Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tình trạng kháng Insulin có giống như bệnh tiểu đường không?

Mặc dù tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường không giống nhau nhưng chúng có liên quan và ảnh hưởng đến nhau. Việc điều trị có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây kháng insulin và chẩn đoán rằng bạn có đang mắc bệnh tiểu đường hay không.

Kháng insulin và bệnh tiểu đường có liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng không phải ai kháng insulin cũng mắc bệnh tiểu đường và không phải tất cả những người mắc bệnh tiểu đường đều kháng insulin.

Tuy nhiên, tình trạng kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường type 2. Bài viết này giải thích những điểm tương đồng và khác biệt giữa tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.

Sự khác biệt giữa kháng insulin và bệnh tiểu đường là gì?

Mặc dù chúng có liên quan nhưng về bản chất, 2 khái niệm này vẫn có những điểm khác biệt.

Cả hai đều gắn liền với khả năng sản sinh hoặc sử dụng insulin của cơ thể, một loại hormone quan trọng cho phép glucose đi từ máu vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Khi ai đó mắc tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc có tình trạng kháng insulin đang tiến triển, cơ thể sẽ không thể tạo ra hoặc sử dụng insulin một cách chính xác. Nếu cơ thể bạn phải tiết ra nhiều insulin hơn bình thường để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả thì bạn đang gặp phải tình trạng kháng insulin.

Một số người kháng insulin nhưng không mắc bệnh tiểu đường.

Theo thời gian, tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến tiền tiểu đường và nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2. Sự phát triển của tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể kháng insulin đến mức tuyến tụy không còn khả năng sản sinh đủ insulin để duy trì lượng đường huyết bình thường và các tế bào không đáp ứng với insulin mà cơ thể sản xuất ra.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và đôi khi dùng thuốc kê đơn như metformin hoặc insulin. Kháng insulin không dẫn đến bệnh tiểu đường type 1. Với tình trạng tự miễn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy và do đó không sản xuất được insulin. Nhưng những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể trở nên kháng insulin theo thời gian, điều này khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

Các triệu chứng của tình trạng kháng insulin?

Các triệu chứng kháng insulin có thể không dễ phát hiện theo thời gian và không rõ ràng như các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Có thể bạn đang có tình trạng kháng insulin nếu gặp phải những dấu hiệu sau đây:

  • Đường máu cao hơn mức bình thường (100mg/dL hoặc cao hơn nếu bạn không ăn trong vài giờ).
  • Chỉ số mỡ máu triglycerides cao hơn bình thường (150mg/dL hoặc hơn).
  • Chỉ số LDL Cholesterol tăng cao.
  • Ít vận động.
  • Béo phì.

Tuy nhiên, một số triệu chứng kháng insulin có thể bao gồm:

  • Vòng eo ở nam giới lớn hơn 100cm và nữ giới hơn 89cm.
  • Xuất hiện những vùng da sẫm màu và dày hơn bình thường.
  • Huyết áp lớn hơn 130/80.
  • HbA1C trung bình trong 3 tháng nằm trong khoảng 5,7% - 6,3%.
  • Nồng độ cholesterol HDL dưới 40 mg/dL ở nam hoặc dưới 50 mg/dL ở nữ.

Kháng insulin ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường của bạn như thế nào?

Kháng insulin có thể khiến việc kiểm soát đường huyết và giữ chúng ở mức an toàn trở nên khó khăn. Nó cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu và HbA1C cao kéo dài, làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường. Tình trạng kháng insulin sẽ khiến bạn phải dùng nhiều insulin hơn (nếu bạn dùng insulin ngoại sinh) hoặc cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn. Điều này cũng có thể dẫn đến tăng cân, gây khó khăn trong việc quản lý bệnh tiểu đường của bạn, bao gồm tập thể dục và duy trì huyết áp cũng như mức cholesterol an toàn.

Béo phì có tác động gì đến tình trạng kháng insulin?

Mỡ cơ thể dư thừa ở dạng béo phì, đặc biệt là ở vùng bụng và xung quanh các cơ quan (còn được gọi là mỡ nội tạng), là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng kháng insulin. Giảm cân và vận động tích cực là những cách tốt nhất để giảm tình trạng kháng insulin cũng như giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2.

Có tình trạng kháng insulin mà không mắc bệnh tiểu đường không?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, kháng insulin là nguyên nhân chính gây ra tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2. Nếu bạn bị kháng insulin, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về cách khắc phục tình trạng này để ngăn ngừa các biến chứng sau này.

Điều trị tình trạng kháng insulin như thế nào?

Những biện pháp để đảo ngược tình trạng kháng insulin bao gồm giảm phần trọng lượng dư thừa của cơ thể, thực hiện chế độ ăn kiêng theo bác sĩ và hoạt động thể chất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng hầu hết người lớn nên hoạt động ở mức độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần, trong đó, có ít nhất hai ngày trong tuần là các bài tập có cường độ cao.

Khi nào cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế?

Nếu gặp các triệu chứng sau (triệu chứng của bệnh tiểu đường), hãy tìm đến sự thăm khám của bác sỹ ngay lập tức:

  • Khát nhiều.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Hơi thở mùi trái cây.
  • Vết thương hoặc nhiễm trùng chậm lành.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Giảm thị lực, nhìn mờ.
  • Mệt mỏi, không tập trung.

Kết luận

Kháng insulin và bệnh tiểu đường có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng chúng không giống nhau. Kháng insulin là một thuật ngữ rộng hơn, có nghĩa là cơ thể bạn phải tiết ra nhiều insulin hơn bình thường để kiểm soát lượng đường trong máu. Chẩn đoán bệnh tiểu đường là khi lượng đường trong máu của bạn đạt đến ngưỡng đủ cao do cơ thể không thể sản xuất đủ insulin. Nhiều người kháng insulin nhưng không mắc bệnh tiểu đường, nhưng kháng insulin có thể dẫn đến tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2. Bạn có thể phải tìm đến ​​​​bác sĩ hoặc các cơ sở chăm sóc y tế nếu gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng kháng insulin. Điều này rất quan trọng trước khi chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm