Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sàng lọc HIV: Những điều cần biết

Xét nghiệm sàng lọc HIV sẽ kiểm tra xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không. Khoảng 1,2 triệu người ở Mỹ nhiễm HIV. Nhưng cứ 7 người thì có 1 người không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Ngoài ra, khoảng 40% số ca nhiễm mới lây lan bởi những người không biết về tình trạng HIV của mình hoặc chưa xét nghiệm.

Nghiên cứu cho thấy sàng lọc HIV định kỳ có thể giúp hạn chế virus lây lan. Ngoài ra, nếu HIV không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến AIDS.

Ai nên làm xét nghiệm HIV?

Sàng lọc định kỳ. Nếu bạn ở độ tuổi từ 13-64 tuổi, bạn nên sàng lọc HIV ít nhất một lần như một phần của quá trình chăm sóc sức khỏe định kỳ. Nhưng nếu bạn có yếu tố nguy cơ cao đối với HIV, bạn nên xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn.

Bạn có thể có nguy cơ cao bị nhiễm HIV nếu:

  • Bạn là một người đàn ông hoạt động tình dục và có quan hệ tình dục đồng giới.
  • Bạn hoặc bạn tình của bạn tiêm chích ma túy.
  • Bạn tình của bạn là người lưỡng tính.
  • Bạn có bạn tình nhiễm HIV.
  • Bạn có nhiều bạn tình.
  • Bạn có quan hệ tình dục với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV.
  • Bạn quan hệ tình dục để đổi lấy tiền hoặc thứ gì khác.
  • Bạn đang điều trị bệnh viêm gan, bệnh lao hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, giang mai hoặc lậu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo nếu bạn là nam quan hệ tình dục đồng giới thì nên đi khám sàng lọc 3-6 tháng một lần. HIV cũng có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh và qua sữa mẹ. Nếu như bạn đang mang thai, bác sĩ nên yêu cầu xét nghiệm HIV.

Đọc thêm: Hội chứng suy nhược do HIV

Sàng lọc HIV

Ngay cả khi bạn không yêu cầu xét nghiệm HIV cụ thể, bạn vẫn có thể được tư vấn về việc sàng lọc HIV khi đến gặp bác sĩ vì những lý do khác. Khám sàng lọc HIV định kỳ là cách tuyệt vời để phát hiện sớm nhiễm HIV và là một trong những phương pháp tốt nhất, cùng với việc tránh các hành vi nguy hiểm, để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình lây nhiễm HIV. Có hai loại phương pháp xét nghiệm HIV định kỳ:

Xét nghiệm tự nguyện (opt in): Bác sĩ hoặc y tá sẽ hỏi bạn xem bạn có muốn xét nghiệm HIV trong lần khám định kỳ hay không. Bạn sẽ phải kí giấy cam kết đồng ý, thường là bằng văn bản.

Chọn không tham gia (opt out). Trong lần khám định kỳ của bạn, bác sĩ hoặc y tá sẽ thông báo cho bạn rằng xét nghiệm HIV đã bao gồm trong kít xét nghiệm dự phòng tiêu chuẩn. Trừ khi bạn từ chối, nếu không, bạn nghiễm nhiên sẽ được xét nghiệm HIV. Lựa chọn này là một chiến lược dựa trên bằng chứng khuyến khích xét nghiệm nhiều hơn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến nghị loại hình xét nghiệp này cho người lớn, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Đối với người mang thai, các khuyến nghị bao gồm:

  • Tiến thành xét nghiệm opt out sớm ngay trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Xét nghiệm thứ hai trong 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ nhiễm HIV cao
  • Xét nghiệm HIV khi chuyển dạ và sinh nở nếu bạn chưa được xét nghiệm trong giai đoạn đầu

Theo nghiên cứu, việc xét nghiệm opt out có hiệu quả cao vì chúng có thể:

  • Giảm sự kỳ thị liên quan đến xét nghiệm HIV
  • Thúc đẩy chẩn đoán và điều trị HIV sớm
  • Nguy cơ lây truyền thấp hơn
  • Giảm chi phí

Lợi ích của việc sàng lọc HIV định kỳ

Với gần 15% những người nhiễm HIV không biết về tình trạng của mình, các chuyên gia cho biết các xét nghiệm định kỳ, thường xuyên có thể cải thiện việc phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới. Nó cũng có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và giúp những người nhiễm HIV bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus sớm hơn. Điều này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung cho những người nhiễm HIV và ngăn ngừa lây truyền HIV sang người khác.

Các lý do cho việc sàng lọc thường xuyên bao gồm:

  • Nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác được phát hiện trước khi các triệu chứng phát triển.
  • HIV có thể dễ dàng được phát hiện bằng các xét nghiệm sàng lọc đáng tin cậy, rẻ tiền và được chấp nhận.
  • Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm HIV, bạn có thể bắt đầu điều trị sớm và cải thiện tuổi thọ.
  • Lợi ích của việc phát hiện sớm lớn hơn chi phí sàng lọc.

Tôi có thể xét nghiệm HIV ở đâu?

Sàng lọc HIV thường được thực hiện như một phần của xét nghiệm dự phòng thường xuyên trong khi bạn khám sức khỏe định kỳ. Nhưng nếu bạn có nhiều khả năng bị nhiễm HIV hoặc nghĩ rằng mình có thể đã bị phơi nhiễm, hãy yêu cầu bác sĩ xét nghiệm.

Bạn cũng có thể được sàng lọc HIV tại một số địa điểm xét nghiệm như:

  • Trung tâm y tế cộng đồng hoặc phòng khám
  • Phòng khám sức khỏe tình dục
  • Sở y tế địa phương
  • Phòng khám kế hoạch hóa gia đình
  • Bệnh viện
  • Các chương trình phòng ngừa hoặc điều trị lạm dụng chất gây nghiện

Có khả năng tiếp xúc với HIV. Nếu bạn cho rằng mình đã tiếp xúc với HIV, hãy cho bác sĩ biết. Họ sẽ sàng lọc bạn để tìm virus. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có cần dùng loại thuốc gọi là PEP (dự phòng sau phơi nhiễm) hay không. Bạn sẽ cần xét nghiệm HIV theo dõi trong 4 - 6 tháng.

Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm), một loại thuốc được dùng để ngăn ngừa nhiễm HIV, bạn sẽ cần phải được xét nghiệm trước khi có thể dùng thuốc. Khi bạn bắt đầu PrEP, các bác sĩ khuyên bạn nên xét nghiệm HIV 2-3 tháng một lần, tùy thuộc vào loại PrEP bạn nhận được. Loại PrEP mới, dạng tiêm (cabotegravir tác dụng kéo dài) được tiêm 2 tháng một lần và yêu cầu xét nghiệm HIV mỗi lần.

Nếu bạn bị nhiễm HIV, trong vòng 2-4 tuần sau khi nhiễm bệnh, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng giống như cúm như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Phát ban
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Đau cơ
  • Đau họng
  • Mệt mỏi
  • Hạch bạch huyết bị sưng
  • Loét miệng

Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng, hãy đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

Hồng Ngọc - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
Xem thêm