Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dùng đúng và an toàn thuốc vệ sinh rửa mũi

Nhiều người thường tự tiện dùng thuốc gọi là vệ sinh rửa mũi. Thuốc vệ sinh rửa mũi là thuốc dùng nhỏ mũi, xịt mũi hay rửa mũi cho tác dụng gọi là tại chỗ nhằm trị sổ nghẹt mũi và nhất là trị viêm mũi dị ứng.

Dùng đúng và an toàn thuốc vệ sinh rửa mũi

Có một số nguyên nhân gây sổ nghẹt mũi như: viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, viêm hầu họng... tất cả đều có dùng thuốc vệ sinh rửa mũi.

Thuốc vệ sinh rửa mũi chỉ cho tác dụng tại chỗ, thế có nghĩa là an toàn, dùng không hại gì?

Dùng thuốc qua đường mũi xem chừng đơn giản vì chỉ nhỏ hoặc xịt và nhiều người nghĩ thuốc chỉ cho tác dụng tại chỗ nên xem thường, nghĩ dùng sao cũng được không hại gì. Nhưng xin lưu ý, dùng thuốc qua đường mũi không đúng vẫn có thể bị hại.

Có 2 loại thuốc dùng nhỏ, xịt rửa mũi dùng phải rất thận trọng vì thuốc không chỉ cho tác dụng tại chỗ mà có thể thấm qua niêm mạc mũi đi vào máu và cho tác dụng toàn thân gây nguy hiểm. Đó là thuốc gây co mạch trị sổ nghẹt mũi và thuốc corticoid trị viêm mũi.

Dùng đúng và an toàn thuốc vệ sinh rửa mũi

Thuốc nhỏ mũi gây co mạch trị sổ nghẹt mũi dùng không đúng, có thể gây hại như thế nào?

Trường hợp bị nghẹt mũi kèm sổ mũi, ta có thể dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm gây co mạch như naphazolin (biệt dược Nasoline, Rhinex 0,05%), oxymetazolin, xylometazolin… làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa khi sổ mũi. Nhưng vì có tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà người lớn là bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi. Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Tức là, chính thuốc nhỏ mũi loại này dùng lâu dài gây ra một loại bệnh gọi là bệnh viêm mũi do thuốc mà việc  điều trị bệnh này rất khó khăn (vì thuốc làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy-lông chuyển trong mũi). Vì vậy, có khuyến cáo người lớn bình thường không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày.

Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc nhỏ mũi kể trên không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận… đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng, phải được cấp cứu tại bệnh viện. Từ năm 1985 đến 2012, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã xác định có 96 trường hợp trẻ em ở Mỹ từ 1 tháng đến 5 tuổi đã bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở ta trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã cấp cứu chữa cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được cho nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin. Vì vậy, đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi.

Thuốc nhỏ mũi chứa corticoid trị viêm mũi dùng không đúng có thể gây hại như thế nào?

Corticoid là dược chất chống viêm rất quý, nếu dùng đúng chỉ định trong tai mũi họng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng có thể chữa tốt bệnh này. Nhưng corticoid dùng nhỏ mũi không đúng cách có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như: teo niêm mạc mũi, chảy máu cam ở mũi, làm khô và kích ứng niêm mạc mũi, loét vách mũi. Corticoid có thể thấm qua niêm mạc mũi đi vào máu và cho tác dụng phụ toàn thân gây nguy hiểm: cườm khô, cườm nước, ảnh hưởng trên sự tăng trưởng trẻ em, suy thượng thận, hội chứng Cushing, làm loãng xương, tăng huyết áp, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng. Chỉ dùng thuốc corticoid khi được bác sĩ định và dùng đúng theo sự chỉ dẫn.

Thế có thuốc nhỏ mũi dùng vệ sinh rửa mũi tương đối an toàn?

Thuốc nhỏ mũi dùng vệ sinh rửa mũi tương đối an toàn là dung dịch natri clorid 0,9% (NaCl 0,9%) còn gọi là dung dịch nước muối sinh lý, vì trong dung dịch nước muối này có chứa muối ăn NaCl ở nồng độ 0,9% (tức là 1 lít dung dịch nước muối chứa 9g muối ăn) tương đương với nồng độ của dịch cơ thể trong tình trạng hoạt động sinh lý bình thường. Dung dịch NaCl 0,9% còn gọi là dung dịch nước muối đẳng trương. Dùng dung dịch nước muối để rửa mũi khi viêm mũi xoang, súc miệng khi bị viêm họng hoàn toàn không vì mục đích sát khuẩn. Nếu muốn sát khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng dung dịch sát khuẩn kèm theo, hoặc có khi không cho dùng kèm theo vì chỉ xức hay rửa bằng nước muối sinh lý không thôi cũng đủ để tổn thương sau khi rửa sạch có thể tự khỏi nhờ sức đề kháng của cơ thể.

Ta nên mua dung dịch NaCl 0,9% là thuốc ở nhà thuốc để dùng, khi cần rửa vệ sinh mũi khi viêm mũi xoang mà không nên tự pha dung dịch nước muối sinh lý, bởi nước dùng pha muối không sạch và không pha đúng nồng độ dung dịch nước muối đẳng trương. Là thuốc dùng ngoài, nước muối sinh lý được bào chế tại các công ty dược phẩm bảo đảm điều kiện sản xuất thuốc, trong đó có vô trùng và pha đúng đúng nồng độ tức pha 9g muối tinh khiết trong 1 lít nước cũng tinh khiết. Dung dịch NaCl 0,9% mua tại nhà thuốc có nhiều loại: nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai hay dùng làm nước súc rửa, và nhớ dùng đúng loại. Lưu ý có thể dùng thuốc nhỏ mắt (bao bì có in hình con mắt) dung dịch NaCl 0,9% để nhỏ mũi, nhỏ tai. Nhưng tuyệt đối không dùng thuốc thuốc nhỏ mũi, nhỏ tai NaCl 0,9% để nhỏ mắt vì thuốc nhỏ mắt phải được bào chế trong điều kiện riêng tuyệt đối vô trùng và đẳng trương như thuốc tiêm.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Kỹ thuật súc rửa mũi khi bị cảm lạnh và dị ứng

PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

Xem thêm