Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Gãy xương mắt cá chân

Gãy xương mắt cá chân là một tình trạng chấn thương nặng xảy ra ở vùng cổ chân, sau một tác động va đập nào đó. Gãy xương nhìn chung là một cấp cứu ngoại khoa, và đối với gãy xương mắt cá chân, tình trạng này đòi hỏi những phản ứng nhanh để tránh các biến chứng gặp phải của nó.

Gãy xương mắt cá chân là gì?

Khớp mắt cá chân vùng cổ chân được tạo thành từ 3 xương: xương chày, xương mác và xương sên. Cùng với 3 xương, các dây chằng xung quanh tạo nên vùng khớp cổ chân, có vai trò quan trọng trong vận động của chi dưới. Gãy xương mắt cá chân xảy ra có thể là gãy xương mác đơn thuần, hoặc có kèm theo tổn thương dây chằng vùng cổ chân, với nhiều mức độ khá nhau. 

Nguyên nhân nào gây ra gãy mắt cá chân?

Nguyên nhân phổ biến gây ra gãy xương mắt cá chân bao gồm:

  • Chấn thương trực tiếp do ngã va đập
  • Tiếp đất sai cách từ 1 cú nhảy trên cao xuống
  • Tai nạn giao thông
  • Các chấn thương từ chơi thể thao mạnh, như bóng đá, bóng rổ hay tenis
  • Kỹ thuật không chuẩn khi thực hiện các động tác khó trong đời sống hàng ngày, bao gồm cả sức bền kém
  • Loãng xương (làm tăng nguy cơ gãy xương)

Các dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương mắt cá chân

Các triệu chứng của gãy xương mắt cá chân bao gồm:

  • Đau dữ dội vùng mắt cá chân
  • Không đứng được
  • Sưng to, bầm tím
  • Gãy xương lớn có thể hở ra khỏi da và gây chảy máu
  • Thường kèm theo trật khớp hoặc vẹo

Hình ảnh X-quang có thể giúp xác định gãy chứ không phải là bong gân, bên cạnh để xác định mức độ nghiêm trọng, vị trí và loại hình để giúp cho điều trị. Ngoài ra, MRI hoặc cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể được thực hiện.

Điều trị gãy xương mắt cá chân như thế nào?

Tùy theo vị trí và mức độ tổn thương, các bác sỹ đưa ra những phương pháp khác nhau, vật lí trị liệu là một phương pháp đi kèm để hỗ trợ phục hồi chấn thương.

  • Bó bột hoặc nẹp. Đối với các trường hợp nặng, các biện pháp này giúp cố định xương mắt cá cho quá trình tự lành thương. Nạng có thể giúp hỗ trợ di chuyển.
  • Kéo xương. Phương pháp này không phẫu thuật, giúp đưa vị trí các xương gãy về đúng vị trí khi bị di lệch do hãy rời.
  • Phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp triệt để nhất, cần thiết cho các đối tượng gãy nghiêm trọng, phức tạp, không thể tự lành bằng bó bột hay nẹp. Phẫu thuật sử dụng các tấm ghép, nẹp, đinh vít hay ghim để cố định, kết hợp xương gãy. Sau khi phẫu thuật, bó bột hoặc đeo nẹp sẽ cần thiết.

Sau khi phẫu thuật, các phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp phục hồi phạm vi chuyển động, kiểu dáng đi lại cũng như sức mạnh cơ bắp và trương lực cơ. Mắt cá chân có thể bị mất sức trong thời gian dài bó bột, bên cạnh việc các dây chằng không hoạt động quá lâu có thể bị cứng và yếu đi.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu, việc phục hồi sẽ được đảm bảo ổn định hơn và chắc chắn không gây thêm chấn thương.

Một số bài tập vật lý trị liệu bao gồm:

  • Các bài tập kéo giãn, căng cơ và hồi phục cơ bắp
  • Các bài tập chuyển động, mở rộng phạm vi hoạt động cơ bắp
  • Các bài tập thăng bằng, kiểm soát
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ đi lại ban đầu
  • Quản lý lối sống, công việc hợp lý
  • Khuyến nghị trở lại làm việc hoặc các hoạt động thể thao, nhẹ nhàng càng sớm càng tốt
  • Các biện pháp giảm đau: dùng nhiệt nóng – lạnh, liệu pháp thủ công giảm mô sẹo, châm cứu, sóng âm…

Dự phòng tình trạng gãy xương mắt cá chân?

Cách tốt nhất để tránh tình trạng gãy xương mắt cá chân chính là tránh các tác động bất thường gây chấn thương lên vùng mắt cá chân. Những hành động nhỏ nhưng đơn giản và hiệu quả cần thực hiện có thể kể đến bao gồm:

  • Căng cơ, khởi động trước khi tập luyện
  • Nghỉ ngơi và làm mát cơ thể sau khi tập luyện
  • Thực hiện đúng kỹ thuật, đúng thao tác các bài tập
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Bổ sung canxi đầy đủ cho cơ thể

Ngăn ngừa nguy cơ gãy xương không chỉ cho gãy xương cổ chân mà còn là toàn bộ các xương trên cơ thể.

Tổng kết

Gãy mắt cá chân có thể là một tình trạng cần cấp cứu, nhưng tùy thuộc vào mức độ và tính chất của gãy xương sẽ có các biện pháp can thiệp hợp lý. Đeo nẹp, bó bột hay phẫu thuật sẽ giúp khôi phục trạng thái ban đầu. Bên cạnh các biện pháp can thiệp ngoại khoa, vật lý trị liệu với các bài tập hợp lý cũng sẽ giúp hồi phục khả năng vận động tốt nhất của khớp. Hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm thông tin tại: Phục hồi sau gãy xương cổ tay ở trẻ nhỏ

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo ptHealth) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm