Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hồi hộp, đánh trống ngực có phải do răng khôn gây nhiễm trùng?

Xin chào bác sỹ! Mới đây tôi phải đi nhổ răng khôn vì chiếc răng gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau đó, tôi hay bị hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở. Các cơn đánh trống ngực sẽ biến mất khi tôi uống thuốc kháng sinh, nhưng sau đó lại quay trở lại. Liệu các triệu chứng này có liên quan tới tình trạng nhiễm trùng do răng không không, thưa bác sỹ? (Sav Huntington, người Anh)

Tiến sỹ Martin Scurr - Trưởng ban Biên tập chuyên mục Y tế của tờ Daily Mail (Anh) trả lời:

Chào bạn!

Các cơn đánh trống ngực thường xảy ra khi bạn có cảm giác tim đập nhanh, đập mạnh hoặc không đều. Dù tình trạng này khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, lo lắng, nguyên nhân gốc rễ của các cơn đánh trống ngực thường là lành tính. Theo đó, đa số các cơn đánh trống ngực xảy ra do ngoại tâm thu. Đây là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, xảy ra khi nhịp đập của trái tim xảy ra sớm hơn bình thường. Bạn có thể trải qua các cơn ngoại tâm thu khi quá căng thẳng, uống nhiều đồ uống có chứa caffeine.

Có nhiều nguyên nhân gây các cơn hồi hộp, đánh trống ngực

Tuy nhiên, nếu hay bị hồi hộp, đánh trống ngực đi kèm với triệu chứng khó thở, bạn nên đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán thêm. Nguyên nhân là bởi các triệu chứng này có thể cảnh báo các vấn đề tim mạch tiềm ẩn, đặc biệt là các vấn đề về nhịp tim.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra các cơn rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực. Do đó, các bác sỹ có thể cần tìm hiểu thêm về các triệu chứng khác của bạn, tiền sử bệnh tật, cũng như làm các xét nghiệm cần thiết trước khi có thể khẳng định các triệu chứng này có liên quan tới tình trạng nhiễm trùng do răng khôn hay không.

Trên thực tế, nhiễm trùng do răng khôn thường xảy ra ở vùng hàm và các mô mềm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan tới các khu vực khác trong cơ thể, bao gồm cả trái tim. Theo đó, nhiễm trùng tại miệng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu, di chuyển tới các van tim và gây nhiễm trùng tại khu vực này. Tình trạng này còn được gọi là viêm nội tâm mạc.

Viêm nội tâm mạc có thể tiến triển dần trong nhiều tuần, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đổ mồ hôi nhiều, khó thở và đánh trống ngực. Có khả năng tình trạng đánh trống ngực có liên quan tới vấn đề răng miệng bạn đang gặp phải trong thời gian qua, tuy nhiên tôi cho rằng bạn vẫn nên đi khám thêm để có thể khẳng định chắc chắn.

Các bác sỹ có thể cho bạn đo điện tâm đồ (ECG) hoặc đeo thiết bị theo dõi nhịp tim liên tục trong vòng 24 giờ để ghi lại hoạt động điện của tim, từ đó phát hiện ra các cơn rối loạn nhịp tim, nhip tim bất thường và xác định nguyên nhân chính xác của chúng.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Nhổ răng khôn: Nên hay không?

Vi Bùi H+ (Theo Dailymail) - Theo healthplus.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm