Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tổn thương gân như thế nào?

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và cảm thấy đau khi di chuyển, đó có thể là do gân của bạn có vấn đề. Gân là những dải trông giống như những sợi dây nối cơ bắp với xương của bạn. Lượng đường trong máu cao có thể đi kèm với một số tình trạng bệnh lý và đóng một vai trò quan trọng việc gây ra các vấn đề về gân.

Gân có vị trí trên khắp cơ thể, bao gồm cả ở vai, cánh tay, cổ tay, hông, đầu gối và mắt cá chân. Chúng chuyển lực từ cơ tới xương giúp bạn di chuyển. Và nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát, cấu trúc của gân có thể dày lên và dễ bị rách hơn.

Bệnh tiểu đường làm tổn thương gân như thế nào?

Tổn thương gân ở bệnh tiểu đường type 1 và type 2 xảy ra do các hoạt chất là sản phẩm cuối cùng của glycation (AGEs). Chúng hình thành khi protein hoặc chất béo kết hợp với đường trong máu. Thông thường, cơ thể tạo ra hoạt chất này với tốc độ chậm và ổn định. Nhưng khi bạn mắc bệnh tiểu đường, lượng đường dư thừa trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng và ảnh hưởng đến gân của bạn.

Gân được cấu thành từ một loại protein gọi là collagen. Sản phẩm cuối cùng của quẩ trình glycation sẽ tạo liên kết với collagen và thay đổi cấu trúc của gân, ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Ví dụ, gân có thể dày hơn bình thường và không thể chịu được trọng lượng lớn như trước. Kết quả là khả năng rách gân sẽ tăng lên.

Một số vấn đề về gân bạn có thể gặp phải nếu không kiểm soát được bệnh tiểu đường là:

  • Viêm quanh khớp vai thể đông cứng: Cứng và đau xảy ra khi màng bao quanh gân và dây chằng trong khớp của bạn dày lên.
  • Rách chóp xoay: Tổn thương gân và cơ bao quanh khớp vai, bao gồm cả cơ trên gai.
  • Ngón tay lò xo (ngón tay cò súng): Ngón tay của bạn bị kẹt ở tư thế cong và duỗi thẳng ra sau một cú búng tay, giống như âm thanh bóp cò.
  • Hội chứng ống cổ tay: Bạn bị tê, ngứa ran và yếu ở cổ tay do các dây thần kinh chạy qua bị chèn ép.
  • Co rút Dupuytren: Sự dày lên của mô dưới da bàn tay khiến các ngón tay uốn cong về phía lòng bàn tay.

Tổn thương gân gây đau đớn và có thể cản trở mức độ di chuyển khớp. Ngay cả khi bạn phẫu thuật để khắc phục tổn thương, gân vẫn có thể bị rách trở lại. Các nghiên cứu cho thấy hơn một phần ba số người mắc bệnh tiểu đường đã phẫu thuật để sửa lại các vị trí bị rách sẽ gặp lại vấn đề này.

Tổn thương gân có thể ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Duy trì lối sống lành mạnh và vận động/chơi thể thao đều đặn rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên khi gân của bạn bị đau và thiếu linh hoạt, việc tập thể dục có thể trở nên khó khăn và từ đó ảnh hưởng phần nào đến tình trạng bệnh tiểu đường của bạn.

Ví dụ, chấn thương gân Achilles nằm ở phía sau gót chân có thể hạn chế phạm vi chuyển động ở mắt cá chân của bạn. Hạn chế này có thể dẫn đến tăng áp lực lên phần giữa bàn chân sau mỗi bước đi, làm tăng nguy cơ phát triển vết loét ở chân. Điều này gây khó khăn cho khả năng vận động và tập luyện để giữ lối sống lành mạnh cho người tiểu đường.

Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị khi có bất cứ tổn thương về gân nào để đảm bảo lối sống lành mạnh cũng như các thuốc/TPCN bạn dùng khi tổn thương gân để đảm bảo giữ cho lượng đường trong máu ổn định trong quá trình phục hồi sau khi gặp các vấn đề về gân.

Ngăn ngừa và điều trị tổn thương gân như thế nào?

Cách tốt nhất để tránh các vấn đề về gân là kiểm soát bệnh tiểu đường. Giảm lượng đường trong máu bằng sự trợ giúp của chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc. Và nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm vài cân. Nó sẽ cải thiện sức khỏe của bạn và đồng thời giảm áp lực cho gân.

Nếu bạn đã bị tổn thương gân, hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị như sau:

  • Thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Phương pháp vật lý trị liệu và tập thể dục.
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng
  • Một thanh nẹp để giữ cho khớp của bạn ổn định trong khi gân của bạn lành lại.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị tiêm steroid vào khớp để giảm các vấn đề về gân. Tuy nhiên, steroid sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến trong thời gian ngắn. Hãy hỏi ý kiến của bác sỹ về lợi ích và rủi ro của phương pháp điều trị này.

 

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

  • 01/05/2024

    Tiêu chí lựa chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe

    Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Khi nấu ăn với dầu hàng ngày, bạn nên lựa chọn dầu ăn đáp ứng được các tiêu chí tốt cho sức khỏe.

  • 01/05/2024

    Những nguy hiểm của thừa cân có thể bạn không biết

    Thừa cân là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do mất cân bằng dinh dưỡng và lối sống ít vận động, thiếu khoa học. Vấn đề này đang làm suy giảm sự tự tin và đẩy con người ta tiến gần hơn đến các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

  • 01/05/2024

    5 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường bạn nên biết

    Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

  • 30/04/2024

    Sử dụng đồ uống có cồn khi mắc tăng huyết áp cần lưu ý gì?

    Sử dụng đồ uống có cồn là việc khó tránh khỏi khi tham gia các bữa tiệc xã giao. Tuy nhiên, với người bệnh tăng huyết áp, cần uống rượu bia thế nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch?

  • 30/04/2024

    Làm sao phòng ngừa suy tim khi có nguy cơ cao mắc bệnh?

    Mới đây, các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu một xét nghiệm máu mới có thể giúp xác định những người có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh suy tim. Vậy nếu là người có nguy cơ cao mắc bệnh, bạn có thể làm gì để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này?

  • 30/04/2024

    Cắt giảm đường phụ gia đem lại những lợi ích sức khỏe nào?

    Khác với đường tự nhiên có trong rau củ quả hay sữa, đường phụ gia lại gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là 6 lợi ích xảy ra khi bạn cắt giảm đường phụ gia trong chế độ ăn hàng ngày.

  • 30/04/2024

    Vì sao nên thêm cải xoăn vào chế độ ăn uống?

    Cải xoăn (kale) là một siêu thực phẩm đã trở nên phổ biến rộng rãi trong những năm gần đây với giá trị dinh dưỡng cao và nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là lý do bạn nên đưa cải xoăn thường xuyên hơn trong chế độ ăn uống.

Xem thêm