Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

HIV ở trẻ em và những điều bạn cần biết

HIV là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch, khiến trẻ nhiễm HIV dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh khác hơn. Việc điều trị đúng cách có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật và ngăn chặn HIV tiến triển.

Nguyên nhân gây ra HIV ở trẻ em

Lây truyền theo chiều dọc

Một đứa trẻ có thể bị nhiễm HIV ngay từ khi sinh ra hoặc nhiễm HIV sau khi sinh. HIV lây nhiễm trong tử cung được gọi là lây truyền chu sinh hoặc lây truyền dọc.

Việc lây truyền HIV sang trẻ em có thể xảy ra:

  • Trong thời kỳ mang thai (đi qua nhau thai)
  • Trong khi sinh (thông qua truyền máu hoặc dịch khác)
  • Trong khi bú mẹ.

Không phải tất cả mọi người nhiễm HIV sẽ truyền bệnh trong khi mang thai, đặc biệt là khi họ đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên toàn thế giới, tỷ lệ lây truyền HIV trong thai kỳ giảm xuống dưới 5% nếu được can thiệp. Nếu không can thiệp, tỷ lệ này là 15%-45%.

Lây truyền theo chiều ngang

Lây truyền thứ cấp hoặc lây truyền ngang, liên quan đến việc tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bị nhiễm HIV.

Lây truyền qua đường tình dục là con đường phổ biến nhất mà thanh thiếu niên hay gặp phải. Sự lây truyền có thể xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn mà không dùng bao cao su hoặc phương pháp bảo vệ khác.

Thanh thiếu niên có thể không biết mình đã bị nhiễm HIV. Vì vậy, sử dụng phương pháp bảo vệ như bao cao su, đặc biệt là khi sử dụng đúng cách, có thể làm giảm nguy cơ mắc hoặc lây truyền bệnh qua đường tình dục (STI), bao gồm cả HIV.

HIV cũng có thể lây truyền qua việc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các vật dụng tương tự.

Và một nguyên nhân nữa nhưng rất hiếm khi xảy ra đó là nhiễm HIV trong các cơ sở y tế thông qua tiếp xúc với máu có nhiễm virus.

HIV không lây qua: côn trùng cắn, nước bọt, mồ hôi, nước mắt, ôm người bị nhiễm, dùng chung khăn hoặc bộ đồ giường, dụng cụ ăn uống, dùng chung bồn cầu hoặc bể bơi.

Triệu chứng nhiễm HIV

Trẻ sơ sinh có thể sẽ không có triệu chứng rõ ràng trong thời kỳ đầu. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, sẽ xuất hiện các triệu chứng:

  • Thiếu năng lượng
  • Chậm tăng trưởng và phát triển
  • Sốt dai dẳng, đổ mồ hôi
  • Tiêu chảy thường xuyên
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Nhiễm trùng tái phát hoặc kéo dài không đáp ứng tốt với điều trị
  • Sụt cân
  • Kém phát triển.

Các triệu chứng sẽ khác nhau từ trẻ này sang trẻ khác và theo độ tuổi. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể có các triệu chứng:

  • Phát ban da
  • Nấm miệng
  • Nhiễm nấm âm đạo thường xuyên
  • Gan, lách to
  • Nhiễm trùng phổi
  • Vấn đề về thận
  • Vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung
  • Khối u lành tính hoặc ác tính.

Trẻ em bị nhiễm HIV không được điều trị sẽ dễ bị tổn thương hơn với các tình trạng như:

  • Thủy đậu
  • Zona
  • Herpes
  • Viêm gan
  • Viêm vùng chậu
  • Viêm phổi
  • Viêm màng não.

Chẩn đoán HIV

HIV được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu, nhưng có thể cần nhiều hơn một xét nghiệm. Chẩn đoán có thể được xác định nếu máu chứa kháng thể HIV. Nhưng trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm, nồng độ kháng thể chưa đủ cao để phát hiện.

Nếu xét nghiệm âm tính nhưng nghi ngờ nhiễm HIV, xét nghiệm có thể được lặp lại sau 3 tháng và sau 6 tháng. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, tất cả bạn tình và những người đã dùng chung kim tiêm hoặc ống tiêm phải được thông báo để họ cũng được xét nghiệm và bắt đầu điều trị nếu cần.

Điều trị HIV

Hiện tại, HIV chưa có phương pháp điều trị khỏi nhưng được điều trị và quản lý một cách hiệu quả. Ngày nay, nhiều trẻ em và người lớn nhiễm HIV vẫn sống lâu và khỏe mạnh.

Phương pháp điều trị chính cho trẻ em cũng giống như người lớn: điều trị bằng thuốc kháng virus. Liệu pháp kháng virus và thuốc giúp ngăn ngừa sự tiến triển và lây truyền HIV.

Điều trị cho trẻ em đòi hỏi một số cân nhắc đặc biệt. Tuổi tác, sự tăng trưởng và các giai đoạn phát triển đều quan trọng và phải được đánh giá lại khi trẻ bước qua tuổi dậy thì và trưởng thành.

Các yếu tố khác cần tính đến bao gồm:

  • Mức độ nghiêm trọng của nhiễm HIV
  • Nguy cơ tiến triển
  • Các bệnh liên quan đến HIV trước đây và hiện tại
  • Độc tính ngắn hạn và dài hạn
  • Tác dụng phụ
  • Tương tác thuốc.

Bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus ngay sau khi sinh sẽ làm tăng tuổi thọ của trẻ sơ sinh, giảm mắc các bệnh nghiêm trọng và giảm nguy cơ HIV tiến triển thành AIDS. Điều trị bằng thuốc kháng virus là kết hợp ít nhất ba loại thuốc kháng virus khác nhau. Khi lựa chọn sử dụng loại thuốc nào, các bác sĩ sẽ xem xét khả năng kháng thuốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị trong tương lai. Thuốc có thể phải được điều chỉnh theo thời gian.

Một yếu tố quan trọng để điều trị bằng thuốc kháng virus thành công là tuân thủ phác đồ điều trị. Theo WHO, cần phải tuân thủ hơn 95% để ngăn chặn virus một cách bền vững. Tuân thủ có nghĩa là dùng thuốc theo đúng quy định. Điều này có thể khó khăn đối với trẻ, đặc biệt nếu trẻ gặp khó khăn khi nuốt thuốc hoặc muốn tránh những tác dụng phụ khó chịu. Để khắc phục điều này, một số loại thuốc có sẵn ở dạng lỏng hoặc siro để trẻ nhỏ dễ uống hơn. Cha mẹ và người chăm sóc cũng cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để theo dõi quá trình điều trị của trẻ.

Thanh thiếu niên nhiễm HIV cũng có thể cần: các nhóm tư vấn và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, tư vấn sức khỏe sinh sản, bao gồm tránh thai, tình dục lành mạnh và mang thai, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sàng lọc sử dụng chất gây nghiện.

Hãy thông báo cho bác sĩ về tình hình sức khỏe của trẻ, các triệu chứng mới hoặc thay đổi, cũng như các tác dụng phụ của thuốc. Đừng bao giờ ngần ngại đặt câu hỏi về sức khỏe và cách điều trị nếu có thắc mắc.

Vaccine

Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành nhưng hiện tại vẫn chưa có loại vaccine nào được phê duyệt để ngăn ngừa hoặc điều trị HIV.

HIV khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn nên trẻ em và thanh thiếu niên nhiễm HIV nên được tiêm vaccine phòng các bệnh khác.

Vaccine sống có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, vì vậy nếu có sẵn, người nhiễm HIV nên tiêm vaccine bất hoạt. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về thời gian và các thông tin cụ thể khác về vaccine. Các loại vaccine bao gồm:

  • Varicella (thuỷ đậu, bệnh zona)
  • Viêm gan B
  • HPV
  • Cúm
  • Sởi, quai bị và rubella (MMR)
  • Viêm màng não do mô cầu não
  • Viêm phổi
  • Bệnh bại liệt
  • Uốn ván, bạch hầu và ho gà
  • Viêm gan A.

Khi đi du lịch nước ngoài, các loại vaccine như vaccine tả hoặc sốt vàng da cũng được khuyến khích sử dụng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra lựa chọn phù hợp.

BS. Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm