Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Gluten và tiểu đường typ 1

Trong những thập kỷ gần đây, số người mắc tiểu đường tăng lên đột biến, không chỉ ảnh hưởng đến những người có tuổi mà còn mở rộng ra ở những lứa tuổi nhỏ hơn (trẻ em và vị thành niên).

Gluten và tiểu đường typ 1

Tỷ lệ người mắc tiểu đường đang ngày càng tăng lên, do vậy việc phòng ngừa tiểu đường càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những năm gần đây, đã có những nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của gluten lên nguy cơ tiểu đường. Một câu hỏi luôn làm đau đầu các nhà nghiên cứu và cả những người quan tâm đến sức khỏe là: Chế độ ăn không có gluten liệu có giúp ngăn ngừa tiểu đường hay không?

Hãy cùng "soi" kỹ xem các nhà nghiên cứu đã tìm được gì nhé!  

Mối liên quan giữa Gluten- tiểu đường

Hệ miễn dịch nắm giữ nhiệm vụ vô vùng quan trọng trong việc phân biệt các tác nhân ngoại sinh hay nội sinh xâm nhập vào tế bào. Nếu quá trình này bị gián đoạn, cơ thể  bắt đầu tấn công lại chính các tế bào của cơ thể mình. Hiện tượng nguy hiểm này được gọi là quá trình tự miễn, gây nên những căn bệnh rất khó điều trị là bệnh tự miễn.

Cơ chế miễn dịch cũng chính là cơ chế trong bệnh tiểu đường typ 1, hệ miễn dịch tấn công lại chính tế bào beta ở tuyến tụy. Những tế bào beta này chịu trách nhiệm cho việc tiết ra hormone insulin, loại hormone chịu trách nhiệm kiểm soát và điều hòa đướngf máu trong cơ thể. Do vậy, một khi tế bào beta bị hỏng hóc thì việc điều hòa đường máu sẽ không hiệu quả. Hậu quả là những người mắc tiểu đường typ 1 phải phụ thuộc vào việc tiêm insulin để duy trì lượng đường huyết trong máu.

Một vài nghiên cứu đã đề cập đến mối liên quan giữa gluten và tiểu đường. Những trẻ bị bệnh không dung nạp gluten (celiac) có nguy cơ mắc tiểu đường typ 1 cao gấp 2,4 lần so với những trẻ không mắc. Thêm vào đó, các bệnh nhân phát hiện ra bệnh celiac muộn cũng có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn cao hơn những bệnh nhân được chẩn đoán sớm. Điều đó gợi ý rằng tiếp xúc với gluten có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn chẳng hạn như tiểu đường typ 1.

Còn những người  không mắc bệnh celiac thì sao? Những bằng chứng nghiên cứu trên những người không bị celiac rất ít và chủ yếu là nghiên cứu thực nghiệm (trên động vật).

Liệu rằng lúa mỳ có trở  nên nguy hiểm?

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Israel đã kiểm tra thử khả năng gây bệnh tiểu đường của bột lúa mỳ ngày nay và so sánh với bột  mỳ từ những giống lúa mỳ truyền thống. Họ phát hiện ra rằng, những con vật được ăn  bột lúa mỳ truyền thống có nguy cơ mắc tiểu đường typ 1  thấp hơn so với  những con vật được nuôi bằng bột lúa mỳ hiện đại ngày nay.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên phát  hiên ra sự khác nhau của lúa mỳ hiện đại và lúa mỳ truyền thống. Một  nhóm nghiên cứu khác đến từ Hà Lan cũng tìm ra  rằng lúa mỳ hiện đại ngày nay có thể làm gia tăng nguy cơ kém dung nạp gluten ở con người.

Rất nhiều năm trước đây các nhà khoa học đã có những hiểu biết nhất định về việc thức ăn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào ở trẻ nhỏ. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học theo dõi những trẻ em có nguy cơ bị tiểu đường typ 1 từ lúc sinh ra đến khi được gần 5 tuổi, đã nhận thấy việc trẻ tiếp xúc với các loại ngũ cốc (lúa mỳ, lúa mạch, gạo) trước 3 tháng hoặc sau 7 tháng tuổi có xu hướng nguy cơ mắc bệnh tự miễn tuyến tụy cao hơn các trẻ bắt đầu ăn dặm từ lúc  4-6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, cần thêm rất nhiều nghiên cứu để khẳng định chắc chắn liệu gluten có liên quan gì đến tiểu đưởng typ 1 và typ 2 hay không.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hiểu lầm về chế độ ăn không chứa gluten

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Chriskresser
Bình luận
Tin mới
Xem thêm