ, các vi khuẩn lên men ảnh hưởng tốt đến hệ vi sinh vật của ruột kết: giảm hoạt động của vi khuẩn độc hại, dẫn đến ngăn cản lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Năm 1930, nhà khoa học Nhật Minoru Shirota phân lập được các vi khuẩn lactic. Cùng năm đó, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã chứng minh Lactobacillus acidophilus có khả năng làm giảm bệnh táo bón. Các nhà khoa học đại học Havard phát hiện ra các vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quyết định trong quá trình tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn, cung cấp một số vitamin và các chất dinh dưỡng khác nhau mà cơ thể vật chủ không tự sản xuất được. Các sản phẩm probiotic mang tính thương mại xuất hiện từ 1935 và tăng mạnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiện nay Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức chuyên ngành đã ghi nhận bổ sung probiotics có hiệu quả tích cực trong điều trị tiêu chảy liên quan đến sử dụng kháng sinh, trong điều trị các bệnh lý dị ứng, viêm ruột hoại tử, bệnh lý viêm tại ruột, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch. Một số hiệu quả khác được công bố ở nhiều nghiên cứu gần đây.

Tuy nhiên, từ 2010 đến nay các chuyên gia hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục thảo luận về hiệu quả của các chủng Probiotics, liều lượng sử dụng, hiệu quả thực tế trên dự phòng, hiệu quả trên các đối tượng cụ thể và cấp độ mức chứng cứ của các nghiên cứu. Đây là vấn đề do European Food Safety Authority và một số tổ chức khác đặt ra với quan điểm xác định cụ thể các hiệu quả Probiotics dựa trên y học chứng cứ (Evidence-Based Medicine) được nhóm Gordon Guyatt, đại học McMaster.khởi xướng.

Trong bối cảnh đó, Viện Y học ứng dụng Việt Nam (thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) tiến hành nghiên cứu tổng quan nhằm chia sẻ các bằng chứng khoa học về “Hiệu quả của bổ sung Probiotics lên sức khoẻ con người”.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các chuyên gia hang đầu về Dinh dưỡng, Nhi khoa, Miễn dịch, Vi sinh vật… của Hội đồng khoa học Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tập hợp kết quả từ 161 các nghiên cứu trên thế giới được FAO/ WHO công bố chính thức và các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí sức khoẻ uy tín trên thế giới cho đến thời điểm này để tiến hành phân tích đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Probiotics lên sức khoẻ con người.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUÂN
1. Khái niệm và phân loại probiotics
1.1. Khái niệm

Probiotics là những vi sinh vật như vi khuẩn hay nấm men mà có thể bổ sung vào thực phẩm với mục đích điều chỉnh quần thể sinh vật đường ruột của sinh vật chủ (Parker, 1974). Probiotics cũng có những ảnh hưởng có lợi trên sức khỏe của sinh vật chủ (Fuller, 1989). Năm 1992 Havenaar đã định nghĩa về probiotics  là sự nuôi cấy riêng lẻ hay hỗn hợp các vi sinh vật sống mà có ảnh hưởng có lợi cho sinh vật chủ bằng cách cải thiện những đặc tính của vi sinh vật bản địa [1]. Theo WHO/FAO 2001, probiotics là những vi sinh vật sống khi được đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi về sức khỏe cho người sử dụng. Hầu hết các chủng probiotics được sử dụng trong sản xuất thực phẩm thuộc nhóm vi khuẩn acid lactic như Lactobacillus và Bifidobacteria, đều có thể được thêm vào sản phẩm lên men sữa, góp một phần trong việc hình thành sản phẩm, hoặc được bổ sung dưới dạng bột đông khô. Các vi khuẩn này là phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, kích thích sự phát triển và hoạt động của hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Trong ruột, chúng tham gia quá trình tiêu hóa các thành phần thức ăn mà cơ thể con người không tiêu hóa được. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (có thể là tự nhiên hoặc được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm này gồm sữa chua, đồ uống từ sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đậu tương lên men, đồ uống đậu nành và một số nước hoa quả. FAO/WHO cho rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất để chọn chủng probiotics sử dụng dưới dạng thực phẩm là chúng phải có khả năng sống sót qua đường tiêu hóa và có khả năng phát triển trong ruột [2]. Những yêu cầu đặt ra cho một probiotics dùng cho sản xuất thực phẩm chức năng gồm [3]: Phải tồn tại khi đến ruột non, nghĩa là phải kháng được axít dịch vị dạ dày và dịch vị mật để đến ruột non mà sống và phát triển được trong ruột để hỗ trợ thực hiện các chức năng tiêu hóa và miễn dịch; phải được chứng minh là an toàn khi sử dụng, không sinh độc tính và không có tác dụng phụ; Phải có mùi vị dễ chịu hoặc không mùi, không vị; Phải có hiệu quả có lợi và đáng tin cậy; Phải được chứng minh một cách khoa học bằng các dữ liệu lâm sàng, thử nghiệm trên động vật và trên người.

1.2. Phân loại Probiotics

Probiotics được phân loại tùy theo vai trò của các vi khuẩn trong đường ruột sẽ đem lại các lợi ích khác nhau cho sức khỏe, gồm Lactobacillus, Bifidobacteria, Saccharomyces boulardii, Streptococcus thermophilus, Enterococcus faecium, Leuconostoc.

2. Vai trò của probiotics

Probiotics đã được ghi nhận có những vai trò khác nhau như: Tác động kháng khuẩn gây ức chế cả khuẩn Gram (+) và Gram (-), cạnh tranh với các nguồn bệnh để ngăn chặn sự bám dính vào đường ruột và cạnh tranh dinh dưỡng cần thiết cho sự sống sót của mầm bệnh; Tác động trên mô biểu bì ruột đẩy mạnh sự liên kết chặt giữa những tế bào biểu mô. Giảm việc kích thích bài tiết và những hậu quả do bị viêm của sự lây nhiễm vi khuẩn. Đẩy mạnh sự tạo ra các phân tử phòng vệ như chất nhầy; Vai trò miễn dịch được xem như là phương tiện phân phát các phân tử kháng viêm cho đường ruột, cụ thể là đẩy mạnh sự báo hiệu cho tế bào chủ để làm giảm đáp ứng viêm, tạo đáp ứng miễn dịch để làm giảm dị ứng và cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa tiêu chảy và táo bón; Tác động đến vi khuẩn đường ruột tạo nên sự cân bằng tạm thời của hệ sinh thái đường ruột, điều hòa hoạt động trao đổi chất của sinh vật đường ruột, có thể làm giảm pH của bộ phận tiêu hóa gây cản trở cho hoạt động tiết enzyme của sinh vật đường ruột, đồng thời tăng dung nạp đường lactose, giúp tránh đầy hơi, khó tiêu, làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, probiotics còn có một số vai trò khác đối với cơ thể như chống lại một số dị ứng và cung cấp nhiều chất quan trọng cho cơ thể (như folic acid, niacin, riboflavin, vitamin B6 và B12) ; giảm nguy cơ ung thư ruột kết và ung thư bàng quang, khử chất độc gây ung thư có trong cơ thể và làm chậm phát triển của các khối u bướu, đồng thời có tác dụng làm giảm nồng độ Cholesterol huyết thanh, làm giảm huyết áp cao, giúp nhanh chóng bình phục sau khi mắc bệnh tiêu chảy và sử dụng nhiều kháng sinh [4, 5].

3. Chủng Lactobacillus paracasei subsp. paracasei (L. CASEI 431®)
Chủng này có số hiệu là ATCC55544, được phân lập từ phân trẻ em. L. CASEI 431® được đăng ký như một sản phẩm thương mại của công ty Chr. Hansen A/S; Bắt đầu được sử dụng làm nguyên liệu trong thực phẩm và thực phẩm chức năng từ 1995. Cho tới nay chưa có báo cáo nào về khả năng gây bệnh cho người dùng. L. CASEI 431® cũng đã được nghiên cứu lâm sàng trên trẻ em và người trưởng thành, nhưng chưa có một ghi nhận tác dụng phụ nào nghiêm trọng nào. L. CASEI 431® là một trong những chủng được nghiên cứu và công bố nhiều nhất với trên 80 tạp chí khoa học và hơn 20 nghiên cứu lâm sàng. Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xếp L. CASEI 431® vào nhóm vi khuẩn an toàn cho người tiêu dùng (GRAS). Chủng Lactobacillus paracasei đã được FDA cấp chứng nhận New Dietary Ingredient (NDI). Năm 2007, Lactobacillus paracasei cũng đã được Hội đồng an toàn thực phẩm châu Âu cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Qualified Presumption of Safety (QPS). Hiện nay L. CASEI 431® được sử dụng chủ yếu trong sữa chua, sữa bột trẻ em, thực phẩm chức năng…
3.1. Hiệu quả Lactobacillus casei 431 trong các nghiên cứu thử nghiệm động vật

Các nghiên cứu về chủng Lactobacillus casei 431 trên động vật chủ yếu tập trung vào lĩnh vực miễn dịch – dị ứng. L.casei 431 làm giảm nhẹ các triệu chứng và tiến triển của các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do Staphylococcus aureus hay Salmonella typhimurium gây ra chủ yếu là do cơ chế kích thích hệ miễn dịch niêm mạc.

Perdigon G. et al. vào năm 1990 tại Argentina tiến hành một nghiên cứu trên chuột bị nhiễm khuẩn tiêu hóa do Sal. typhimurium cho thấy tác dụng chống vi khuẩn gây bệnh chỉ đạt được khi sử dụng kết hợp cả L.casei 431 và L.acidophilus. Nồng độ kháng thể chống Salmonella cao nhất trong huyết tương và dịch ruột ở nhóm sử dụng hỗn hợp hai chủng và nhóm sử dụng L.casei. Tuy nhiên, sử dụng đơn lẻ L.casei không có hiệu quả trong ngăn chặn Sal. typhimurium. Sau đó hơn 20 năm, Castillo NA et al. vào năm 2011(Argentina) đã tiến hành một nghiên cứu tương tự khi cho chuột uống L.casei 431 sau khi đã gây nhiễm khuẩn tiêu hóa bằng Sal. typhimurium. Kết quả cho thấy có sự tăng sản xuất IFN-γ, TNF-α hay kích thích các đại thực bào sản xuất IL-6, IL-10 tại lớp màng đệm của hàng rào niêm mạc ruột. Nghiên cứu của Bendali et al. (2011, Hà Lan) gây tiêu chảy thực nghiệm bằng cách cho thỏ uống sữa tách bơ chứa S. aureus (107 TB/ml) cho thấy, nhóm được bổ sung L.casei cầm tiêu chảy và phục hồi hệ thống nhung mao ruột và niêm mạc đại tràng tốt hơn nhóm chứng.

Tác dụng tăng cường miễn dịch của L.casei còn được chứng minh trên các mô hình động vật gây suy dinh dưỡng (SDD) thực nghiệm. Tình trạng SDD làm hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch khiến cơ thể dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… Theo nghiên cứu của Villena et al. vào năm 2009 (Argentina), chuột SDD bị gây nhiễm trùng phổi bằng Staphylococcus pneumoniae sau khi sử dụng L.casei cả dạng sống và không sống đều cho thấy có sự gia tăng sức đề kháng với nhiễm trùng biểu hiện là giảm số lượng vi khuẩn trong phổi và máu, đồng thời tăng số lượng các đại thực bào, tăng nồng độ TNF-α, IL-4, IL-10 (liên quan đến tăng IgA) và tăng sản xuất các IgG đặc hiệu. Nhóm của Villena (2011) khi tiến hành một nghiên cứu khác nhưng trên nhóm chuột SDD bị gây nhiễm trùng bằng Candida albicans cũng thu được những kết quả tương tự. Thêm L.casei vào chế độ ăn của chuột SDD có tác dụng khôi phục đáp ứng miễn dịch chống lại tác nhân gây nhiễm trùng băng cách tăng hấp dẫn và kích hoạt các đại thực bào, tăng giải phóng các cytokine, đồng thời tăng tiết IL-10 giúp ngăn ngừa các tổn thương do đáp ứng viêm. Một nghiên cứu khác của Gauffin et al. (2002, Argentina) trên mô hình chuột gây SDD thể nhẹ cũng cho thấy sự suy giảm miễn dịch của hàng rào niêm mạc ruột được phục hồi lại bằng việc bổ sung L.casei vào chế độ ăn với liều tối ưu là 107 cfu/ngày liên tục trong 5 ngày.
Một số nghiên cứu đánh giá vai trò điều hòa miễn dịch không tiến hành trên mô hình bệnh mà chủ yếu trên động vật khỏe mạnh.Theo các nghiên cứu của Galdeano et al. (2005, Argentina), LeBlancet et al. (2005, Argentina) và Bonet et al. (2006, Argentina), chuột BALB/c được cho uống sữa bổ sung L.casei 431 sau đó thu hồi ruột non, nội tạng và các dịch cơ thể để xác định các yếu tố miễn dịch. Kết quả thu được cho thấy sử dụng L.casei gây kích thích chủ yếu hệ miễn dịch niêm mạc, đặc trưng bởi sự gia tăng sản xuất các IgA mà không có tác dụng lên các tế bào miễn dịch lympho T. Do vậy chủng lợi khuẩn này có thể được dùng bổ sung theo đường uống để điều hòa đáp ứng miễn dịch niêm mạc và duy trì sự cân bằng nội môi, góp phần bảo vệ cơ thể phòng các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa và nhiễm trùng hô hấp. Ngoài ra trên mô hình chuột gây tổn thương gan cấp tính bằng D-galactosamin được thực hiện bởi Haro C. et al. (2009, Argentina), bổ sung L.casei 431 làm giảm tổn thương mô gan theo cơ chế kích thích đáp ứng miễn dịch bẩm sinh, bình thường hóa mức nồng độ enzyme aminotransferase, tuy nhiên các thông số sinh hóa về khả năng cầm máu chỉ được hồi phục một phần. Một nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu đứng đầu là De Petrino tiến hành tại Argentina (2010) đã chứng minh L.casei 431 có khả năng điều hòa cân bằng Th1/Th2 làm giảm sản xuất các kháng thể IgE, do đó làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng trên mô hình chuột gây mẫn cảm bằng ovalbumin. Tuy nhiên tác dụng này chỉ đạt được khi cho chuột sử dụng L.casei trước khi gây dị ứng bằng ovalbumin.

Trên mô hình chuột gây béo phì bằng chế độ ăn giàu chất béo, sử dụng L.casei 431 cũng cho thấy những hiệu quả khả quan.Theo nghiên cứu của Núñez IN et al. (2014, Argentina), chuột béo phì sau khi uống sữa lên men bằng L.casei 431 hay dùng bổ sung L.casei 431 dưới dạng hỗn dịch có sự cải thiện hệ vi sinh đường ruột (tăng đáng kể nhóm vi khuẩn Bacteroides và Bifidobacteria), tăng nồng độ IgA và đại thực bào, đồng thời cải thiện một số chỉ số sinh hóa máu có liên quan đến rối loạn chuyển hóa do béo phì và cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, ngoài ra cũng góp phần giảm trọng lượng cơ thể. Trên một nghiên cứu gần đây nhất của cùng nhóm tác giả trên (2015) khi đánh giá tác động của lợi khuẩn lên quá trình viêm ở chuột béo phì, cho thấy L.casei 431 có tác dụng tạo ra đáp ứng chống viêm bằng cách làm giảm các cytokine gây viêm như IL-6, IL-17 và TNF-α, giảm thâm nhiễm các tế bào miễn dịch tại gan và giảm tiết chemokine MCP-1 ở mô mỡ.

Tác dụng trên hệ miễn dịch của L.casei 431 cũng được nghiên cứu trên các mô hình ung thư trên động vật. Nghiên cứu của Bonet và cộng sự (2007, Argentina) cho thấy L.casei có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u trên cả hai loại ung thư xương và ung thư ruột theo cơ chế ức chế tăng mức nồng độ yếu tố hoại tử khối u TNF-α và tăng số lượng IgA.

3.2. Hiệu quả Lactobacillus casei 431 trong các nghiên cứu thử nghiệm trên người

Có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng L.casei 431 trong điều trị tiêu chảy trên người. Phân tích tổng hợp các nghiên cứu chỉ ra rằng L.casei 431 có thể được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị tiêu chảy.

Gonzalez et al. khi tiến hành hai nghiên cứu vào năm 1990 và 1994 tại Argentina đã chứng minh sử dụng kết hợp L.casei với L.acidophilus làm giảm tỷ lệ trẻ mắc tiêu chảy trong cộng đồng dân cư có nguy cơ cao với chỉ 17% tỷ lệ trẻ mắc bệnh ở nhóm can thiệp so với 52% trẻ bị tiêu chảy nhóm chứng. Đối với những trẻ đã bị tiêu chảy, sự kết hợp 2 lợi khuẩn này có tác dụng cải thiện triệu chứng và điều trị khỏi bệnh trong vòng 4 ngày, ngoài ra cũng có cải thiện cân nặng ở nhóm trẻ tiêu chảy bị SDD độ ba. Kết luận của một nghiên cứu can thiệp ngẫu nhiên, mù kép thực hiện bởi Gaon D. et al. (2002, Argentina) trên bệnh nhân bị chẩn đoán tiêu chảy mãn tính cho thấy viên nang chứa L.casei và L.acidophilus dạng đông khô có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy mạn tính do làm giảm số lần đại tiện và giảm nồng độ hydro trong hơi thở. Đánh giá hiệu quả phòng ngừa tiêu chảy liên quan đến kháng sinh của Beausoleil et al. (2007, Canada) trên 89 bệnh nhân cho thấy nguy cơ tiêu chảy giảm từ 35,6% xuống còn 15,9%, thời gian nằm viện và nhập viện giảm.

Ngoài ra trong một nghiên cứu của Gaon D. et al (1995) trên đối người khỏe mạnh thiếu men lactase, sữa bổ sung L.casei và L.acidophilus cải thiện đáng kể khả năng tiêu hóa lactose chứng minh bằng việc làm giảm có ý nghĩa nồng độ hydro trong hơi thở (19.5 +/- 12.1 ppm vs. 52.6 +/- 31.9 ppm của nhóm chứng (p<0,008)) và kéo dài thời gian thức ăn qua manh tràng (111.0 +/- 6.78 phút vs. 54.0 +/- 5.09 phút của nhóm chứng (p<0,001)); đồng thời làm giản đáng kể các triệu chứng của hiện tượng không dung nạp lactose như chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng mù kép của cùng tác giả (2003) trên trẻ từ 6-24 tháng tuổi cho thấy sữa tiệt trùng bổ sung cả hai chủng L.casei và L.acidophilus và sữa bổ sung Saccharomyces boulardii làm giảm số lần tiêu chảy (p<0,01), giảm thời gian kéo dài của tiêu chảy (p<0,005), giảm số lần nôn của trẻ (p<0,002).

Như vậy, các nghiên cứu về hiệu quả của probiotics đối với bệnh tiêu chảy trên người chủ yếu kết hợp L.casei 431 với L.acidophilus và đều cho thấy hiệu quả rõ rệt trong phòng và điều trị tiêu chảy cấp và mạn tính hay tiêu chảy do kháng sinh. Vi khuẩn chí đường ruột giúp cho việc giữ gìn sự toàn vẹn của hệ miễn dịch, phòng các bệnh lây nhiễm, sản xuất vitamin và giúp phát triển màng nhầy. Một nghiên cứu của Braga TD et al. (2011, Brazil) trên 231 trẻ sinh non cân nặng dưới 1500g cho thấy trẻ uống sữa có bổ sung L.casei và Bifidobacterium breve đã giảm có ý nghĩa tỷ lệ mắc viêm ruột hoại tử. Rizzardini và cộng sự (2012, Italy) tiến hành một can thiệp ngẫu nhiên, mù kép trên 211 người được tiêm vaccine phòng cúm trong quá trình sử dụng viên nang chứa BB-12® (Bifidobacterium animalis ssp. lactis) hay sữa lên men chứa L. casei 431® (Lactobacillus paracasei ssp. paracasei), cho thấy mức nồng độ kháng thể IgG, IgG1, IgG3 và IgA trong huyết thanh và nước bọt nhóm sử dụng probiotics gia tăng đáng kể so với nhóm chứng. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Anh và Đan Mạch (2015) đứng đầu là Jespersen lại cho thấy L.casei 431 tuy không có tác dụng lên đáp ứng miễn dịch khi tiêm vaccine cúm nhưng cũng làm giảm thời gian mắc các triệu chứng hô hấp so với nhóm chứng (mean±SD: 6,4±6,1 ngày vs. 7,3±9,7 ngày, p=0,0059).

Một số nghiên cứu hiệu quả của L.casei lên tăng trưởng cũng đã được tiến hành. Nghiên cứu lâm sàng mù kép có đối chứng được tiến hành bởi Agustina R. et al. (2013) tại Indonesia trong 6 tháng trên trẻ em vùng kinh tế-xã hội nghèo cho thấy nhóm uống sữa calci bổ sung Lactobacillus reuteri (5x108 cfu/ngày) có gia tăng trung bình các chỉ số cân nặng và chiều cao, còn nhóm uống sữa bổ sung L.casei (5x108 cfu/ngày) chỉ tăng cân nặng ở mức trung bình nhưng chiều cao không tăng. Một nghiên cứu tại Hà Lan của Vlieger AM et al. (2009), trên 126 trẻ sơ sinh được bổ sung prebiotic và probiotics, 0,24g prebiotic galacto-oligosaccharides/100 ml sữa và 1x107 CFU cfu B.animalis ssp. lactis/g (Bifidobacterium BB12) và 1x107 cfu L. paracasei ssp. paracasei/g (L. casei CRL-431), cũng cho thấy sau 6 tháng không có khác biệt giữa hai nhóm về WAZ và HAZ (0,1 so với 0,17), (0,51 so với 0,50) cũng như mức tăng cân và chiều cao tuyệt đối (4152 g và 17,7 cm so với 4282 g và 17,3 cm).

Chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của L.casei lên bệnh ung thư trên người. Moises và cs. (1996) nghiên cứu trên 20 bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư bàng quang giai đoạn sớm cho thấy sử dụng kết hợp L.casei 431 và L.acidophilus làm giảm đáng kể tái phát ung thư, làm khối u nhỏ dần hoặc loại bỏ hẳn khối u, chỉ có một trường hợp tái phát.

IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Nhiều vai trò khác nhau của Probiotics đã được quốc tế ghi nhận:

Kháng khuẩn cả khuẩn Gram (+) và Gram (-), cạnh tranh với các nguồn bệnh bám vào ruột và cạnh tranh dinh dưỡng cần thiết cho sự sống sót của mầm bệnh;

Tác động trên mô biểu bì ruột tăng gắn kết các tế bào biểu mô, giảm kích thích bài tiết và những hậu quả do bị viêm nhiễm vi khuẩn, tạo ra các phân tử phòng vệ [6];

Tăng cường miễn dịch, giảm dị ứng [5] và cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa tiêu chảy và táo bón;

Tác động đến vi khuẩn đường ruột tạo nên sự cân bằng hệ sinh thái và điều hòa trao đổi chất, giảm pH của bộ phận tiêu hóa, gây cản trở tiết enzyme của vi sinh vật đường ruột, tăng dung nạp lactose, làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại [7].

Ngoài ra, probiotics còn có vai trò chống dị ứng, cung cấp cho cơ thể nhiều vi chất quan trọng (folic acid, niacin, riboflavin, vitamin B6 và B12) , giảm nguy cơ ung thư ruột kết và bàng quang, khử chất độc gây ung thư, làm chậm phát triển u bướu, giảm Cholesterol, giảm huyết áp, giúp nhanh bình phục sau tiêu chảy và dùng kháng sinh [4].

2. Hiệu quả bổ sung probiotics từ các nghiên cứu gần đây cho thấy:

Các loài thuộc nhóm Lactobacillus có tác dụng chống ung thư [8-10], loại bỏ độc tố [11], làm giảm cholesterol máu [12], chống oxy hóa [13], có khả năng diệt vi khuẩn và virus [14], chống nhiễm Helicobacter pylori [15], phòng chống biến chứng trong các bệnh đường tiết niệu [16], điều hòa miễn dịch [17, 18], chống tiêu chảy [19], tác động tốt lên bệnh tiểu đường [20] và viêm khớp [21].

Riêng Lactobacillus casei 431 có hiệu quả phòng và điều trị tiêu chảy cấp và mãn tính, tiêu chảy do sử dụng kháng sinh (tốt nhất khi kết hợp với L.acidophilus hay Saccharomyces boulardii); Cải thiện dung nạp lactose; Phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh (kết hợp với B.breve); Giảm triệu chứng và tiến triển các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa (do vi khuẩn Salmonella, S.aureus…); Giảm triệu chứng và thời gian nhiễm trùng hô hấp (do Staphylococcus pneumoniae…), nhiễm Candida albicans và cúm…; Hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột, tăng sức đề kháng cơ thể; Tăng khả năng miễn dịch trên đối tượng SDD; Giảm dị ứng; Kìm hãm sự phát triển của u bướu. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về hiệu quả L.casei 431 lên tăng trưởng cân nặng và chiều cao trẻ em.

3. Khuyến nghị:

Cần được tiếp tục nghiên cứu phát triển và sử dụng rộng rãi các sản phẩm bổ sung probiotics. Tập trung vào đánh giá hiệu quả của Probiotics trong các sản phẩm bổ sung cụ thể với các liều bổ sung khác nhau

Ts.Bs Trương Hồng Sơn, Ths Nguyễn Hồng Khánh; PGs.Ts Phạm Văn Hoan,
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm