Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách để nhận biết và điều trị ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm có thể là một trong những nguyên nhân gây tử vong. Cùng tìm hiểu cách để nhận biết và điều trị ngộ độc tại bài viết dưới đây.

Ngộ độc thực phẩm có thể là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở những người từ 1 - 44 tuổi. Chất độc là những chất có thể gây tổn thương hoặc suy yếu cơ thể, thậm chí gây tử vong. Các chất này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa, hô hấp hoặc hấp thụ qua da.

Mặc dù ngộ độc có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ngộ độc nhất. Và trẻ nhỏ cũng có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn do chất độc có thể lây lan rộng hơn. Ngộ độc ở trẻ em thường xảy ra do trẻ vô tình nuốt phải hóa chất gia dụng, trong khi ngộ độc ở người lớn thường liên quan đến thuốc và do dùng thuốc quá liều. 

Các dấu hiệu ngộ độc

Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc khác nhau tùy thuộc vào loại chất độc, lượng chất độc và cách người đó tiếp xúc. Các dấu hiệu và triệu chứng cần lưu ý bao gồm:

  • Chóng mặt, mất phương hướng, buồn ngủ và ngất xỉu
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày
  • Phát ban
  • Vết loét hoặc mẩn đỏ quanh miệng
  • Chảy nước dãi hoặc sủi bọt
  • Khó thở
  • Đau đầu
  • Động kinh

Đọc thêm bài viết: Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày lễ

Các loại ngộ độc phổ biến

Phần lớn các vụ ngộ độc là có thể phòng tránh được. Trong đó 5 loại ngộ độc phổ biến nhất bao gồm thực phẩm, carbon monoxide, hóa chất gia dụng, rượu và ma túy.

Đồ ăn

Ngộ độc thực phẩm là bệnh do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm mầm bệnh (vi khuẩn và virus), ký sinh trùng hoặc độc tố. Điều này có thể do ăn trái cây và rau chưa rửa sạch hoặc ăn thịt sống, thịt gia cầm và hải sản. Tùy thuộc vào loại ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: đau bụng, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và sốt.

Carbon monoxide

Carbon monoxide (CO) là một loại khí độc hại được tạo ra khi đốt xăng, gỗ, propan, than củi và các nhiên liệu khác. CO không có vị, mùi hoặc màu. Nếu bạn hít quá nhiều khí CO vào phổi, tình trạng nguy hiểm được gọi là ngộ độc khí carbon monoxide có thể xảy ra.

CO dễ dàng đi vào cơ thể qua phổi. Khi CO đi vào máu của bạn, chất này sẽ liên kết với huyết sắc tố (protein trong các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể) với áp lực lớn hơn so với oxy. Điều này ngăn không cho oxy đến các mô và tế bào, dẫn đến tổn thương mô nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Hóa chất gia dụng

Nhiều hóa chất gia dụng vẫn vô cùng độc hại, ngay cả khi bạn đang sử dụng chúng theo chỉ dẫn. Các chất tẩy rửa gia dụng cũng không bao giờ được trộn lẫn với nhau vì chúng có thể tạo ra khí độc. Ví dụ, trộn thuốc tẩy và amoniac sẽ tạo ra khí cloramin, có thể gây kích ứng mũi, họng và phổi. Ở nồng độ lớn, hít phải chloramine có thể dẫn đến tử vong.

Các hóa chất gia dụng phổ biến bao gồm chất chống đông, dầu máy, sơn latex, pin, chất tẩy rửa đa năng, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu... Nuốt phải hoặc hít phải các hóa chất này có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong.

Rượu bia

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống một lượng lớn rượu trong thời gian ngắn. Điều này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng và biến chứng, bao gồm co giật, tím tái (do thiếu oxy trong máu) và hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể thấp). Ngộ độc rượu là một tình trạng nghiêm trọng. Tỷ lệ cồn trong máu cao có thể khiến các vùng não hỗ trợ hô hấp, nhịp tim và các chức năng quan trọng khác bắt đầu ngừng hoạt động.

Đọc thêm bài viết: Ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

Thuốc men

Ngộ độc thuốc (hoặc thuốc quá liều) là loại ngộ độc phổ biến nhất ở người lớn. Tình trạng này xảy ra khi thuốc bị lạm dụng hoặc dùng với số lượng lớn. Khi một số loại thuốc như Tylenol (acetaminophen) được dùng với liều lượng quá cao, chúng có thể làm hạn chế hoạt động của gan và khiến gan không thể chuyển hóa (phân hủy) thuốc. Khi làm như vậy, ngộ độc thuốc có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của gan, gây ra tổn thương hoặc suy gan không thể phục hồi.

Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều các loại thuốc khác cũng có thể làm hỏng các hệ thống cơ quan khác nhau (chẳng hạn như thận) hoặc ức chế các chức năng như hô hấp hoặc tuần hoàn máu.

Điều trị

Tùy thuộc vào loại ngộ độc mà bạn mắc phải, phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Điều quan trọng là các bác sĩ phải đánh giá đúng tình trạng để xác định phương pháp điều trị chính xác. Các phương pháp điều trị có thể được sử dụng để điều trị ngộ độc bao gồm:

  • Than hoạt tính: Than hoạt tính là một loại bột màu đen không mùi, không vị được trộn với nước. Than hoạt tính có thể liên kết với nhiều chất khác nhau để chúng không bị hấp thụ từ đường tiêu hóa vào máu. Bạn có thể uống than hoạt tính ở dạng dung dịch hoặc có thể dùng qua ống thông mũi dạ dày.
  • Thuốc giải độc tố: Thuốc giải độc là thuốc vô hiệu hóa hoặc chống lại tác dụng của chất độc trong cơ thể. Thuốc giải độc tố có thể được dùng qua đường truyền tĩnh mạch, tuy nhiên không phải tất cả các chất độc đều có thuốc giải độc.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh là thuốc ngăn chặn hoặc tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho một số loại ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.
  • Sử dụng oxy tinh khiết: Nếu bạn bị ngộ độc khí CO, bạn có thể được yêu cầu hít thở oxy tinh khiết qua mặt nạ đặt trên mũi và miệng. Nếu bạn không thể tự thở, bạn có thể cần sử dụng đến các máy thở để hỗ trợ. Trong những trường hợp ngộ độc CO nghiêm trọng, có thể sử dụng liệu pháp oxy cao áp (HBOT). Liệu pháp này liên quan đến việc hít thở oxy tinh khiết trong buồng có áp suất không khí cao hơn bình thường từ 2 - 3 lần. Thực hiện phương pháp này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thay thế carbon monoxide bằng oxy trong máu của bạn.

Phòng ngừa

Bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa ngộ độc do tai nạn:

  • Giữ tất cả các hóa chất gia dụng trong chai ban đầu của chúng: Để tránh tiếp xúc với hóa chất một cách không cần thiết, không tái sử dụng hoặc chuyển các hóa chất gia dụng thông thường từ hộp đựng này sang hộp đựng khác, đặc biệt là hộp đựng được làm để đựng thực phẩm.
  • Không bao giờ trộn lẫn hóa chất: Trộn thuốc tẩy và amoniac có thể tạo ra khí độc được gọi là chloramine gây kích ứng mũi, cổ họng và phổi. Hít phải một lượng lớn chloramine có thể dẫn đến tử vong.
  • Hạn chế uống rượu: Uống rượu vừa phải là một trong những việc dễ dàng thực hiện nhất để hạn chế ngộ độc. Theo khuyến nghị, lượng cồn sử dụng trong một ngày đối với nam giới là 2 đơn vị và nữ giới là 1 đơn vị. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống rượu say hoặc uống rượu khi bụng đói.
  • Đọc kỹ nhãn thuốc: Trước khi dùng thuốc, hãy đọc kỹ hướng dẫn, thành phần và nhãn cảnh báo. Bạn nên chắc chắn uống thuốc theo chỉ dẫn và không nên uống quá liều khuyến nghị.
  • Vứt bỏ các loại thuốc cũ: Vứt bỏ các loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng không sử dụng, không cần thiết hoặc hết hạn. Bạn có thể trộn chúng với bã cà phê hoặc cát vệ sinh của mèo trước khi vứt đi để đảm bảo an toàn với trẻ em hoặc vật nuôi.
  • Quy trình chế biến và bảo quản riêng biệt: Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bạn nên rửa kỹ trái cây, rau và để chúng riêng biệt với thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng. Thêm nữa, bạn cần nấu chín thực phẩm và cất vào tủ lạnh ngay sau khi nguội để hạn chế sự nhân lên của vi khuẩn.

Chất độc là những chất có thể gây hại khi nuốt, hít hoặc hấp thụ qua da. Các loại ngộ độc phổ biến bao gồm thực phẩm, carbon monoxide, hóa chất gia dụng, rượu và thuốc men. Mặc dù vậy, phòng ngừa chất độc có thể ngăn ngừa các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài hoặc cứu sống tính mạng là điều vô cùng cần thiết.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

BS Tạ Tùng Duy - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywellhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm