Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách chăm sóc bàn chân và cẳng chân khi mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có lẽ được biết đến nhiều nhất với các triệu chứng điển hình như lượng đường trong máu cao và đi tiểu thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh lý này cũng có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến bàn chân và cẳng chân của bạn. Điều này đòi hỏi người bệnh phải biết cách chăm sóc tốt cho bàn chân của mình. Dưới đây là lý do tại sao bạn nên chăm sóc đặc biệt cho phần chi dưới nếu mắc bệnh tiểu đường và cách chăm sóc bàn chân dành cho người tiểu đường.

Tại sao chăm sóc bàn chân tốt lại quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, người bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao mắc các biến chứng và có thể dẫn đến cắt cụt chi dưới. Thay đổi lối sống, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và chăm sóc bàn chân đúng cách đều có thể làm giảm nguy cơ phải cắt cụt bàn chân và cẳng chân do bệnh tiểu đường. Tổn thương dây thần kinh ngoại biên và bệnh động mạch ngoại biên là hai biến chứng mà người mắc bệnh tiểu đường nên biết. Cả hai đều có ảnh hưởng lớn đến cẳng chân và bàn chân như gây ra cảm giác ngứa ran, tê hoặc nóng rát và có thể gây ra đau đớn, đôi khi là mạn tính.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường. Nó có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả chi dưới. Khi không được điều trị, khu vực bị ảnh hưởng có thể bị nhiễm trùng, thậm chí cắt cụt, vì vậy việc phòng ngừa và quản lý là điều cực kì quan trọng.

Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng là tình trạng xơ vữa động mạch khiến máu khó lưu thông tới các chi, cụ thể là chân. Dấu hiệu nhận biết bao gồm đau chân khi đi lại hoặc di chuyển cùng cảm giác lạnh, tê, yếu và chuột rút. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh động mạch ngoại biên đã được chứng minh và nó cũng liên quan đến tình trạng béo phì. Vì bệnh thần kinh ngoại biên thường xảy ra ở chân và bàn chân nên việc chăm sóc đúng cách có thể ngăn ngừa được bệnh này.

7 cách chăm sóc chân và bàn chân để ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.

Chân thường là bộ phận rất dễ bị bỏ quên. Khi mắc bệnh tiểu đường, việc chăm sóc chân và bàn chân không phải là điều bắt buộc nhưng đó là một phần quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ cắt cụt chi sau này. Dưới đây là các hướng dẫn chăm sóc bàn chân dành cho bệnh nhân tiểu đường:

Thực hành quản lý tốt bệnh tiểu đường.

Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa tổn thương thần kinh liên quan đến bệnh tiểu đường là giữ cho đường huyết ở mức an toàn. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh do tiểu đường, vì vậy việc phòng ngừa trước hết là giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định. Khi đường huyết quá cao trong một thời gian dài, tổn thương thần kinh sẽ dễ xảy ra hơn. Vì vậy, việc kiểm tra đường huyết thường xuyên và tuân thủ kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK), điều này bao gồm những việc như dùng thuốc, tập thể dục thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý.

Đọc thêm tại: Điểm lại những sự thật về bệnh tiểu đường

Giữ vệ sinh bàn chân tốt.

Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tập thói quen giữ cho bàn chân của mình sạch sẽ và đủ ẩm. Đây là cách thực hiện:

Rửa chân bằng nước ấm và xà phòng.‌ Ngâm chân nước nóng có thể rất hấp dẫn, nhưng các bác sĩ cảnh báo rằng nhiệt độ cao của nước nóng có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh tiểu đường vì tổn thương thần kinh sẽ khiến bạn khó nhận biết nguồn nhiệt nóng đến mức nào, đồng nghĩa rằng bạn dễ dàng bị bỏng hơn. 

Lau khô chân thật kỹ.‌ Độ ẩm quá mức, đặc biệt là giữa các ngón chân, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Thoa một loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng‌. Dưỡng ẩm giúp ngăn ngừa tình trạng da khô, nứt nẻ. Tuy nhiên, tránh để bất kỳ loại kem nào vào giữa các ngón chân của bạn vì điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Kiễm tra bàn chân hằng ngày để tìm các vết nứt hoặc bất thường.

Nếu mắc bệnh tiểu đường, hãy làm quen với việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trên thực tế, bạn nên kiểm tra bàn chân của mình hàng ngày xem có vết cắt, vết trầy xước hoặc vết bầm tím hay không. Điều này bao gồm cả việc kiểm tra giữa các ngón chân của bạn để tìm những thứ như vết chai, vết loét và nếu bạn gặp khó khăn khi cúi xuống để tự kiểm tra bàn chân của mình, hãy nhờ người thân giúp đỡ hoặc dùng một chiếc gương có cán dài để việc kiểm tra dễ dàng hơn. Bước này có vẻ rất nhỏ nhưng lại là một trong những phần quan trọng nhất của công tác phòng ngừa vì một vết cắt nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng khi bạn bị tổn thương thần kinh hoặc tuần hoàn kém do bệnh tiểu đường.

Cắt tỉa móng chân.

Cắt tỉa móng chân thường xuyên là một cách nhỏ nhưng hiệu quả để bảo vệ bàn chân. Móng chân dài có thể gây xước da, dẫn đến nhiễm trùng hoặc mọc vào trong, trở thành móng chân mọc ngược. Giữ chúng ngắn gọn bằng các dụng cụ cắt móng chân theo chiều ngang và sau đó dũa các cạnh bằng bảng nhám sẽ ngăn ngừa được vấn đề này. Nếu bạn đến tiệm làm móng, hãy mang theo dụng cụ làm móng của riêng mình và yêu cầu thợ làm móng không cắt lớp biểu bì vì cả hai đều có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.

Chọn giày hỗ trợ.

Chúng ta có thể đã quen với những lợi ích của việc đi chân trần - hoặc tiếp xúc với đất. Các chuyên gia cho biết, dù việc tiếp xúc với mặt đất có thể giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên, nhưng bạn nên đi giày dép thay vì đi chân trần khi mắc bệnh tiểu đường. Điều này sẽ tạo thêm một lớp bảo vệ giúp bàn chân tránh khỏi các tác nhân trầy xước và vết cắt. Đôi giày phù hợp cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng như đau chân. Những đôi giày phải đảm bảo thoải mái, hỗ trợ tốt và có phần ngón chân rộng. Ngoài ra, bạn nên đi tất và kiểm tra giày trước khi mang để đảm bảo không có vật lạ nào có thể mắc vào ngón chân hoặc bàn chân của bạn.

Điều trị các vết chai và vảy chân.

Nếu bạn tìm thấy bất kỳ vết chai nào khi kiểm tra bàn chân hàng ngày, bạn phải giải quyết chúng ngay lập tức. Nếu không được điều trị, vết chai dày có thể tiến triển thành các vết loét hở. Bạn có thể dùng đá chà lên da ướt để loại bỏ vết chai, nhưng nếu chúng dai dẳng, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Việc cố gắng tự cắt hoặc loại bỏ vết chai có thể dẫn đến vết thương hở và nhiễm trùng.

Tập thể dục thường xuyên.

Vận động thường xuyên là một phần của lối sống lành mạnh và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tập thể dục là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường vì nó giúp cải thiện đường huyết, độ nhạy insulin và kiểm soát cân nặng, tất cả đều có thể làm giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm tra bàn chân của bạn xem có vết thương nào sau khi tập thể dục hay không.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, người lớn nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút (ví dụ: đi bộ, đạp xe) hoặc 75 phút với cường độ mạnh (như chạy hoặc bóng đá) mỗi tuần, cùng với hai ngày rèn luyện sức khỏe. Nhưng nếu bạn mới tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ và tham khảo ý kiến của bác sỹ về mức độ phù hợp với bạn.

Khi nào cần thăm khám bác sỹ?

Khi mắc bệnh tiểu đường, hãy lên kế hoạch gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe cũng như tình trạng của bàn chân. Đặc biệt những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng có thể cần được khám vài tháng một lần. Các biến chứng khác cũng nên cần đến bác sĩ như các vết cắt, vết bầm tím bất thường hoặc những cơn đau chân không rõ nguyên nhân. Bàn chân cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ cẩn thận. Nếu bạn nghi ngờ mình có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thần kinh ngoại biên hoặc bệnh động mạch ngoại biên hoặc bất kỳ triệu chứng mới bất thường nào ở bàn chân và cẳng chân của mình, bạn nên đi khám bác sĩ.

Dinh dưỡng là một yếu tố vô cùng quan trọng để kiểm soát và quản lý tốt bệnh tiểu đường. Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam là cơ sở tư vấn dinh dưỡng điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp hàng đầu nước ta. Đến với phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM< khách hàng sẽ được tư vấn thực đơn, chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Liên hệ đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935 18 3939 hoặc 024 3633 5678

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Livestrong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm