Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Học theo tiktoker nhỏ oxy già vệ sinh tai có thể gây mòn màng nhĩ

Vệ sinh tai thường xuyên giúp chúng ta cảm thấy thoải mái dễ chịu. Tuy nhiên các phương pháp làm sạch bằng tăm bông, dụng cụ kim loại hay nhỏ oxy già đều tiềm ẩn các nguy cơ.

Tiktoker hướng dẫn nhỏ oxy già vào tai, đúng hay sai?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip một tiktoker sử dụng dung dịch nước oxy già đổ trực tiếp vào tai, theo tiktoker này đây là phương pháp cô thường xuyên thực hiện để vệ sinh tai.

Clip này đã thu hút hơn 14 triệu lượt xem và ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng ý với phương pháp này nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc nhỏ oxy già vào tai sẽ rất nguy hiểm bởi oxy già là chất sát khuẩn mạnh có thể gây bào mòn da tai nếu sử dụng thường xuyên.

Không đổ trực tiếp oxy già vào tai.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế), ThS. BS Nguyễn Văn Hòa (Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Thanh Hóa) cho biết: Việc đổ trực tiếp oxy già vào tai, nếu thực hiện thường xuyên sẽ gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho tai. Sử dụng oxy già nồng độ cao thường xuyên có thể gây bỏng tai, làm mỏng da tai và mòn màng nhĩ...

Chưa kể đổ oxy già vào tai mà không thấm sạch lâu dần lượng oxy già tồn dư sẽ gây kích ứng, phù nền niêm mạc, làm tăng viêm ống tai rất khó chữa.

Oxy già chỉ được sử dụng khi ống tai có nhiều dịch mủ hoặc nấm, nhưng thông thường các bác sĩ sẽ thấm ướt vào bông sau đó đưa vào ống tai. Việc đó để làm bong các mảng bám chắc để làm sạch cho dễ và sát khuẩn, làm sạch tai bình thường thì không sử dụng oxy già.

Có nên tự vệ sinh tai hay lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc?

Trong thực tế sử dụng oxy già để làm sạch tai rất hay được sử dụng tại các cửa tiệm cắt tóc. Anh S. (chủ một tiệm cắt tóc nam ở phường Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của anh thường xuyên nhỏ oxy già vào tai để vệ sinh tai cho khách. Theo anh, việc sử dụng oxy già giúp các mảng bám bong tróc, làm sạch dễ hơn.

Bác sĩ Hoà khuyên mọi người nên hạn chế việc vệ sinh tai tại nhà bằng tăm bông hoặc dụng cụ lấy ráy tai. Tăm bông để ở môi trường ẩm bên ngoài dễ bị nhiễm nấm mốc, khi ngoáy tai vô tình sẽ đưa các vi nấm vào sâu bên trong tai gây viêm ống tai ngoài, viêm màng nhĩ, nghe kém…

Hơn nữa, khi dùng tăm bông sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong, lâu dần nó sẽ tích tụ thành mảng lớn bám ở sâu trong tai gây nghe kém. Còn dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại thì dễ làm tổn thương tai, thủng màng nhĩ.

Nên đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám tai mũi họng để được làm sạch tai an toàn, đồng thời cũng có thể phát hiện sớm những bệnh về tai nếu chẳng bị mắc.

Nên lấy ráy tai tại các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn.

Khi nào cần vệ sinh tai?

Ráy tai là các tế bào da chết cộng với dịch tiết của ống tai hòa trộn với nhau, nếu dịch tiết nhiều gọi là ống tai ướt, dịch tiết ít gọi là ráy tai khô. Những khối ráy tai sẽ tự động đẩy ra ngoài theo chu trình da ống tai (chức năng của da ống tai có khả năng đẩy chất bẩn của tai ra bên ngoài).

Ráy tai cũng có tác dụng tạo môi trường để chống vi khuẩn phát triển và bảo vệ màng nhĩ. Việc vệ sinh tai thường xuyên có thể gây nhiều tổn thương cho tai, do vậy không cần phải lấy ráy tai thường xuyên.

Chỉ vệ sinh tai sau khi đi bơi, sau khi tắm gội. Do nước ở hồ bơi có chứa clo, dầu gội, sữa tắm có chứa hóa chất nếu không lau sạch để lâu trong tai có thể gây kích ứng tai. Cách làm sạch an toàn là sử dụng nước muối sinh lý nhỏ nhiều vào tai, sau đó nghiêng tai nước sẽ từ từ chảy ra.

Nếu dùng tăm bông thì nhỏ dung dịch nước muối hoặc betadin (10%) lau bên ngoài tai, không đưa sâu vào trong. Với người lớn chỉ đưa 0,5-1cm, trẻ em tối đa là 0,5cm tăm bông vào tai, không được lau sâu hơn.

Khi tai đau nhức, chảy dịch tai màu vàng, có mủ, nghe kém phải đến bác sĩ tai mũi họng khám ngay, không được tự ý chữa trị tại nhà.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Cách làm sạch tai an toàn.

Ngọc Anh - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm